Sẽ sớm có truyền hình ba chiều
Trò chuyện với Tiền Phong, TS Thái Minh Tần -
Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền
thông đa phương tiện VTC kể về chặng đường gian nan đưa truyền hình kỹ
thuật số vào Việt Nam.
 |
Việt Nam sẽ sớm có truyền hình ba chiều - Ảnh: Hồng Vĩnh |
Cuộc cách mạng
Thưa ông, khi công nghệ truyền hình kỹ thuật số được triển khai, nhiều đài truyền hình không mặn mà?
Cách đây khoảng trên 10 năm, thế giới chuyển từ công
nghệ cũ (analogue) sang công nghệ số. VTC cũng bắt đầu đưa công nghệ số
hoá truyền hình vào Việt Nam cách đây khoảng chục năm.
Cần nói thêm rằng số hoá truyền hình phải qua ba khâu
là số hoá sản xuất chương trình truyền hình, số hoá phương thức truyền
dẫn phát sóng, số hoá phương tiện nghe thu xem.
Đây có thể xem là ba cuộc cách mạng, và cuộc cách mạng
nào cũng quan trọng. Nhưng tôi thấy cuộc cách mạng số hoá sản xuất
chương trình ở Việt Nam là rất khó khăn.
Số hoá ở khâu này có ưu điểm là làm cho hình ảnh đẹp
hơn, không bị bóng. Tuy nhiên, các nhà đài không mặn mà. Vấn đề là nếu
áp dụng công nghệ này, nguồn nhân lực dôi dư sẽ phải đưa đi đâu? Rồi
công nghê dựng hình chủ yếu bằng phần mềm, đòi hỏi người tham gia sản
xuất chương trình cũng phải nâng cao trình độ.
Cách đây 5 năm, hầu hết các đài truyền hình trên toàn quốc cũng chuyển hẳn sang số hoá ở khâu sản xuất.
 |
TS Thái Minh Tần - Ảnh: Hồng Vĩnh |
Chính
phủ cũng đã phê duyệt lộ trình số hoá phát thanh, truyền hình. Việc này
có thúc đẩy được cuộc cách mạng trên không, thưa ông?
Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch truyền dẫn phát sóng
của ngành truyền hình Việt Nam, trong đó mới chỉ quy hoạch truyền dẫn
phát sóng. Trong văn bản này chưa nói đến khâu sản xuất và khâu phương
tiện nghe, xem.
Ông nhận ra xu hướng số hoá phát thanh truyền hình từ khi nào?
Chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu công nghệ số hoá từ
2001 – 2002. Anh Hồ Anh Dũng (Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam
lúc đó), thủ trưởng của tôi đề nghị Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VH
- TT - DL) cấp phép làm nội dung và đề nghị Tổng cục Bưu điện (sau này
là Bộ BC&VT) cấp phép tần số. Hai cơ quan này đều ủng hộ tôi. Một
số các anh lãnh đạo cao cấp khác cũng ủng hộ chúng tôi.
Vác máy đi giới thiệu
Nhưng khi triển khai việc số hoá, được biết ông phải mang máy đi giới thiệu với những người có trách nhiệm?
Người ta quan niệm từ chạy với nghĩa xấu, nhưng chúng
tôi chạy với nghĩa tích cực, nghĩa là đi gặp giải thích để những người
có trách nhiệm hiểu và ủng hộ chúng tôi.
Đầu tiên là Ban Tư tưởng Văn hoá T.Ư (nay là Ban Tuyên
giáo T.Ư). Anh Nguyễn Khoa Điềm hồi đó là Trưởng ban, anh Hồng Vinh là
Phó ban hiểu công nghệ và ủng hộ VTC. Nhưng chúng tôi cũng cần một
tiếng nói trọng lượng nữa.
Chúng tôi tìm đến anh Hữu Thọ, lúc đó là Trợ lý Tổng
Bí thư. Tôi với anh Hải (ông Trần Vũ Hải, hiện là Cục trưởng Cục Phát
thanh, Truyền hình) lúc đó làm phó của tôi mang máy đến nhà anh Hữu Thọ
để trình diễn công nghệ. Anh Hữu Thọ khen hình ảnh rất sắc nét, xem
được nhiều kênh.
Anh Thọ còn hỏi chúng tôi, sao không có kênh CNN. Anh
Hải chỗ tôi nói, cơ quan quản lý chưa cho phép phát kênh này. Anh Hữu
Thọ nói bên Cuba vẫn phát kênh CNN đó thôi. Những người xem và hiểu
được bằng tiếng Anh ở Việt Nam đa số có trình độ cao nên họ phân biệt
được những điều đài này nói đúng hay sai.
Anh Hữu Thọ còn nói nếu cần sẽ báo cáo Tổng Bí thư để có thêm sự ủng hộ. Thế rồi chúng tôi được phép phát CNN sau đó.
Ông hăng hái với truyền hình số như thế, vậy tại sao đài truyền hình VTC vẫn phát một số kênh với công nghệ analogue?
VTC có hai chức năng, là chức năng truyền dẫn và chức
năng sản xuất chương trình. Sản xuất thì phải có người xem. Ngoài ra
còn có những kênh nhà nước đặt hàng, ví dụ kênh VTC2 về công nghệ thông
tin phục vụ chiến lược phát triển CNTT của Bộ TT&TT. Hay kênh VTC14
là kênh cũng của nhà nước đặt hàng chuyên về phòng chống thiên tai.
