Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 04/11/2009 08:47
Dân thôn dựng lại hội làng
Mấy tháng nay, thỉnh thoảng làng Ó (P.Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) tiếp cán bộ trung ương về. Cán bộ đến rồi lại đi. Nhưng người làng không bận tâm điều đó, vì dù có kinh phí nhà nước hay không, họ vẫn quyết tâm dựng lại lễ hội dân gian của mình.

Cách diễn xướng truyền thống với sân khấu không phông bạt và gần gũi với khán giả sẽ được phục dựng lại trong Lễ hội chợ Âm dương 2010. Trong ảnh: gốc đa rìa làng Ó, “sân khấu” chính của lễ hội này

Ðó là hội Ó (hay chợ Âm dương) - một trong những lễ hội huyền bí và tấp nập nhất vùng Bắc bộ xưa, theo ông Nguyễn Thanh Tụy - người đã nhiều năm nghiên cứu lịch sử của làng.

Phiên chợ gặp người âm

Ðêm mồng 4 tết bắt đầu phiên chợ nơi người dương đi tìm người âm, mua bán một sản vật tâm linh là gà mái đen tế thần. "Mọi nhà trong các ngõ xóm giết gà đen, cắt lấy tiết, rồi vẩy cùng vôi bột thành hình cánh cung trước cổng nhằm trừ tà, xua khí độc. Trong nhà còn trồng thêm cây nêu, cũng là để trừ ma quỷ" - ông Tụy nói. Chợ họp tại nơi "dương đi âm đến" được xác định là gốc đa lớn bên rìa làng Ó, cạnh đó là bãi tha ma sau giao tranh của chiến binh Hai Bà Trưng với quân Hán.

Chợ Âm dương là cái tên được phần lớn người dân Bắc Ninh, kể cả già và trẻ, biết tới. Chợ đi vào văn học, hội họa, được thuật lại trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười nơi cô Duyên đi tìm người chồng đã mất trong phiên chợ hư ảo. Nhưng không một ai, kể cả người già nhất của làng Ó hôm nay, từng tham dự một phiên chợ Âm dương khi xưa. Chiến tranh, loạn lạc đã sớm làm ly tán những sự bán mua và những lời kể cuối cùng về phiên chợ cũng dần vắng bóng.

Nhưng chợ Âm dương đã không mất đi theo đó. Năm 2007, ông trưởng thôn Nguyễn Khắc Vượng vò đầu rồi đánh bạo viết đơn gửi khắp nơi, từ UBND phường rồi gửi lên Sở Văn hóa - thông tin tỉnh, trình bày nguyện vọng của nhân dân muốn phục dựng lễ hội độc đáo của quê hương mình. Mấy lá đơn thành ra được việc, Sở Văn hóa - thông tin cử người về khảo sát rồi gửi đài truyền hình tỉnh về làm phim tư liệu. Kinh phí làm phim hết 48 triệu đồng, dân làng góp một nửa, sau mấy doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ một nửa. Phim làm xong, chiếu lên truyền hình tỉnh rồi chiếu trên truyền hình trung ương, người làng mừng một nửa mà lo vẫn còn một nửa vì phim dù gì cũng chỉ là phim mà thôi.

Tìm về và dựng lại

Ngay từ hôm nay, du khách có thể đăng ký tham gia các hoạt động tín ngưỡng, âm nhạc và trò chơi dân gian của Lễ hội chợ Âm dương 2010 tại www.choamduong.com. Các bạn trẻ cũng có thể điền đơn trở thành tình nguyện viên của lễ hội qua trang điện tử này.

Tết vừa rồi, ông bảo vệ ngôi chùa làng Ó được một phen tá hỏa khi thấy hương hoa cắm khắp nơi vào đêm mồng 4. Hóa ra vài chục người trẻ tuổi từ mấy tỉnh thành gần đó tìm về, bảo nghe tin có phiên chợ Âm dương nên về "mục sở thị".

