Phải kiên quyết, kiên trì, đồng bộ trong phòng, chống tham nhũng
 |
|
Trong quý III năm 2009, công tác PCTN tiếp tục được Chính phủ, Ban Chỉ đạo
T.Ư về PCTN tập trung chỉ đạo và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, đạt được
những kết quả thiết thực, góp phần tích cực phục vụ nhiệm vụ chính trị. Trên
nhiều mặt công tác có chuyển biến rõ nét, như: Tuyên truyền, giáo dục; hoàn
thiện thể chế; kiểm tra, đôn đốc; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án
tham nhũng và kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan
chuyên trách về PCTN. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, kết thúc quý
III-2009, tổng hợp trong chín tháng năm 2009, Thanh tra Chính phủ kết thúc và
kết luận tám cuộc thanh tra từ năm 2008 chuyển sang, triển khai tám cuộc thanh
tra theo kế hoạch; hai cuộc do Thanh tra Chính phủ thực hiện theo đơn thư tố
cáo; bốn cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thanh tra
Chính phủ đã kết thúc 12 trong số 14 cuộc thanh tra được triển khai trong năm
2009. Tổng hợp từ 11 bản kết luận thanh tra, đã phát hiện thiếu sót, sai phạm
11.161 tỷ đồng, 129.889 USD, 3.237 m2 nhà, đất và 21.500 cổ phần. Thanh tra
Chính phủ kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước 1.178 tỷ đồng, 149.889 USD và
21.500 cổ phần; kiến nghị xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán 327,7 tỷ đồng;
đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 7.035 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành
chính 11 tập thể, 24 cá nhân và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm
rõ ba vụ việc.
Thanh tra các bộ, ngành, địa phương triển khai 9.009 cuộc thanh tra, kết thúc
7.001 cuộc; phát hiện sai phạm 9.278 tỷ đồng, 1.368 ha đất; kiến nghị thu hồi
cho Nhà nước 496 tỷ đồng, 1.156,8 ha đất (đã thu hồi 177 tỷ đồng, 601,9 ha đất);
kiến nghị xem xét, xử lý 8.760 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 517 tập thể,
1.748 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra đề nghị xem xét xử lý hình sự 40 vụ việc,
67 người.
Lực lượng thanh tra chuyên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với
291.522 tổ chức, cá nhân; phát hiện 76.716 tổ chức, cá nhân có sai phạm, với
tổng số tiền sai phạm 92,7 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 26 tỷ đồng (đã thu 34,4 tỷ
đồng); ban hành 33.127 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 52,3
tỷ đồng.
Trong hai tháng 7 và 8 của quý III-2009, các cơ quan pháp luật trong cả nước
đã khởi tố 51 vụ/126 bị can; truy tố 67 vụ/166 bị can; xét xử 47 vụ/94 bị cáo về
tham nhũng. Theo báo cáo của Cục Thống kê tội phạm - Viện Kiểm sát Nhân dân tối
cao, tổng hợp tám tháng năm 2009 (từ 1-1-2009 đến 31-8-2009) trên phạm vi cả
nước, tổng số vụ án đã khởi tố: 200 vụ/432 bị can. So với cùng kỳ năm 2008 tăng
11,1% số vụ, 8,5% số bị can. Viện Kiểm sát truy tố: 212 vụ/533 bị can, so với
cùng kỳ năm 2008 giảm 17,8% số vụ, giảm 12,9% số bị can. Tòa án xét xử: 188
vụ/413 bị cáo, so với cùng kỳ năm 2008, giảm 20% số vụ, giảm 30,9% bị cáo.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, công tác PCTN trong quý III
cũng còn nhiều hạn chế, như: Hiệu quả của một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng
đạt được còn thấp, nhiều mặt yếu kém chậm được khắc phục; tình trạng nhũng nhiễu
của nhiều cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với người dân và
doanh nghiệp vẫn là vấn đề gây bức xúc trong xã hội.
Qua thảo luận, các thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN đều nhận định trong quý
III, công tác PCTN đã đạt được những kết quả thiết thực; đồng thời phân tích,
làm rõ thêm những mặt đã đạt được và những hạn chế cần khắc phục trong thời gian
tới.
Phát biểu ý kiến kết thúc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định,
công tác PCTN trong quý III và từ đầu năm 2009 đến nay, đã được Ðảng, Nhà nước,
các cấp ủy, chính quyền các ngành tiếp tục quan tâm. Công tác này tiếp tục được
duy trì, kiểm tra, đôn đốc. Các mặt công tác cụ thể được triển khai và đạt kết
quả thiết thực, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Trong chín tháng qua,
dự kiến tăng trưởng GDP đạt 5,2%, cao nhất ở Ðông- Nam Á, an sinh xã hội được
bảo đảm, quốc phòng-an ninh được giữ vững, chính trị-xã hội ổn định. Ðiều đó thể
hiện ở việc xây dựng thể chế, việc ban hành cơ chế phòng ngừa tham nhũng; việc
phát hiện, xử lý tham nhũng cũng được quan tâm. (Không có vụ việc nào bức xúc mà
chúng ta không chỉ đạo). Kết quả hoạt động của các Ban chỉ đạo có tác dụng nhất
định.
Tuy nhiên, công tác PCTN cũng còn một số hạn chế, cụ thể như một số giải pháp
phòng ngừa hiệu quả chưa cao, nhất là trong các lĩnh vực: đầu tư từ ngân
sách,... thuế, đất đai, chi tiêu công và còn chậm trong việc xử lý một số vụ
việc.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh phải kiên quyết, kiên
trì, đồng bộ và sự phối hợp của các cơ quan chức năng phải đồng bộ.
Thủ tướng lưu ý việc thu hồi tài sản cho Nhà nước và nhấn mạnh tiếp tục đẩy
mạnh Cuộc vận động "Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với
trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, cải cách
thủ tục hành chính, hướng đến công khai minh bạch, tập trung vào các lĩnh vực:
quản lý đất đai, chi tiêu công, đầu tư, thuế và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà
nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, đẩy mạnh tiến độ điều tra các vụ
án đã khởi tố, tăng cường sự phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng, khắc phục
tình trạng trả lại hồ sơ cho nhau. Ban Chỉ đạo T.Ư thực hiện tốt chức năng,
nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các ngành chức năng trong công tác
PCTN.
Theo báo Nhân Dân.