Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 29/10/2009 09:11
Dacia Maraini viết 'Nữ công tước' từ chuyện có thật
Sáng 26/10, tại nhà riêng Đại sứ Italy ở Hà Nội, diễn ra cuộc họp báo ra mắt tiểu thuyết "Nữ công tước Marianna Ucrìa" với sự có mặt của nữ văn sĩ danh tiếng Dacia Maraini.

Xuất bản lần đầu năm 1990, từng giành các giải thưởng như Supercampiello, Calabria, Apollo, Quadrivio, Marotta, Nữ công tước Marianna Ucrìa được thống nhất đánh giá là tiểu thuyết hay nhất của Dacia Maraini. Tác phẩm tái hiện khung cảnh thành phố Bagheria, thuộc vùng Sicilia, vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII khi con cái được dựng vợ gả chồng từ rất sớm để đảm bảo cho sự giàu sang của cha mẹ.

Nhân vật chính của truyện là Marianna - người con gái câm điếc của vợ chồng công tước Ucria. Những khiếm khuyết của Marianna không phải do bẩm sinh mà là hậu quả của một vụ cưỡng hiếp khi cô mới năm tuổi. Sau cú sốc đó, cha Marianna đã luôn tìm cách chữa bệnh cho cô bằng việc gây ra các cú sốc khác với hy vọng lấy lại giọng nói cho cô nhưng vô ích.

Marianna giao tiếp với thế giới bên ngoài bằng các mẩu giấy viết. Đến năm 13 tuổi, cô được gả cho người anh trai ruột của mẹ đồng thời là anh họ của cha, bá tước Pietro Ucrìa, hơn cô tới ba mươi tuổi và đáng nói hơn, chính là kẻ đã làm nhục cô khi trước. Vậy mà Marianna đã phải làm vợ hắn và có với hắn tám đứa con.

Nhà văn Dacia Maraini. Ảnh: N.N.

Sau khi chồng chết, Marianna yêu chàng trai trẻ Saro - anh trai của một người hầu nhưng lại có trái tim cao quý, và sau đó là công tố viên Don Giacomo Camaleo - người luôn trân trọng Marianna, bất chấp những khiếm khuyết của cô. Cuối cùng, cô không lựa chọn ai trong số họ, tất cả chỉ vì niềm khao khát được sống cuộc đời tự do, với những đam mê của mình.

“Tiểu thuyết này được viết ra dựa theo câu chuyện có thật về một cụ tổ của tôi. Mất khả năng nghe và nói, bà bị coi là người không thể tiếp nhận thông tin và bị loại bỏ khỏi cuộc sống xã hội. Tuy nhiên, do khiếm khuyết về thể chất mà bà có ham muốn mãnh liệt phải học hỏi để diễn đạt mình và hiểu người khác. Bà đọc rất nhiều và thông qua đó giải phóng mình và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”, nữ văn sĩ 73 tuổi chia sẻ tại cuộc họp báo do Đại sứ quán Italy và Công ty Nhã Nam đồng tổ chức.

Dacia Maraini cho biết, bà đã mất 5 năm để viết nên cuốn sách đến nay đã bán hơn 1 triệu bản ở Italy và được dịch sang 22 thứ tiếng khác.

Tác giả Nữ công tước Marianna Ucrìa là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất và được dịch nhiều nhất của Italy, mà danh tiếng không chỉ được khẳng định ở thể loại tiểu thuyết hay truyện ngắn mà còn cả trong lĩnh vực phê bình, thơ ca và sân khấu.

Dacia Maraini sinh năm 1936 ở Tuscany, có mẹ là họa sĩ và cha là nhà nhân chủng học. Những năm thơ ấu, bà cùng gia đình sống ở Nhật Bản. Năm 18 tuổi, Maraini đến Rome và bắt đầu đi làm để kiếm sống bằng những nghề như khảo cổ, thư ký, nhà báo... 21 tuổi, bà cùng một số thanh niên lập ra tờ tạp chí Thời đại của văn học ở Napoli.

Năm 1962, tiểu thuyết đầu tay - Kỳ nghỉ - ra mắt, mở màn cho các sáng tác phong phú về thể loại của Maraini, nhiều tác phẩm trong số đó đều giành những giải thưởng cao quý.

Maraini cũng rất quan tâm đến lĩnh vực sân khấu, nơi bà cho là diễn đàn tốt nhất để thông tin tới công chúng các vấn đề xã hội và chính trị. Bà là người đồng sáng lập nhà hát Porcospino, nơi chỉ trình diễn tác phẩm của những tác giả trẻ, và nhà hát Maddalena hoàn toàn do phụ nữ quản lý. Bản thân bà, từ nửa sau những năm 60, viết rất nhiều tác phẩm sân khấu nổi tiếng, được trình diễn hàng chục quốc gia.

Tại cuộc họp báo, bà kể, năm 1968, bà đã tham gia tổ chức những nhóm kịch đường phố phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và đến giờ vẫn tự hào và xúc động khi nghĩ đến những tháng ngày này.
 
(Theo evan.vnexpress.net)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)