Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 20/10/2009 09:34
Người Hà Nội tuyên chiến với tệ đổ rác ra đường: Nghịch lý giữa Thủ đô văn hiến
Tệ đổ rác ra đường là nghịch lý không thể chấp nhận được tại một Thủ đô như Hà Nội. Nếu tiếp tục để thói quen xấu này tồn tại, Hà Nội và những người dân đã, đang và sẽ sống ở đây, "trái tim của cả nước", sẽ mất rất nhiều thứ mà chúng ta không dễ dàng tìm lại được trong tương lai.

 Thăng Long - Hà Nội luôn gắn liền với thành ngữ "ngàn năm văn hiến". Khái niệm văn hiến theo cách hiểu xưa nay bao hàm cả văn hóa, văn minh và yếu tố hiền tài của đất nước. Nói "Thủ đô ngàn năm văn hiến" có nghĩa rằng: Hà Nội tự ngàn năm qua, luôn là nơi hội tụ của hiền tài (là nơi nhiều người có tri thức, được học hành tử tế nhất), là kết tinh và đại biểu cho văn hóa, văn minh của đất nước. Đây là điều không ai có thể phủ nhận và là giá trị truyền thống vô cùng quý giá đã được hun đúc, duy trì qua bao đời người dân đất kinh kỳ Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

 

"Cây có cội, nước có nguồn". Truyền thống tốt đẹp cha ông để lại cũng tựa như gốc rễ của con người. Vì thế, mỗi người Hà Nội ngày nay (chứ không phải ai khác) có nghĩa vụ và trách nhiệm duy trì và phát huy truyền thống quý báu đó. Đây là cái đạo thông thường ở đời.

 

Vậy nhưng, nghịch lý lại đang xảy ra. Chỉ qua tệ đổ rác ra đường đang phổ biến hiện nay, chúng ta thấy, ý thức trách nhiệm đối với truyền thống ngàn năm văn hiến của không ít người Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng. Thay vì đóng góp cho truyền thống, họ đang làm mai một nó.

 

Hà Nội ngàn năm văn hiến được biểu hiện sinh động và cụ thể nhất bởi con người Tràng An văn minh, thanh lịch. "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Người Hà Nội nổi tiếng trong và ngoài nước bởi cử chỉ, nết ăn, ở thanh nhã, lịch thiệp. Truyền thống ấy, nét đẹp được ghi nhận tưởng như đã trở thành thương hiệu ấy đang bị không ít người Hà Nội thể hiện hoàn toàn trái ngược bằng thói quen đáng xấu hổ: đổ rác ra đường và xả rác bừa bãi nơi công cộng.

 

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Hà Nội ngày nay tốt hơn ngày xưa rất nhiều. Lẽ thường khi đời sống sung túc hơn, hiện đại hơn thì con người ta cũng sống văn minh, văn hóa hơn hoặc chí ít cũng không thua kém người xưa. Thế nhưng, với những gì chúng ta nhìn thấy hằng ngày, dường như điều này đang hoàn toàn trái ngược. 

 

Liệu các bậc lớn tuổi, những bậc làm cha, làm mẹ có bận tâm không khi chính mình cũng có thói quen đáng xấu hổ như vậy hoặc nhìn thấy con trẻ đổ rác ra đường mà không phản đối, ngăn chặn, dạy bảo. Làm một việc xấu, thấy việc làm sai mà tưởng như bình thường, mang danh người Hà Nội mà không thanh lịch, không xứng là người Hà Nội, chúng ta sẽ làm gì để răn dạy con trẻ, để duy trì nếp nhà đây!

 

Đó là những nghịch lý không thể chấp nhận được ngay cả đối với người dân một đô thị bình thường chứ chưa nói gì đến Hà Nội, thủ đô, trái tim của cả nước, nổi tiếng là thanh lịch, văn minh.

 

Càng nghịch lý hơn khi so với nhiều đô thị trong nước, diện mạo của Thủ đô Hà Nội cũng thua kém nhiều phần vì tệ đổ rác ra đường. Ai từng đến Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Huế cũng thấy rõ điều này. So với Đà Lạt thì Hà Nội "thua" xa. Thậm chí so với những thành phố bộn bề đô thị hóa như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ…, Thủ đô của chúng ta cũng không bằng. So với những đô thị, thủ đô của những nước trong khu vực như Xin-ga-po hay Viêng Chăn; so với những thành phố, thủ đô trên thế giới như Pa-ri, Luân Đôn hay Bắc Kinh thì với thói quen không vứt rác ra đường thôi, Thủ đô của chúng ta thua kém bội phần. Xét về mọi khía cạnh, nhất là truyền thống và con người, Hà Nội chẳng có lý do gì thua kém các thành phố, thủ đô trên thế giới, càng không thể thua kém những thành phố, đô thị trong nước.

