Ngày ấy, bây giờ...

Công nhân Trạm 220kV kiểm tra kỹ thuật bảo đảm cấp điện an toàn cho các phụ tải quan trọng trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hà |
Đây
là mốc lịch sử đáng ghi nhớ với ngành điện Việt Nam. Tại đây, Người đã
căn dặn: "... Nhà máy bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các
cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy này làm
sao cho nó phát triển hơn nữa...". Hơn nửa thế kỷ trôi qua, CBCNV PCHN
đã làm theo lời Bác gìn giữ và xây dựng nhà máy (nay là công ty) trở
thành doanh nghiệp phân phối điện có quy mô lớn nhất cả nước.
Dưới đạn bom, điện ở Thủ đô vẫn tỏa sáng
Khi
tôi có ý định viết một chút gì đó về PCHN trong dịp kỷ niệm ngày truyền
thống của ngành, có người đã "cảnh báo", "đừng ôn nghèo kể khổ đấy
nhé!". Song tôi vẫn canh cánh một điều, sẽ là thiếu sót nếu quên đi quá
khứ, không nhắc đến để thấy sự trưởng thành, vượt qua khó khăn của
CBCNV PCHN trong những năm tháng gian khổ thì quả là có lỗi với các bậc
tiền bối trong ngành, có lỗi với những người đã hy sinh tuổi thanh
xuân, những người đã ngã xuống vì dòng điện hôm nay...
Tháng 8-1964 đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhằm đánh phá hậu phương ngăn cản chi viện cho miền Nam.
Chúng tập trung đánh phá ác liệt hệ thống lưới điện Hà Nội. Nguồn điện
cấp cho Hà Nội lúc này chủ yếu thông qua 2 trạm 110kV Đông Anh và Ba
La, nếu 2 trạm này bị đánh hỏng Hà Nội sẽ thiếu điện nghiêm trọng. Thực
hiện mệnh lệnh của Cục Điện lực và Quân khu Thủ đô, năm 1966 Trạm Ba La
được sơ tán về thôn Huyền Kỳ - Hà Đông. Một máy của Trạm Đông Anh sơ
tán về Tiên Sơn (Hà Bắc), một máy được đưa về xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh).
Mỗi máy biến thế 110kV nặng 80 tấn, phải vận chuyển ban đêm trong điều
kiện khó khăn, gian khổ, sau đó phải làm đường dây đến trạm, làm các lộ
xuyên tuyến nối với mạng điện cũ, rồi thí nghiệm, hiệu chỉnh... tất cả
đòi hỏi khẩn trương, chính xác và an toàn. Họ đã vượt qua, hoàn thành
tốt nhiệm vụ. Đây là chiến công của những người thợ điện Thủ đô đã bảo
toàn được tài sản cho Nhà nước để khi hòa bình vẫn có điều kiện cấp
điện cho công cuộc phát triển KT-XH ở Thủ đô. Để bảo đảm nguồn điện,
PCHN đã lắp đặt 17 trạm phát điện diesel, tổng công suất khoảng
20.000kW nằm rải rác ở Hà Nội, Hà Bắc, Hà Tây, đáp ứng hai khả năng
phát điện độc lập cho trọng điểm, hoặc đưa lên lưới điện khi nguồn bị
hư hỏng. Năm 1972, đỉnh cao là chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không"
với 12 ngày đêm chiến đấu của quân dân Thủ đô chiến thắng máy bay B52
của đế quốc Mỹ, lưới điện 110kV bị phá hủy và gián đoạn nhiều nơi, Sở
Điện lực Hà Nội đã kịp thời chạy máy diesel cấp điện cho các trọng
điểm, một bộ phận khôi phục điện cho các đơn vị tên lửa và pháo cao xạ,
bộ phận khác khôi phục cấp điện để khắc phục hậu quả ở phố Khâm Thiên,
An Dương, Bệnh viện Bạch Mai...
Khẳng định vai trò chủ lực
Vào
thời kỳ đổi mới, CBCNV Công ty Điện lực Thủ đô đã đổi mới phong cách
phục vụ đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và dần trở thành người
bạn suốt 24/24h với mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Nhận
thức được vị trí của mình, lãnh đạo PCHN đã đẩy mạnh cuộc vận động xây
dựng phong cách người thợ điện Thủ đô: "Trách nhiệm, trí tuệ, thanh
lịch", gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, ban hành nhiều quy
định về giao tiếp với khách hàng, sửa chữa sự cố nhanh. Khâu lắp đặt
công tơ được thực hiện theo chế độ "một cửa"; công bố trên các phương
tiện thông tin đại chúng số điện thoại thường trực sửa chữa điện và
đường dây "nóng" để nhân dân trực tiếp phản ảnh với lãnh đạo những vấn
đề liên quan đến cung cấp điện; áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng
(sửa chữa trên đường dây đang mang điện) nhằm giảm thời gian cắt điện.
Việc sử dụng các rơ le kỹ thuật số có lưu giữ thông tin đã giảm thời
gian xử lý sự cố được gần 1/2 so với trước. Hằng năm, công ty tổ chức
quay xổ số có thưởng động viên khách hàng thanh toán tiền điện sòng
phẳng; mỗi năm, gửi hàng vạn lá thư xin góp ý của khách hàng để khắc
phục tình trạng cửa quyền vốn có từ thời kỳ bao cấp…
Từ
năm 1999 đến nay, PCHN luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, mức
tăng trưởng bình quân hằng năm 13-15%, bảo đảm cung cấp điện cho nhiều
sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước và quốc tế được tổ chức tại Hà Nội. Để
cung ứng điện đạt chất lượng và an toàn, giảm thiểu sự cố, bên cạnh đầu
tư củng cố lưới điện, PCHN đã nỗ lực ngầm hóa lưới điện, tính đến nay
tỷ lệ ngầm hóa đã đạt 46% lưới điện cao thế, trung thế và 22% lưới điện
hạ thế. Công ty đang gấp rút thực hiện chương trình ngầm hóa lưới điện
trên 5 tuyến phố chính của Hà Nội góp phần chỉnh trang đô thị để kỷ
niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
55
năm qua, PCHN được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý,
đặc biệt là danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Sức sống ấy lan tỏa
trong mỗi CBCNV điện lực Thủ đô giúp họ có đủ sức mạnh khẳng định vai
trò của một trong những ngành chủ lực của công cuộc CNH-HĐH Thủ đô.
Theo báo Hà Nội Mới