 |
Dàn cồng chiêng người Bana ở Kontum, ảnh chụp năm 1895. |
Khoảng 90 bức ảnh trong kho lưu trữ của Pháp đã được chọn lọc kỹ trong số hàng trăm bức ảnh được lấy chủ yếu từ 3 nguồn: Viện Viễn đông Bác cổ, Hội thừa sai Paris và Bảo tàng Quai Branly. Phần lớn những bức ảnh này được chụp trong khoảng những năm 1930 đến 1960 tại các làng người Jarai, Bana, Mnông Gar... nhưng cũng có bức ảnh chụp dàn cồng chiêng người Bana ở Kontum từ năm 1895, có thể là bức ảnh cổ nhất về âm nhạc cồng chiêng được lưu giữ tại Hội thừa sai Paris.
Trưng bày được chia thành 4 chủ đề: Dàn nhạc cồng chiêng giới thiệu "cơ cấu" của những dàn nhạc với cồng, chiêng, trống và chũm chọe. Tập quán gõ cồng chiêng, Bối cảnh âm nhạc cồng chiêng giới thiệu các nghi lễ có sử dụng cồng chiêng như tang ma, hiến sinh trâu, đón tiếp Vua Lửa, mừng nhà mới, lễ mừng lúa mới... Phần Vượt khỏi truyền thống là những bức ảnh cho thấy âm nhạc cồng chiêng đã thu hút sự chú ý của những người "ngoại đạo", du nhập nhiều yếu tố mới, như các binh sĩ và quan chức đầu thời thuộc địa dự các lễ hội quan trọng với âm nhạc cồng chiêng, thậm chí lễ khánh thành đường số 14 vào năm 1937 cũng có cồng chiêng, những bưu thiếp từ đầu thế kỷ XX đã dùng ảnh người dân bản địa "xếp hàng" chụp với cồng chiêng v.v...
 |
Lễ hiến sinh trâu của người Bana. |
Nhóm ảnh tư liệu quý này thể hiện cái nhìn khá rõ mối quan tâm của các nhà nghiên cứu nổi danh như Georges Condominas với đồng bào Mnông Gar; Jacques Dournes với người Jarai; Jean Boulbet với người Mạ. Đặc biệt, phần lớn ảnh lưu giữ ở Hội thừa sai chụp người Bana ở Kontum.
Nếu như ảnh chụp được lưu giữ ở bảo tàng Quai Branly là của các học giả Pháp chụp tại châu Á có giá trị về dân tộc học, nên được chú giải rất cẩn thận (nơi chụp, thời gian chụp, chủ đề...) thì nhiều bức ảnh do các viên chức thuộc địa, các nhà truyền giáo Pháp... chụp mang tính "ngẫu hứng", khiến ngay cả việc xác định cộng đồng dân tộc nào đã được chụp ảnh cũng khó khăn, dù đã có sự trợ giúp đắc lực của bà Christine Hemmet, chuyên gia của Bảo tàng Quai Branly, người đã gắn bó với Việt Nam hàng chục năm nay, cũng như những chuyên gia dân tộc học hàng đầu của Việt Nam. Nhiều ảnh trưng bày vì thế chỉ có những lời chú giải rất "mơ hồ" như: Những người Jarai chụp ảnh với cồng chiêng, Dàn chiêng ở một làng người Churu?, hoặc mang tính dự đoán như "Dàn cồng chiêng bao gồm cả trống, chắc hẳn là trong một nhà rông của một plơi (buôn, làng) người Bana".
Theo PGS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, trưng bày là một phần của việc sưu tầm các tư liệu văn bản, băng hình, hình ảnh... trong Chương trình hành động quốc gia để thực hiện cam kết của chính phủ khi xây dựng hồ sơ di sản cho Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. "Không thể phủ nhận sự biến đổi liên tục của văn hóa Tây Nguyên nói chung và âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng. Trong các hoạt động của Festival cồng chiêng quốc tế lần thứ nhất sẽ có Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị của Không gian văn hóa Cồng chiêng, đến nay đã có 18 tham luận của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước", PGS Bền chia sẻ.
Trưng bày sẽ kéo dài đến 7/2/2010.
(Theo Vietnamnet.vn)