Mấy tháng sau, thêm vài nhà nghiên cứu tìm tới làng Ó. "Hội Ó là nơi có nhiều tục lệ rất hay, hay lắm, tôi được biết thế. Chưa biết phục dựng được đến đâu, nhưng ta cứ quyết tâm làm sẽ được" - bà Nguyễn Thị Hẹn, phó giám đốc Trung tâm UNESCO văn hóa quan họ, nói với ông Nguyễn Xuân Sơn, trưởng ban Mặt trận Tổ quốc của thôn. Ông Ngô Ðức Thịnh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, tỏ ý tiếc về một hội Lim đã dần làm nản lòng những người yêu văn hóa, yêu quan họ, và muốn đi tìm một điều gì thay thế.

Những sự "móc nối" dần lộ diện khi một công ty truyền thông đứng ra nhận dàn dựng toàn bộ lễ hội và tìm kiếm đối tác ủng hộ. Và những sự hợp tác tiếp theo gần như là tự nguyện. "Chúng tôi không yêu cầu gì hết.

Ðến nơi, người làng ăn rau dưa gì chúng tôi cũng theo như thế" - ông Thao Giang, phó giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN, hào hứng nói. Như là tiện thể, ông cũng trình bày những "bức bối" của mình với một vài lễ hội dân gian mà ông cho rằng hiện nay bản chất của chúng đã bị làm sai lệch.

Ðó cũng là lý do trùng hợp nhiều nhất cho những sự giúp đỡ rất đỗi nhiệt tình và... bất ngờ từ nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và cả các tình nguyện viên ở lứa tuổi rất trẻ mà bấy lâu hay bị kêu ca rằng "chẳng biết gì" về cái gốc văn hóa truyền thống của ông cha họ.

Cái khó... bó lễ hội

Với ý tưởng dựng lại không gian diễn xướng truyền thống của người Việt mà từ lâu đã bị sân khấu hóa, những người tổ chức đã gặp không ít khó khăn.

Về phần kỹ thuật, ông Thao Giang cho biết sẽ có nhiều yêu cầu khắt khe hơn để đảm bảo việc tổ chức diễn xướng ngoài trời mà không sử dụng các phần thu âm có sẵn như rất nhiều buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống hiện nay. Một lý do đơn giản vì bản thân các nhạc cụ dân tộc rất khó thu âm và khuếch âm, do vậy các thiết bị âm thanh phát trực tiếp phải dùng loại thật tốt và việc chuẩn bị cũng đòi hỏi phải kỹ lưỡng hơn.

Và một cái khó khác là sự duy trì dài lâu cho một lễ hội, như mong muốn của những người tổ chức. Cách đó không xa, tại làng Diềm (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), hồi năm 2006 Viện Văn hóa thông tin cũng về phục dựng lễ cầu đảo và tục cướp cầu tại đây. Nhưng kinh phí nhà nước tất nhiên có hạn, cho nên gọi là "phục dựng" nhưng thật ra chỉ là tổ chức lại được một lần. Mà cán bộ về tổ chức, bà con trong làng đến xem, xem xong bà con về nói lại "chửa giống với hội làng tôi, nên chúng tôi chửa thích".

Nhưng cho dù còn nhiều lo lắng thì mọi việc đã sẵn sàng để đón tiếp một lượng lớn du khách tham dự hội Ó năm sau. Dù đã có nhiều sự giúp sức từ các nơi khác nhau, nhưng chi bộ thôn tuần nào cũng họp bàn từng việc một. "Sẽ không có chuyện quan họ ngửa nón xin tiền, cũng không có các quầy đỏ đen hay "chặt chém" khách trong khu vực lễ hội, mọi công việc hậu cần kể cả chuyện ăn nghỉ cho khách đều được sắp xếp bởi ban tổ chức, có sự góp sức của một số lượng lớn các bạn tình nguyện viên" - một thành viên ban tổ chức lễ hội khẳng định.

Theo báo Tuổi Trẻ Online.

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)