 

Trung bình mỗi ngày người dân Hà Nội thải ra khoảng 2.700 tấn rác, trong đó có tới 60 tấn rác vô cơ không thể tái chế phải đem chôn lấp. Một câu hỏi được đặt ra là mỗi ngày có bao nhiêu tấn rác bị ném trộm ra đường, bị tồn đọng trong các ngõ xóm? Chưa thấy có con số thống kê cụ thể, nhưng chắc hẳn là không ít, vì đi chỗ nào cũng thấy có rác. Rác trên vỉa hè, rác dưới lòng đường, rác dưới ao, rác ngay gần trường học, bệnh viện, chùa, công sở... kỳ lạ là cứ hở chỗ nào trống ra, là chỗ đó có rác. Có nhiều người ở ngoại tỉnh, mua được đất ở Hà Nội, chưa kịp xây nhà, phàn nàn với chúng tôi: Dân Hà Nội lạ thật, mới đầu chúng tôi để đất trống, dân cả phố cứ thế đổ rác vào cứ như thể đất nhà tôi là điểm tập kết rác. Chúng tôi phải thuê bao nhiêu tiền mới dọn sạch. Xây tường bao, tưởng thoát, mấy tháng sau, vẫn đầy rác, thì ra không đổ được thì người ta ném qua rào. Thật hết chỗ nói.

 

Hẳn ít người còn nhớ đến vụ lái xe Lê Văn Lực trút trộm một xe ben chở đất, bùn xuống đường Trung Kính (Yên Hòa, Cầu Giấy) đã bị TAND Hà Nội đưa ra xét xử, Lực phải nhận mức án 15 tháng tù về tội "chống người thi hành công vụ" và bị phạt 2,5 triệu đồng vì hành vi đổ phế thải không đúng nơi quy định. Nhưng đấy là đổ trộm cả một ô tô bùn đất, to lù lù như thế còn dễ xử, thử hỏi với một túi rác được ném trộm đánh vèo ra ngoài đường, biết xử thế nào đây? Chính vì chẳng có ai bị phạt, thế nên, một người ném rác trộm được, hai người ném rác trộm được... thế là nhiều đường phố, ngõ ngách ngập trong rác...

 

Hà Nội đang có được cái danh tiếng "Thủ đô ngàn năm văn hiến" được bè bạn quốc tế ghi nhận. 10 năm về trước, UNESCO đã công nhận Hà Nội là "Thành phố vì hòa bình". Thế nhưng, thay vì góp sức dù là bé nhỏ bồi đắp danh tiếng đó hoặc chí ít cũng không làm phương hại đến nó, không ít người dân đang làm xấu hình ảnh Thủ đô bằng thói quen vứt rác ra đường của mình. Ai mà đo đếm được những thiệt hại mà Thủ đô, đất nước phải gánh chịu một khi tiếng thơm bị mai một?

 

Quốc Bình

 

Dư luận xã hội phê phán tệ đổ rác ra đường
 
Ngay sau khi khởi đăng loạt bài "Người Hà Nội tuyên chiến với tệ đổ rác ra đường", báo Hànộimới đã nhận được rất nhiều ý kiến bạn đọc gửi đến bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của báo. Nhiều bạn đọc còn gọi điện, thông báo các "điểm đen" thường xuyên là chỗ "tập kết" rác của những công dân vô ý thức.  
 
Chị Lê Hoài Thanh, phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội: Sẽ dần đánh mất "chất" của người Hà Nội
 
Đúng như báo Hànộimới nói, đổ rác ra đường là hành vi rất đáng xấu hổ, càng đáng xấu hổ hơn khi nó là hành vi của người Hà Nội mà ngày xưa gọi là người đất kinh kỳ, phải sang trọng, lịch lãm hơn tất cả mọi nơi. Tôi thấy bây giờ chúng ta sống dễ dãi quá, nhiều khi làm ngơ trước những hành động vô văn hóa, đến mức không cần quan tâm là nó ảnh hưởng đến xung quanh thế nào. Nếu cứ mãi như thế này, người Hà Nội sẽ không chỉ đánh mất diện mạo của Thủ đô mà còn đánh mất chính "chất" người Hà Nội được hun đúc bấy lâu.
 
Ông Phạm Hoàng Linh, xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội: Cần phải soi lại mình
Không chỉ tệ đổ rác ra đường, hiện nay phổ biến nhiều hành vi mà trông vào không ai có thể nghĩ đó lại là của người Hà Nội. Tệ đổ rác ra đường là biểu hiện rõ ràng nhất về lối sống đáng báo động đó. Mỗi người Hà Nội, dù là dân gốc lâu đời hay mới về đây sinh sống thì cũng phải soi lại mình để sống sao cho xứng là người Hà Nội, là công dân Thủ đô văn minh, thanh lịch.
 
Anh Lê Hoàng Quân, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội: Hà Nội không thể đẹp lên nếu người dân thờ ơ
Rất nhiều người có thói quen than thở rằng ô nhiễm quá, bẩn quá, nhưng bản thân họ cũng sẵn sàng làm môi trường sống quanh mình ô nhiễm thêm, bẩn thêm như tệ đổ rác ra đường chẳng hạn. Đó là điều không thể chấp nhận nổi và cần thay đổi ngay.
 
Nhóm PV Nội chính

(Theo hanoimoi.com.vn)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)