Bão Parma suy yếu khi vào bờ
Theo bản tin dự báo lúc 4h sáng nay của Trung tâm Dự
báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tâm bão Parma mạnh cấp 10 chỉ cách
bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Thanh Hoá khoảng 100 km về phía đông. Với
tốc độ tối đa 10 km một giờ, trưa nay bão đổ bộ vào đất liền. Sức gió
gần tâm bão mạnh cấp 9, vùng nguy hiểm nằm trong bán kính 200 km.
Tuy nhiên, sáng nay, tại buổi họp Ban chỉ đạo Phòng
chống lụt bão Trung ương, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn
Bùi Minh Tăng cho hay, lúc 6h sáng bão Parma đã giảm xuống cấp 8 khi
còn cách Hòn Dáu (Hải Phòng) 50 km. Lượng mưa chưa lớn, nhiều nhất là ở
Cô Tô (Quảng Ninh) 145 mm, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) 97 mm, Móng Cái
(Quảng Ninh) 81 mm...
"Từ tối 13/10, bão đã di chuyển chậm (5 km một giờ)
và khi vào bờ chỉ còn là áp thấp nhiệt đới, vùng tâm bão có gió mạnh
cấp 6-7. Khi vào bờ, bão cũng không có khả năng đi sâu vào đất liền.
Mưa cũng rất ít. Đêm nay và sáng mai, Bắc Bộ có mưa, chủ yếu là ở các
tỉnh ven biển", ông Tăng cho biết thêm.
 |
Dự báo đường đi của bão được phát 4h sáng nay. Ảnh: NCHMF. |
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, các
tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh đã sơ tán gần 30.000 dân ra khỏi vùng
nguy hiểm đến nơi an toàn, trong đó, Thái Bình phải cưỡng chế hơn 120
người ở các lều nuôi ngao, đầm nuôi trồng thuỷ sản vào trong đê chính.
Trước tình hình bão đang giảm cấp trước khi vào bờ,
sáng nay Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Xuân Học
chỉ đạo, các tỉnh cần đợi đến bản tin trưa nay để xem xét đưa người dân
đã được sơ tán trở về nhà. Còn các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Quảng
Ninh nên hạn chế việc di chuyển, sơ tán người dân.
12h đêm 13/10, trao đổi với VnExpress.net qua điện thoại, Phó ban Phòng chống lụt bão Nam Định
Đặng Ngọc Thắng cho hay, trời chưa mưa nhưng đang có gió cấp 6-7. Đến
20h, đã có hơn 6.000 người dân sống ở ngoài đê được di chuyển đến nơi
an toàn và tỉnh đang xem xét ngay trong đêm sơ tán thêm các hộ dân đang
sống trong những nhà yếu hay khu vực nguy hiểm.
Đến sáng nay, ông Thắng vẫn cho hay, bão hầu như đứng im và vẫn chưa ảnh hưởng gì đến các tỉnh ven biển, trong đó có Nam Định.
Hơn 100 người dân ở đầm ngao, đầm thủy sản của Thái
Bình kiên quyết không rời đầm đã được cưỡng chế, đưa vào trong đê
chính. Còn tại Ninh Bình, gần 1.000 người dân ở vùng
đê biển Bình Minh II được sơ tán đến nơi an toàn, hơn 100 tàu thuyền
đánh cá cũng được gọi lên bờ tránh bão.
Trong khi đó tại Hải Phòng, ngày
13/10, sau khi đổ bộ vào đảo Bạch Long Vĩ, bão Parma đã làm cây cối đổ
ngổn ngang, nhà mái tôn bị gió đánh tốc, tàu thuyền trong âu tránh bão
không thể buộc neo cố định. Xung quanh đảo mịt mù sóng nước, tầm nhìn
từ không quá 20 mét. Cột điện chạy bằng sức gió (nguồn cung cấp điện
duy nhất cho đảo) bị đổ gẫy.
Chiều và đêm 13/10, huyện Cát Hải tập trung di dân ở
các vùng trũng, thấp như xã Hoàng Châu, Hiền Hào, Văn Phong... nhằm đảm
bảo an toàn cho người dân.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đến 6h30
sáng nay, bão đã làm 18 tàu chìm, trong đó riêng Thanh Hóa có 16 tàu; 1
người bị thương, 1 cột phát sóng truyền hình bị đánh gẫy, nhiều nhà tốc
mái, hư hỏng. Tuy nhiên, hiện chưa có con số chính thức về thiệt hại do
bão.
Theo báo VnExpress.