Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 23/10/2009 10:37
Thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010
Ngày 22-10, kỳ họp thứ sáu, QH khóa XII bước vào ngày làm việc thứ ba. QH dành cả ngày để các đại biểu thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010.


Tại các tổ phóng viên Báo  Nhân Dân dự, các ý kiến phát biểu nêu rõ: Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH được chuẩn bị công phu, nghiêm túc,  chi  tiết  và  toàn  diện, trong đó, những mặt hạn chế, yếu kém được nhìn nhận, phân tích  thẳng thắn. Ðối với các vấn đề được nêu trong Báo cáo, các đại biểu QH đóng góp nhiều ý kiến  và đề xuất cụ thể.
Về bội chi ngân sách nhà nước, một số đại biểu cho rằng, mức bội chi ngân sách còn ở mức cao  trong nhiều năm trở lại đây (năm 2009 là 6,9% GDP), dự kiến năm 2010 là 6,5%, trong khi  mức bội chi này chưa tính đến các khoản chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ và một số khoản chi khác. Nợ Chính phủ tăng cao, năm 2008 khoảng 36,5% GDP, năm 2009 ước lên đến 40% GDP, năm 2010 dự kiến khoảng 44% GDP, nếu không có giải pháp quyết liệt để giảm dần bội chi ngân sách thì trong vài năm tới, nợ Chính phủ sẽ tiến dần đến mức giới hạn an toàn được cảnh báo. Do vậy, cần duy trì các biện pháp tăng thu ngân sách, triệt để tiết kiệm chi và đề nghị mức bội chi ngân sách năm 2010 không quá 6% GDP và cần có kế hoạch cụ thể để giảm bội chi ngân sách nhà nước dưới 5% GDP trong các năm sau. Bội chi ngân sách cần được tập trung đầu tư và phát triển dài hạn, không nên dùng vào việc chi thường xuyên.

Việc thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất 4%/năm theo Quyết định 131/QÐ-TTg được nhiều đại biểu QH quan tâm và khẳng định: Gói hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn đã hỗ trợ thành công một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, số doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất không nhiều (chỉ có khoảng 20% tổng số doanh nghiệp). Lãi suất VND sau khi được giảm trừ 4% và lãi suất cho vay ngoại tệ gần tương đương nhau, dẫn đến nhu cầu vay VND tăng, làm mất cân đối cung cầu trên thị trường tiền tệ, gây sức ép tăng lãi suất VND và tăng tổng phương tiện thanh toán, gây mất cân đối trên thị trường ngoại hối... Có đại biểu cho biết: Trên thực tế, rất khó kiểm soát hiệu quả thực chất của các khoản tín dụng, có hiện tượng dùng vốn vay để đảo nợ, đầu tư vào chứng khoán hoặc đầu tư vào bất động sản; lãi suất tiền gửi cao hơn lãi suất cho vay nên có doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ lãi suất thấp tại ngân hàng này và gửi sang ngân hàng khác để hưởng chênh lệch. Có doanh nghiệp có vốn gửi vào ngân hàng thương mại để hưởng lãi suất cao nhưng vẫn vay vốn VND để hưởng hỗ trợ lãi suất. Một số đại biểu đề nghị không nên kéo dài việc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp nhưng cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ lãi suất cho nông dân và nông thôn. Có đại biểu nêu ý kiến, Chính phủ cần tiến hành đánh giá thực chất hiệu quả của gói kích cầu, rút kinh nghiệm những hạn chế để làm cơ sở cho quyết định có triển khai gói kích cầu tiếp theo hay không? Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ cần nhấn mạnh và khẳng định sự nỗ lực, tự chủ của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia ngăn chặn thành công đà suy giảm kinh tế.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ dự kiến chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 khoảng 6,5%.  Một số đại biểu cho rằng, với triển vọng phục hồi kinh tế thế giới như đã phân tích, cùng với dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV năm 2009 đạt hơn 6,5% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 có thể đạt 6,5 đến 7%. Cũng có ý kiến phân tích, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV năm 2009 đã đạt hơn 6,5% cùng với tác động của các chính sách kinh tế đã thực hiện trong năm 2009, tăng trưởng kinh tế cả năm 2010 có thể đạt ở mức cao hơn. Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều khẳng định: Cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng kinh tế bởi trong điều kiện các cân đối vĩ mô tuy ổn định nhưng chưa vững chắc, hiệu quả đầu tư chưa được cải thiện thì không nên quá tập trung vào tăng tốc độ tăng trưởng. Do vậy, đề nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 là 6,5%.