Đến thời điểm này, có phải nhà nào cũng có phương tiện
thu sóng truyền hình kỹ thuật số đâu? Chúng tôi phải phát sóng truyền
hình theo công nghệ truyền thống (analogue) để người thu nhập thấp có
thể xem được ngay cả với chiếc TV đen trắng.
Tuy nhiên, điều cốt lõi ở đây là lộ trình đến số hoá
được Thủ tướng phê duyệt còn xa lắm, đến tận năm 2020 với điều kiện 95
phần trăm số hộ phải có phương tiện thu hình công nghệ số.
Điều nữa tôi muốn nói là VTC được Chính phủ cho phép
phát sóng truyền hình kỹ thuật số toàn quốc, nhưng không cấp kinh phí.
Chúng tôi phải vận động, đầu tư mua máy phát.
Vậy chúng tôi phải tạm thời phát sóng bằng công nghệ
analogue để truyền thông tin, trong đó có thông tin nhà nước đến với
người dân, tăng rating (lượng người xem) để có thêm quảng cáo đầu tư
cho số hoá.
Phát sóng lậu
Như vậy VTC đã phát sóng “lậu”?
Ở đây phải hiểu rằng nội dung phát sóng mới là quan
trọng. Về nội dung, chúng tôi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép,
thậm chí được nhà nước đặt hàng. Khâu phát sóng bằng công nghệ analogue
(truyền thống) hay digital (kỹ thuật số) chỉ là vấn đề phương thức
truyền dẫn.
Nếu nói là phát sóng lậu thì đời tôi đã phát lậu
nhiều lắm. Trước đây chúng tôi lắp các máy phát hình, nhiễu thì lại
chỉnh tần số. Lắp nhiều như thế trong khi tần số có ai quản đâu? Có làm
thế thì bà con nông thôn, vùng sâu vùng xa mới sớm xem được TV chứ.
Về nguyên tắc là phương thức truyền dẫn không đúng với giấy phép. Nhưng vấn đề là việc lậu đó phục vụ dân, trong đó có nhiều hộ dân thu nhập thấp.
Chúng tôi đã chính thức xin phát sóng analogue một số kênh. Bộ TT&TT đồng ý và đang chờ Thủ tướng quyết định.
Ông muốn thúc đẩy sớm hơn lộ trình số hoá phát thanh, truyền hình?
Theo tôi được biết, đề án lộ trình số hoá truyền dẫn
phát sóng của Bộ TT&TT có ý kiến tư vấn của chúng tôi trình lên Thủ
tướng, thời gian không phải là đến năm 2020 mà là năm 2015 – 2016. Tuy
nhiên, có một số ý kiến còn muốn kéo dài hơn lộ trình này, đến năm
2025. Thủ tướng quyết định lộ trình này là năm 2020.
Sau HDTV sẽ là 3D TV
Khi số hoá toàn bộ các khâu của phát thanh, truyền hình, lợi ích người xem được hưởng là gì, thưa ông?
Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc
số hoá ngành phát thanh truyền hình. Họ đã bỏ hẳn công nghệ analogue
năm vừa qua. Châu Âu đến năm 2015 – 2016 cũng sẽ bỏ hẳn công nghệ này
chuyển sang công nghệ số. |
Chất lượng
hình ảnh tốt hơn hẳn so với truyền hình analogue hiện nay. Người dân ở
khắp mọi miền tổ quốc, kể cả vùng sâu vùng xa đều được xem TV với chất
lượng hình ảnh đẹp.
Chúng ta còn tiết kiệm được phổ tần, tài nguyên rất
quý giá của quốc gia. Phổ tần tiết kiệm dùng vào việc khác, chẳng hạn
cho thông tin.
Hiện nay nhà nước cho phép VTC sản xuất đến 14 kênh
truyền hình, nếu phát cả bằng công nghệ analogue thì lấy đâu ra tần số.
Dùng số hoá chúng tôi chỉ cần một băng tần là đủ hết cho tất cả số kênh
này.
Muốn phát triển nhưng công nghệ truyền hình khác,
chẳng hạn truyền hình độ nét cao (HD TV) mà chúng tôi vừa cung cấp được
1 năm nay, số hoá là điều kiện đầu tiên phải có. Mà truyền hình HD sẽ
là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.
Sau HDTV, VTC sẽ nghiên cứu tiếp công nghệ gì, thưa ông?
Chúng tôi tự hào đi tiên phong trong việc phát sóng
truyền hình độ nét cao HD và VTC là đài truyền hình hiện nay có nhiều
kênh HD nhất, chín kênh và sẽ tăng thêm ba kênh nữa trong thời gian
tới.
Hiện nay, về lý thuyết, chúng tôi đã có thể phát được
truyền hình 3D. Chỉ cần có chiếc tivi LCD hoặc Plasma với chiếc kính
chuyên dụng giá chỉ 1 USD/chiếc là có thể xem được phim 3D. Tuy nhiên,
cái mà chúng tôi muốn hướng tới là xem trực tiếp hình ảnh 3D trên TV mà
không cần kính chuyên dụng.
Hiện hầu hết các hãng sản xuất đã cho ra mắt loại TV
này lại chưa đưa ra chuẩn chung nên chưa thể thương mại được. Chúng tôi
đang nghiên cứu để khi nào có chuẩn chung là có thể phát 3D được.
Theo báo Tiến Phong Online.