|
Với người Hà Nội xưa, mâm cỗ cưới không đơn thuần chỉ là chuyện ăn mà cao hơn nó thể hiện bộ mặt của gia đình, dòng tộc. |
Người
Hà Nội thường ngày vốn đã cầu kỳ trong chuyện ăn uống. Vào các dịp lễ
tết hay khi nhà có việc, mâm cỗ càng được chú trọng bởi nó không đơn
thuần chỉ là chuyện ăn mà cao hơn nó thể hiện bộ mặt của gia đình, dòng
tộc. Cưới hỏi là việc lớn, việc hệ trọng trong đời, nên dù thời nào,
với người Hà Nội việc lo chu toàn cho lễ cưới mà đặc biệt là mâm cỗ là
việc luôn được lưu tâm hàng đầu.
Vào
khoảng đầu những năm 20 của thế kỷ trước, khi xã hội có sự phân cấp
giàu nghèo rõ ràng thì cũng là lúc xung quang mâm cỗ cưới của người Hà
Nội có nhiều chuyện để nói nhât.
Nhà
giàu, mâm cỗ cưới bao giờ cũng phải đủ bốn bát, sáu đĩa. Theo quan niệm
của thời bấy giờ, con số 10 tròn trĩnh tượng trưng cho lời chúc hạnh
phúc trọn vẹn cho đôi vợ chồng mới. Sáu đĩa bao gồm: Một đĩa thịt gà úp
lật quân cờ vàng rượi, một đĩa thịt lợn quay xếp hình cánh hoa đều tăm
tắp, một đĩa giò lụa , một đĩa chả quế, thêmmột đĩa xôi gấc, một đĩa
nộm thập cẩm. Bốn góc mâm là bốn bát canh bao gồm: một bát măng hầm,
một bát mọc nấu thả, một bát chim bồ câu hầm hạt sen, và một bát mực
nấu rối gồm xu hào, cà rốt thái chỉ, trứng tráng thái chỉ, giò lụa thái
chỉ, mực khô thái chỉ xào cháy cạnh với nước mắm đường... Đó là chưa kể
đến các loại đĩa bát phụ như đĩa rau thơm, chanh, ớt, nước mắm hạt tiêu
... Ngoài ra, nhà nào sang còn có thêm đĩa hoa quả tráng miện hay đĩa
chè kho.Mỗi mâm đặt 1 chai rượu trắng và 6 chiếc chén nhỏ bằng hạt mít
cho khách uống rượu.
Đó
là cỗ cưới nhà giàu, thường xuất hiện ở những phường phố có truyền
thống ăn cỗ to như phố Hàng Ðào, Hàng Bạc trong trung tâm phố cổ hay ở
làng Ngũ Xã bên hồ Trúc Bạch. Ðương nhiên, những đám cưới của các gia
đình nghèo thì tùng tiệm hơn, có thể gồm từ 6 đến 8 món. Nhưng nhất
thiết không thể thiếu hai món chủ đạo là thịt gà luộc và xôi gấc -hai
món biểu trưng cho sự thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc.
Như
có một quy ước ngầm, cách thức ăn cỗ cưới của người Hà Nội tuân theo
quy trình nhất định. Bắt đầu ngồi vào mâm, khách bao giờ cũng đợi chủ
nhà có lời mời rồi mới mời lại nhau. Trong mâm luôn có một người của
gia đình hay họ hàng nhà đám ngồi lẫn thay chủ nhà tiếp khách, rót
rượu. Sau khi rời mâm cỗ, chủ nhà mời khách ra bàn uống trà, ăn trầu,
cắn hạt dưa, hạt bí chung vui cùng gia chủ.
Trải
qua thời gian, do sự phát triển của kinh tế cùng lối sống công nghiệp
hóa, mâm cỗ cưới của người Hà Nội vì thế mà cũng có nhiều thay đổi. Tuy
không còn câu lệ như các cụ ngày xưa song không vì thế mà cỗ cưới ngày
nay bớt đi sự cầu kỳ và chăm chút. Dù tự làm hay đặt tiệc, gia đình nhà
đám cũng luôn lưu tâm đến chất lượng cỗ cũng như đón tiếp khách mời rất
chu đáo.
(Theo Hanoimoi.com.vn)