Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 05/11/2009 08:34
Người trăm năm cũ
"Người trăm năm cũ" là những đúc kết đắc địa của nhà văn Hoàng Khởi Phong. Đây là cuốn tiểu thuyết dày 591 trang, nói về Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Tên sách: Người trăm năm cũ
Tác giả: Hoàng Khởi Phong
Công ty Truyền thông Hà Thế và NXB Hội Nhà văn

… “Mặc dù đã tung tiền bạc ra như nước, nhưng suốt ba năm liền quân Pháp không hề đụng được đến cái vạt áo của Ông Đề. Không những thế thỉnh thoảng ông xuất hiện trừ khử những tên phản trắc, khiến dân chúng trong vùng coi ông như người nhà trời. Người Pháp như điên cuồng vì những hoạt động của Ông Đề. Điều mà người Pháp cay cú nhất, là Ông Đề đã không trốn đi luôn, mà trái lại ông chợt biến, chợt hiện. Không những thế vùng hoạt động của ông không rộng, nó vỏn vẹn trong vùng đất thiêng ông đã gây dựng trước kia, trong một địa bàn chật hẹp với những địa danh quen thuộc với các cấp chỉ huy quân đội Pháp thời đó. Đó là khu tứ giác Nhã Nam - Bố Hạ - Mỏ Na Lương - Canh Nậu.

Trước khi toàn quân tan rã cũng có đôi lần Ông Đề nới rộng hoạt động sang các tỉnh lân cận, nhưng từ khi chỉ còn một thầy, một trò, rồi kế đó Ông Đề có thu thập được thêm vài thuộc hạ mới, thì hoạt động của ông thu gọn lại trong vùng đất chật hẹp, mà trước kia người Pháp đã đồng ý để ông cai quản. Vùng đất tự trị của Đề Thám đã bắt đầu từ khi ông cố đạo Velasco làm trung gian giản hòa giữa Pháp và Yên Thế vào năm 1893, và đứng vững như một ốc đảo tự do trong biển ngục tù. Đầu năm 1909, quân Pháp thẳng tay đàn áp Yên Thế, vì thấy ảnh hưởng của Đề Thám ngày càng lan xa xuống các tỉnh lân cận…”

(Trích)

Trong bài trả lời phỏng vấn vào những năm 1989, 1995, nhà văn Hoàng Khởi Phong có nói: “Tôi muốn làm lính cùa Đề Thám…”. Ông cũng cho biết: “Tôi không viết trong mười năm liền, mỗi lần nhìn thấy các bạn văn có sách mới, tôi đều thấy thèn thẹn. Trong lời tựa của cuốn Người trăm năm cũ, khi đề cập đến việc viết của tôi, tôi nghĩ là tôi nợ rất nhiều người, cả những người viết hay và cả những người viết không hay, những người đã hợp thành dòng văn học nơi quê người này. Tôi nhắc lại một câu nói của người xưa: "Sĩ phu mà ba ngày không đọc sách, soi gương thấy mặt mũi khó coi”.

Trang bìa cuốn sách.
Trang bìa cuốn sách.
 

Vì vậy, có thể nói, Người trăm năm cũ là những đúc kết đắc địa của nhà văn Hoàng Khải Phong. Đây là cuốn tiểu thuyết dày 591 trang, nói về Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế khởi nguồn tại vùng Yên Thế Thượng. Trước khi thực dân Pháp đặt chân đến vùng này, nơi đây đã là một vùng đất có một cư dân phức tạp, chủ yếu là nông dân lưu tán các loại. Họ chọn nơi đây làm nơi cư trú và đã công khai chống lại triều đình. Khi thực dân Pháp đến bình định vùng này, các toán vũ trang ở đây có thể cũng chống lại quân Pháp như đã từng chống lại triều đình nhà Nguyễn trước đó để bảo vệ miền đất tự do của họ.

Người trăm năm cũ là bức tranh tái hiện một cách toàn diện về cuộc khởi nghĩa vang danh lịch sử này. Điều đặc biệt, trong đó không chỉ có những anh hùng như Đề Thám, hay những người đàn ông cùng chí hướng, mà còn tập hợp cả sức mạnh hậu phương từ những người phụ nữ duyên dáng của miền đất quan họ. Bên cạnh Cai Sơn là một cô Nụ dịu dàng, đằm thắm, luôn biết san sẻ cho chồng trong mọi chuyện. Bên cạnh Đề Thám là một bà Ba Cẩn luôn chịu hy sinh. Bên cạnh Cả Trọng là một cô Huệ lúc nào cũng vì chồng mà chịu thiệt thòi… Họ gắn kết với nhau bắt đầu bằng những câu quan họ, và đứng cạnh nhau trước vận mệnh của dân tộc. Những đoạn văn đầy chất thơ khi ông kể về cuộc giao duyên: “Đêm càng khuya, trăng càng tỏ trên trời. Trăng sáng vằng vặc tới độ trai gái đứng cách nhau đến hai sải tay mà người ta có thể nhìn rõ tới tận những đường ngôi rẽ lệch trên trán, những hàm răng đen như hạt na, những cái má lúm đồng tiền, những đôi mắt sáng long lanh dưới ánh trăng cùng ánh sáng hắt ra từ một đám lửa lớn ngay giữa bãi đất trống. Đám hát mỗi lúc một náo nhiệt và hào hứng” cũng khiến người đọc bị cuốn hút theo, bên cạnh những cuộc chiến đầy toan tính, miệt mài của nghĩa quân Đề Thám.

Dưới cách nhìn nhận của Hoàng Khởi Phong, cuộc khởi nghĩa của Đề Thám còn là sự vun đắp của một sĩ phu Kỳ Đồng yêu nước, một ông đồ Kinh Bắc cũ, một sư cụ già, một tiểu sư Tâm gan dạ. Những cảnh càn quét, bắt bớ, những âm mưu thâm độc của quân Pháp, những trò hạ lưu chúng đối với nghĩa quân và nhân dân thực sự làm cho câu chuyện lịch sự trở nên sinh động, không bị o ép bởi những kết luận và lịch sử đã đưa ra sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại.

Với sự “hồi sinh” này, cuốn sách đủ sức làm lay động hàng triệu triệu người dân yêu nước trong mọi thời đại của chúng ta. Nó giống như một cuốn phim hoàn hảo để mỗi lần cần tìm hiểu về Đề Thám và cuộc khởi nghĩa “hùm thiêng” một thời. Mà bất cứ thước phim lịch sử nào cũng đều đáng quý, đáng trân trọng.


(Theo evan.vnexpress.net)


Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)