Công bố Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính: Bước đột phá quan trọng
Cơ
sở dữ liệu quốc gia về TTHC được ra mắt trên mạng internet đã đánh dấu
một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách TTHC ở nước ta. Chính
phủ đã tập hợp, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC áp dụng
tại bốn cấp chính quyền với hơn 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản quy định
và trên 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC. Kể từ đây, mỗi cá nhân, tổ chức
chỉ cần kết nối internet đều có thể tra cứu, tìm hiểu về mọi TTHC đang
được áp dụng tại các bộ, ngành và địa phương trên cả nước.
Tiếp cận tổng thể, xem xét toàn bộ hệ thống thủ tục hành chính
Tại
lễ công bố, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc,
Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày
kết quả giai đoạn thống kê và triển khai giai đoạn rà soát TTHC của đề
án Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn
2007-2010 (Đề án 30). Qua đó cho thấy, Đề án 30 được triển khai nhằm
bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch của
TTHC; tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp (DN) trong
tiếp cận TTHC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao
tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính và thúc đẩy phát triển KT-XH;
góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời tạo điều kiện cho
nhân dân giám sát việc thực hiện TTHC tại các cơ quan hành chính các
cấp. Đây có thể coi là bước đột phá trong tiến trình cải cách TTHC ở
nước ta. Đề án được chia thành 3 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 (từ
tháng 8-2008 đến tháng 8-2009): Thực hiện thống kê TTHC tại tất cả các
cấp chính quyền. Giai đoạn 2 (từ tháng 9-2009 đến tháng 5-2010): Thực
hiện rà soát TTHC theo các tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý và
tính hợp pháp của TTHC và các văn bản, quy định có liên quan. Giai đoạn
3 (trong năm 2010): Tổ chức thực hiện các kiến nghị đơn giản hóa TTHC.
Kết của đề án chính là Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trên internet
đã được chính thức công bố và sẽ được đơn giản hóa một cách tổng thể
vào cuối năm 2010.
Theo
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Đề án 30
tránh được việc thực hiện đơn lẻ, thiếu thống nhất, mất nhiều thời gian
mà hiệu quả không cao vì đã chọn cách tiếp cận tổng thể, từ trên xuống
nhằm xem xét toàn bộ hệ thống TTHC tại các cấp chính quyền cùng với các
văn bản quy định TTHC, cũng như các quy định có liên quan đến TTHC. Huy
động sự tham gia của đối tượng chịu tác động trong quá trình thực hiện
đề án bằng việc thành lập Hội đồng tư vấn cải cách TTHC gồm đại diện là
các hiệp hội trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu, đại diện DN,
đóng vai trò đại diện cho tiếng nói của người dân và DN trong quá trình
cải cách. Đồng thời, thành lập một tổ công tác chuyên trách (TCTCC) cải
cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, tập hợp 20 thành viên là những cán
bộ có năng lực trong các lĩnh vực kinh tế, pháp lý… làm việc chuyên
trách. Tại 24 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đã thành
lập 87 tổ công tác thực hiện đề án để điều phối, tổ chức hoạt động cải
cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương. Toàn bộ các tổ công tác này
đều làm việc chuyên trách và được giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể.
Nhờ
chủ trương và cách làm đúng đắn, Đề án 30 đã được triển khai đồng loạt
tại các bộ, ngành, địa phương, huy động được sự vào cuộc của tất cả các
cơ quan hành chính từ TƯ đến địa phương, bao gồm hơn 10.000 đơn vị cấp
xã, khoảng 700 đơn vị cấp huyện, 1.300 sở, ngành cấp tỉnh, 400 vụ, cục,
đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.
Hiệu quả của một chủ trương đúng
Với
nỗ lực chung của các cấp chính quyền, lần đầu tiên sau 64 năm thành lập
nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ đã tập hợp, xây dựng
được Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC áp dụng tại bốn cấp chính quyền
với hơn 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản quy định và trên 100.000 biểu
mẫu thống kê TTHC. Để xây dựng được bộ dữ liệu có quy mô đồ sộ như vậy,
các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều
nước đã áp dụng những hệ thống tương tự như Croa-ti-a, Hàn Quốc, Hoa
Kỳ, Mê-hi-cô và một số nước thuộc khối OECD (Tổ chức Hợp tác và phát
triển kinh tế) theo hướng tiếp cận TTHC một cách đơn giản, thuận tiện
nhất. Mục tiêu chính của cơ sở dữ liệu là cung cấp một địa chỉ chính
thống và duy nhất để người sử dụng có thể tìm kiếm một cách nhanh chóng
thủ tục hành chính mà họ quan tâm. Hệ thống được xây dựng dựa trên các
nguyên tắc: không chỉ thân thiện, thuận tiện đối với cá nhân và tổ chức
mà còn đối với cơ quan quản lý trong việc đăng ký, quản lý và tra cứu.
Trên cơ sở đó, một phần mềm chuyên biệt được phát triển với các tính
năng cơ bản: tìm kiếm, đa kết nối, tiếp nhận các ý kiến phản hồi có
liên quan đến TTHC…
Phát
biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đề
án 30 đã đi được nửa quãng đường, hoàn thành tốt nhiệm vụ công khai,
minh bạch từng TTHC tới mỗi cá nhân và tổ chức. Đây là một thành quả
lớn, đánh dấu bước trưởng thành của nền hành chính nước nhà. Thủ tướng
đánh giá cao sự nỗ lực của TCTCC và sự chung tay, hợp sức của các bộ,
ngành, địa phương trong suốt thời gian qua; đề nghị các đơn vị tiếp tục
triển khai các giai đoạn tiếp theo của Đề án 30 để cơ sở dữ liệu quốc
gia thực sự là cơ sở dữ liệu sống, đáp ứng được yêu cầu của tổ chức, cá
nhân. Thủ tướng khẳng định, việc công bố TTHC là kết quả lớn, tuy
nhiên, cần phải rà soát để loại bỏ những thủ tục không cần thiết, không
hợp lý và không hợp pháp… để giảm chi phí và rủi ro cho người dân và
DN; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện đơn giản hóa
ít nhất 30% TTHC theo tiến độ chung để bảo đảm tiến độ của Đề án 30.
Thủ tướng kêu gọi sự chung tay, tham gia tích cực của mỗi cá nhân, tổ
chức, các cơ quan báo chí trong việc phát hiện những TTHC chưa được
thống kê, những TTHC thống kê chưa chính xác cũng như những ý kiến phản
hồi về các quy định về TTHC nhằm giúp Đề án 30 hoàn thiện cơ sở dữ liệu
quốc gia về TTHC, phục vụ nhân dân, tổ chức ngày một tốt hơn.
(Theo Hanoimoi.com.vn)