Cao Duy Sơn trò chuyện về 'Ngôi nhà xưa bên suối'
Cao Duy Sơn thú nhận nghệ thuật
“mã hóa” ngôn từ và cách xây dựng bố cục chính là điểm mạnh làm nên
thành công trong các tác phẩm của mình. Từ Đàn Trời, Người lang thang, Hoa Mận Đỏ đến Ngôi nhà xưa bên suối và sắp tới sẽ là Chòm ba nhà mà theo ông đây là tác phẩm sẽ có “chuyện”…
Nhớ về “Ngôi nhà xưa bên suối”
- Ông có cảm giác thế nào khi đoạt Giải thưởng văn học Đông Nam Á 2009?
- Xúc động, hạnh phúc và vinh dự, tôi là nhân vật thứ
13 được may mắn ghi lại những cảm xúc ấy để đánh dấu một “mốc son” tươi
rói trong nghiệp văn chương, cho dù đó không phải là tiêu chí đầu tiên
mỗi khi Cao Duy Sơn chắp bút.
- Ấn tượng của ông trong chuyến đi lần này?
- Một điều khá thú vị là chúng tôi - những nhà văn,
nhà thơ đến từ các quốc gia trong khu vực đã được Hoàng Thái tử Thái
Lan Maha Vajiralongkorn đích thân trao giải với những chiếc đĩa bạc ghi
nhận thành tích.
Hơn nữa, tôi cũng được giao lưu, chia sẻ niềm vui lớn
với kiều bào Việt Nam tại Thái Lan - những người xa xứ từ lâu và luôn
mong mỏi nhớ về những nét đẹp của văn hóa dân tộc sau ngần ấy đổi thay.
 |
Nhà văn Cao Duy Sơn (trái) nhận giải thưởng Văn học Đông Nam Á.
Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
- Ông nghĩ sao khi đây có thể là cơ hội để đưa “Ngôi nhà xưa bên suối” ra khơi xa?
- Không phải phô trương nhưng quả thực người ta đã
tìm đến Ngôi nhà xưa trước khi tôi có ý định “mời” họ đến. Nhiều người
bạn đã nắm chặt tay tôi, khoác vai tôi tỏ ra thân thiết từ bao giờ rồi
tỉ mẩn hỏi về cái xứ sở “U tì quốc” Cô Sầu, về điệu lượn then, về chợ
tình, về khúc hát Khai vài xuân… Thật lòng, tôi mừng vì điều đó hơn tất
thảy!
- Người dân Cô Sầu đã đến thăm “Ngôi nhà xưa bên suối” của ông?
- Tất nhiên rồi. Họ hào hứng và thích thú lắm. Ngôi
nhà xưa bên suối là món quà lớn của tôi dành tặng cho bất cứ ai ở Cô
Sầu. Nó có thể trở thành những câu chuyện hàn huyên của dân ở xứ sở “U
tì quốc” này, cũng có thể là những nỗi buồn phảng phất của ai đó khi
nhìn lại văn hóa mang đậm bản sắc riêng của người dân Cô Sầu (điệu hát
khai vài xuân, trang phục, ngôn ngữ…) đang mòn dần theo thời gian mà
mãi vẫn chưa tìm thấy “con đường cải tiến”.
Gõ cửa “Chòm ba nhà”
- Bao giờ tác phẩm mới -“Chòm 3 nhà” - của ông hé lộ?
- Một vài người thân của tôi đã biết đến nó. Đó là
cuốn tiểu thuyết dài gần 500 trang với 50 chương hồi, tập trung nói về
đề tài chiến tranh, về 6 người bạn cùng San (Tôi - nhân vật chính của
truyện) lớn lên ở xóm Chòm ba nhà, về tuổi thơ non nớt đã
phải chứng kiến sự tàn khốc của cuộc chiến, về những con người sinh ra
không kịp lớn, về sự sống "vội"… Chòm ba nhà hội tụ tất cả tâm lực của tôi trong suốt 3 năm qua.
- Viết về chiến tranh và đụng đến nhiều chuyện tế nhị, ông có linh cảm gì về sự ra đời của “Chòm 3 nhà”?
- Về đề tài chiến tranh, về sinh mạng, về nhân tình
thế thái… tất nhiên sẽ nhạy cảm, có thể “đụng chạm” là đằng khác. Cơ
bản người đọc đánh giá mức độ nhạy cảm đến đâu? Có chấp nhận được hay
không mà thôi. Thế nên Chòm ba nhà rất dễ có “chuyện”…
- Từ “Chòm 3 nhà” ông muốn ám chỉ điều gì?
- “Chòm ba nhà” ư, ấy là nơi ở của nhóm cư dân chưa
hội đủ thành một xóm. Ở đó có những con người thuộc các thành phần dân
tộc khác nhau. Suốt bao nhiêu năm họ đã sống thân ái và đoàn kết. Nhưng
rồi có một ngày, không hiểu sao người ở chòm bỗng trở nên thay đổi, họ
thận trọng và sống khép mình, rồi có lúc không tin nhau nữa.
Vì lý do gì họ không thể lý giải? Không còn thời gian
để tìm hiểu, họ lần lượt rời bỏ chòm ra đi, tan mất khắp phương trời.
Ngày trở về chỉ còn lại hai người. Họ đứng trên nền đất cát bị bỏ hoang
với tất cả sự nuối tiếc và thương nhớ quá khứ. Một quá khứ êm đềm và
thanh bình đã rời bỏ họ ra đi, hay mọi người đã rời bỏ quá khứ của
chính mình? Điều đó đã khiến họ trở nên hối tiếc và ân hận? Họ đứng đó
lặng lẽ và thương nhớ những ngày xưa, những ngày đẹp nhất của dân xóm
ba nhà chỉ còn đọng lại trong dư âm ký ức.
Sự tham lam của chiến tranh sẽ chỉ mang lại sự tàn
khốc và bất hạnh. Hãy biết quý trọng lấy từng ngày sống trên thế gian
này. Đối với nhau cho thật tử tế. Hãy trân trọng và chắp cánh cho những
ước mơ của tuổi thần tiên. Đó là những tháng ngày đẹp nhất của con
người một đi không bao giờ trở lại. Điều đó sẽ mang lại sự tin cậy và
thanh bình.
(Theo evan.vnexpress.net)