Hải quân Việt Nam rút ngắn hành trình ra Trường Sa
 |
Trung tướng Nguyễn Văn Hiến: Rút ngắn thời gian ra Trường Sa còn 24 giờ. Ảnh: H.L.Y |
Ủng hộ đưa dân ra đảo du lịch
Trung tướng Nguyễn Văn
Hiến cho hay kế hoạch đóng tàu cao tốc cho cán bộ, chiến sĩ, người dân
đi lại hoặc dùng máy bay vận tải trong thời gian tới. Trường Sa cũng
đã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, điện thoại di động.
Trước đây, các tàu từ
đất liền ra đảo đi được 8 hải lý, thời tiết tốt là 10 hải lý/giờ. Hải
quân đang dự kiến có những tàu chạy được 15 hải lý/giờ. Như vậy, sẽ rút
ngắn thời gian ra đảo còn 24 tiếng hoặc ít hơn.
"Đó là những việc kéo Trường Sa về gần đất liền", Trung tướng Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh khi trao đổi với báo giới ngày 30/10, bên hành lang Quốc hội.
Trả lời câu hỏi của VietNamNet
về việc đẩy mạnh các hoạt động dân sự tại các đảo thuộc chủ quyền Việt
Nam, ông Hiến nói đây là quyết định chính xác, đúng đắn của Đảng và Nhà
nước, bởi chủ quyền đến đâu, chúng ta bảo vệ quân sự đến đó.
Cùng với đó là phát triển kinh tế biển, ngoài thu nguồn lợi còn giải quyết công ăn việc làm.
Theo Trung tướng Hiến,
chủ quyền biển đảo cơ bản được khẳng định bằng cuộc sống dân sự và kinh
tế. Hiện nay, Hải quân đang đẩy mạnh và làm quyết liệt việc này. Mới
đây nhất, chúng ta đã đưa người dân ra đảo và chào đón 2 công dân "nhí"
chào đời tại đây.
Đặc biệt, vừa qua, chúng ta đã triển
khai làm năng lượng sạch, điện gió, điện mặt trời để nâng cao đời sống
cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo.
Về khả năng đưa người
dân ra đảo du lịch, Phó đô đốc Tư lệnh quân chủng Hải quân Việt Nam cho
biết Hải quân ủng hộ phương án này nhưng nên tùy tình hình, thời điểm
để tổ chức. Trước đó, trong đất liền đã có một chuyến tàu ra đảo với
mục đích du lịch.
Mở rộng quan hệ quân sự với các nước
Đánh giá về tiềm lực Hải
quân Việt Nam, ông Hiến nhận xét trước đây yếu vì ta chỉ có tàu cũ của
Mỹ, Nga..., sau đó là giai đoạn tập trung phát triển kinh tế.
 |
Đảo Đá Tây. Ảnh: VNN |
"Vùng
biển của chúng ta rộng, chúng ta phải có lực lượng đủ mạnh để bảo vệ
kinh tế, bảo vệ chủ quyền. Đó là nhu cầu tất yếu. Trước đây điều kiện
kinh tế rất khó khăn nên quân đội "thắt lưng buộc bụng".
Giờ chúng ta đã
có chiến lược biển. Muốn tiến ra biển, chúng ta phải bảo vệ chủ quyền,
bảo vệ các hoạt động kinh tế nên phải trang bị thêm cho lực lượng hải
quân", ông khẳng định.
Ngoài ra, Hải quân Việt Nam đẩy mạnh giao lưu hợp tác, mở rộng mối quan hệ quân sự với các nước.
Đầu năm nay, Hải quân đã
cử người đi Trung Quốc, Thái Lan, vừa qua đi Malaysia, tới đây có thể
sang Nhật Bản, Pháp, thậm chí cả Mỹ... để quan sát quân sự, tiếp theo
là diễn tập tìm kiếm cứu nạn với Hải quân Trung Quốc và các nước khác.
Mục đích các chuyến đi, theo Trung tướng Hiến, chính là giao lưu để tạo
lòng tin, thêm bạn, giảm bớt căng thẳng có thể xảy ra và học tập lẫn
nhau.
Theo báo VietNamNet.