Về chỉ tiêu lạm phát, một số đại biểu QH nhận định: Năm 2010, những yếu tố gây lạm phát cho nền kinh tế sẽ nhiều và gay gắt hơn. Giá cả trên thị trường quốc tế sẽ có xu hướng tăng cao hơn năm 2009 do tác động của phục hồi kinh tế; nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ tăng cao hơn trong năm 2010. Ðặc biệt, do tác động của gói kích thích kinh tế và thực hiện chính sách tiền tệ, sự gia tăng tín dụng, chính sách tài khóa nới lỏng trong năm 2009 sẽ làm sức ép lạm phát năm 2010 cao hơn năm 2009. Bởi vậy, để chủ động hơn cho công tác chỉ đạo, điều hành, đề nghị chỉ tiêu lạm phát năm 2010 ở mức không quá 8%.

Về chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, một số đại biểu cho rằng, sự sụt giảm giá trị xuất khẩu năm 2009 chủ yếu do tác động của sự giảm giá, còn khối lượng nhiều hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của nước ta trong năm 2009 vẫn tăng. Năm 2010 với triển vọng phục hồi kinh tế, nhu cầu và giá của nhiều hàng hóa trên thế giới có xu hướng tăng, xuất khẩu của nước ta sẽ có triển vọng khá hơn. Với mức dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 tăng 6% thì thực chất chỉ tăng 3,5 tỷ USD so với số thực hiện năm 2009. Ðây là mức tăng còn thấp, do đó đề nghị chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 là 8 đến 10%.

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu QH quan tâm thảo luận là xóa đói, giảm nghèo. Một số ý kiến cho rằng, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 11% năm 2009, tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững. Mức chuẩn nghèo chưa được thay đổi theo Nghị quyết của Quốc hội, trong khi mặt bằng giá chung đã lên rất cao trong mấy năm vừa qua nên tỷ lệ hộ nghèo còn 11% là chưa phản ánh đúng thực chất. Tốc độ giảm nghèo giữa các khu vực, các vùng còn chênh lệch lớn; miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc tỷ lệ nghèo còn cao; đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Một số đại biểu QH nhận xét, các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được chú trọng hơn nhưng chưa được lồng ghép tốt nên hiệu quả còn hạn chế. Qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, có nhiều đầu mối quản lý các chương trình dự án này, nhưng thiếu cơ quan chỉ đạo phối hợp nên phân bổ vốn còn dàn trải, kém hiệu quả. Tình hình triển khai Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo còn lúng túng, tiến độ giải ngân vốn nhìn chung thấp. Việc triển khai thực hiện một số chính sách cụ thể trong gói giải pháp kích thích kinh tế còn có những hạn chế, vướng mắc, như: khu vực nông nghiệp, nông dân được hưởng lợi từ chính sách này còn ít...

Quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, một số đại biểu đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần nhìn nhận, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế, nhất là y tế dự phòng. Trong thời gian gần đây, ở nước ta liên tục bùng phát nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe nhân dân. Trong khi đó, các cơ sở khám chữa bệnh từ T.Ư đến địa phương thường xuyên bị "quá tải", điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác điều trị cho người bệnh thiếu và yếu. Bên cạnh đó là giá thuốc chữa bệnh không kiểm soát được, gây tốn kém và bức xúc trong nhân dân.

Theo Báo Nhân Dân.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)