Sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn

Ngư dân xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đưa phương tiện lên bờ trú bão (ảnh chụp lúc 16 giờ 1/11) |
Trong
ngày 1-11, công tác chỉ đạo phòng, chống bão số 11 của các bộ, ngành và
địa phương trong vùng bị ảnh hưởng đã được triển khai khẩn trương và
quyết liệt. Tin từ 3 đoàn công tác được Thủ tướng Chính phủ phân công
vào chỉ đạo tại miền Trung cho biết: Chiều 1-11, các hồ, đập chứa đã
được xả nước xuống mức cho phép để thực hiện điều tiết nước hiệu quả
cho hạ du khi xảy ra mưa to. Các địa phương từ Bình Định đến Ninh
Thuận, tàu thuyền được sắp xếp vào nơi trú ẩn an toàn; các lực lượng đã
tích cực giúp nhân dân sơ tán ở vùng ven, khu vực nguy hiểm đến nơi an
toàn xong trước 24h đêm 1-11. Bộ đội Biên phòng các tỉnh trên tuyến
biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận đã phối hợp với chính quyền địa phương
thông báo hướng dẫn cho 14.785 tàu với 95.713 lao động đang hoạt động
trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng
tránh.
*
Tại tỉnh Phú Yên, ngày 1-11 vẫn còn 94 tàu, thuyền của ngư dân trong
tỉnh với 899 người đang hoạt động đánh bắt xa bờ, hành nghề câu cá ngừ
đại dương trên biển; 168 tàu, thuyền khác với 837 người đang giã cào,
lưới rút ven bờ ở vùng biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,
Quảng Ngãi. Tất cả đã nhận được thông báo vị trí, hướng di chuyển của
bão số 11 để chủ động phòng tránh và vào nơi trú tránh an toàn. Bộ đội
Biên phòng tỉnh Phú Yên duy trì chặt chẽ các kíp trực, bố trí 130 cán
bộ chiến sỹ, 5 ô tô, 5 tàu cứu hộ, 5 ca nô sẵn sàng cơ động, phòng
chống bão; phối hợp với các địa phương vận động 151 hộ với 679 dân sẵn
sàng di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
tăng cường hàng trăm cán bộ chiến sỹ, trên 1.000 phao cứu sinh, 10 nhà
bạt cùng hàng chục phương tiện, trên 8.000 bao cát đưa đến các vùng ven
biển, vùng xung yếu phục vụ chống bão.
*
Tại tỉnh Bình Định, Ban Chỉ huy PCLB đã yêu cầu giám đốc các nhà máy
thủy điện trên địa bàn như Vĩnh Sơn, Định Bình tuân thủ đúng quy trình
xả lũ, liên tục báo tin về tỉnh để có các quyết định xả lũ kịp thời;
các công trình thủy lợi, hồ đập đã bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ
để ứng phó với sự cố. Tỉnh Quảng Ngãi đã gọi 237 tàu đánh bắt xa bờ,
trong đó có 47 tàu nằm trong vùng nguy hiểm với 230 người về nơi tránh
bão. Hiện nay, 2.500 tấn gạo cứu trợ cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng bão
số 9 đã được phân phát nên người dân có đủ lượng lương thực khi bão đổ
bộ.
*
Sáng 1-11, ông Cao Đức Phát, Trưởng ban PCLB trung ương đã đến kiểm tra
tình hình PCLB ở tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, gần 120 tàu, thuyền và 1.013
ngư dân đang đánh bắt trên biển đã về nơi trú ẩn an toàn. Ngoài ra, với
22.000 người dân trong tổng số gần 102.000 người cần phải di dời, tỉnh
đã thông báo đến từng gia đình và chuẩn bị địa điểm cho các hộ này di
dời khi cần thiết. Tại Ninh Thuận, có 1.512 tàu, thuyền với trên 14.000
lao động và 10 tàu du lịch đã vào neo đậu an toàn tại các bến ở tỉnh
Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và Quảng Ngãi.
*
Tại TP Hồ Chí Minh, theo dự báo thì bão số 11 đổ bộ vào đất liền trùng
với thời điểm triều cường; các hồ chứa nước thượng nguồn sông Sài Gòn,
Đồng Nai cũng đã tích đầy nước và có khả năng sẽ xả lũ trong thời gian
này. Ban PCLB TP yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện chế độ trực
ban 24/24h; chủ động sơ tán hơn 200.000 dân đang trú ngụ tại các khu
vực nguy hiểm.
Theo báo Hà Nội Mới.