Hàng ngày Thành vẫn chăm chỉ hoàn thành bài vở bằng chân
Dám làm dám chịu
Theo lời kể của mẹ
Thành, em bị tai nạn khi cùng với các bạn chăn trâu trèo lên một cột
điện và bị điện giật. Em bị rơi xuống từ độ cao 4m và nằm bất động suốt
mấy tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy, câu đầu tiên mà Thành nói là: “Mẹ ơi,
tại con đấy”. Sau này, Thành bảo, việc mình làm thì phải nhận trách
nhiệm, “dám làm dám chịu”.
Thành được đưa đi bệnh viện và em phải ở lại trong đó suốt 5 tháng cùng 7 lần phẫu thuật. Cô Phong - mẹ Thành nhớ lại: “
Tay
phải của em nó phải cắt bỏ, bác sĩ muốn cắt luôn cả tay trái, nhưng nếu
mất cả hai tay thì tội lắm, đành để lại. Nhưng mà tay trái da hỏng hết,
phải cắt da ở vùng đùi đắp vào, cơ cũng dần teo hết, có lúc lộ cả xương
ra”.
Khi Thành trở lại
trường vào năm sau, mẹ em cũng chỉ nghĩ rằng cho em đi học để có bạn có
bè, con mình đỡ phải thui thủi ở nhà một mình, đỡ phải ngậm ngùi nhìn
chúng bạn cắp sách tới trường.
Trở về từ bệnh viện,
nhìn những dòng nước mắt cứ lăn dài trên mặt mẹ cùng với những cái lắc
đầu của mọi người xung quanh “rồi chẳng làm được gì nữa đâu” khiến lòng
tự ái của Thành trỗi dậy. Biết tay mình đã trở nên vô dụng, Thành bắt
đầu tập “cầm nắm” những viên sỏi bằng chân.
Những viên sỏi ở bãi chăn trâu từ ương ngạnh đã trở nên thuần phục dưới những ngón chân của Thành. Thời gian sau, Thành dùng các viên sỏi để tập viết xuống đất và em đã thành công trong sự ngỡ ngàng của mọi người.
Không chỉ tập viết để
đi học, với một phần cánh tay phải còn lại và cánh tay trái bị liệt,
Thành vẫn cố luyện để chúng trở nên chắc khoẻ và làm được việc. Em vẫn
nấu cơm, trồng cây, xách nước tưới cây, cho lợn ăn giúp mẹ…Không xách
được nhiều thì em xách từng ít một. Thành bảo: “Em là con trai, ngay cả
những việc bình thường như thế còn không làm được thì làm được việc gì
nữa”.
Cậu học trò “vô lễ”
Những ngày khó khăn
nhất với Thành là vào mùa đông, chân bị lạnh tê cứng lại, không kẹp
được bút viết nữa, nhiều lần kiểm tra các bạn đã viết được 15 - 20 phút
rồi thì chân em mới bắt đầu khởi động được…
Lên cấp 3, nhà cách
trường những 7km, Thành phải đi xe đạp đến trường, ngày 4 lần đạp đi
đạp về. Con đường quê nhiều đoạn là đường đất, ổ gà ổ voi chằng chịt,
khổ nhất là trời mưa, đường trơn trượt, người bình thường đi còn khó,
nhưng em vẫn không bỏ buổi học nào. Thành đã tập xe đạp nhiều đến nỗi,
từ năm lớp 11 có thể bỏ tay cầm lái mà đạp một quãng đường dài. “Em là
người đi xe đạp giỏi nhất ở trường rồi đấy”, Thành dí dỏm.
Một kỷ niệm mà Thành
không bao giờ quên là đầu năm học lớp 12, thầy Hoàng Phùng Xuân - giáo
viên chủ nhiệm bước vào lớp, thấy Thành quay sang một bên và lúi húi ở
bên dưới. Nghĩ cậu học trò này cố tình vô lễ với giáo viên, lúc đó thầy
Xuân đã sẵng giọng với em nhưng bị cả lớp phản ứng ngay lập tức. Biết
chuyện, thầy đã xuống lớp xin lỗi Thành.
Những cố gắng của
Thành đã được đền đáp, đầu năm học này cậu bạn đã nhận được giấy báo
đậu của 2 trường đại học: Đại học Công nghiệp Hà Nội và Đại học Nông
nghiệp Hà Nội. Thành quyết định theo học tại khoa Kỹ thuật phần mềm -
trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, là ngành học mà cậu học trò này đã mơ ước
từ lâu.

Đặng Văn Thành (thôn Chúng, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà - Bắc Giang) và anh họ
Ước mơ du học
Khi còn học cấp 3,
nhà Thành trở thành một lớp học thứ 2 của trẻ con trong xóm. “Thầy
giáo” Thành nhỏ thó trong đám học sinh chuẩn bị thi lên cấp 3. Thành
học giỏi nên bọn trẻ con trong xóm thường xuyên hỏi bài, ban đầu là mấy
đứa, rồi cứ tăng dần, cho đến lúc tăng lên cả hơn chục cô cậu, có những
hôm 12h đêm rồi mà lớp học vẫn chưa giải tán.
Được hỏi về những
ngày làm gia sư nhưng không thu học phí, Thành cười: “Học có kiến thức
cũng chỉ để đi giúp người, mình có cơ hội giúp đỡ ngay những đồng hương
của mình tại sao lại không giúp nhiệt tình được”.
Những ngày từ quê Bắc
Giang ra Hà Nội thi đại học, Thành nhanh chóng kết thân với các bạn
cùng xóm trọ và còn giúp các bạn ấy ôn lại bài trước ngày thi. Bố Thành
nhớ lại: “Lúc mấy đứa vào phòng thi, các ông bố rủ nhau đi uống nước,
thi xong, tìm mãi không thấy Thành đâu, về phòng trọ mới thấy nó đang
giảng bài cho con bác chủ nhà”.
Riêng Thành thì rất
nhớ kỉ niệm với cậu em cùng xóm: “10h đêm nó mới gọi em qua giúp mấy
bài toán khó, thế là hai anh em ngồi đến 2h30 mới đi ngủ, sáng 5h lại
dậy học tiếp”.
Từ ngày lớp 9, Thành
đã mơ ước theo học ngành công nghệ thông tin. Lý giải cho ước mơ này,
em giải thích: do tay em không thể làm việc được như những người khác,
em phải chọn cho mình nghề nghiêng hẳn về làm việc trí óc. Thành đang
cố gắng để thực hiện ước mơ du học.
(Theo Dantri.com.vn)