 |
Ở bậc tiểu học, không nên "ốp" trẻ học quá nhiều. Ảnh minh họa: Bảo Anh |
Bài tập về nhà để rèn nếp học?
Trưởng
phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở
đã quy định với các trường học 2 buổi/ngày, cô giáo không được giao bài
tập về nhà.
Tuy nhiên, trên thực tế một số cô giáo vẫn giao bài
tập đều cho HS. Một phụ huynh có con học lớp 3 tiếng Pháp của Trường
Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, hàng ngày cô
đều giao bài tập về nhà cho con qua "vở dặn dò" với các bài Toán, Tiếng
Việt, Tập làm văn và bài tập tiếng Pháp. Sau khi trẻ làm bài tập xong,
bố mẹ phải ký vào "vở dặn dò" và hôm sau đến lớp cô sẽ kiểm tra, chấm
điểm bài tập này.
Một phụ huynh khác có con học tiểu học ở quận
Cầu Giấy cũng cho biết: cô giáo vẫn giao về nhà các bài tập trong sách
trắc nghiệm, khoảng 2 trang. Đồng thời, nhắc nhở HS việc chuẩn soạn bài
Tiếng Việt cho ngày hôm sau.
Để "lách" được quy định của Sở
GD-ĐT Hà Nội, giáo viên thường yêu cầu phải có sự cam kết của phụ huynh
thì mới giao bài về nhà cho trẻ.
Chị Thanh A., phụ huynh của một
HS Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trong
buổi họp đầu năm học, một số phụ huynh đề nghị cô giáo giao bài tập về
nhà. Tuy cũng có người không đồng tình, nhưng cuối cùng cũng thống nhất
là 1 tuần, cô giáo sẽ giao 2 bài tập về nhà.
Sau đó, hầu hết đều ký tên vào phiếu cam kết, đồng thời mỗi phụ huynh đóng 20.000 đồng/học kỳ cho việc phô-tô các phiếu bài tập.
Theo
chị A., bé nhà chị được cô phát 2 phiếu bài tập Toán và Tiếng Việt vào
giữa và cuối tuần, mỗi phiếu có khoảng 6-7 bài tập nhưng cô dặn cháu
chỉ làm 2-3 bài.
Theo cô Nguyễn Thị Huế, Trường Tiểu học La
Thành (quận Đống Đa, Hà Nội), việc đòi hỏi giáo viên giao bài tập về
nhà của phụ huynh là có thực. Vì ở nhiều gia đình, nếu không có bài tập
thì từ lúc đi học về đến lúc đi ngủ trẻ sẽ "cắm mặt" vào điện tử hoặc
tivi...
Từ khi có quy định không giao bài tập về nhà cho HS học
2 buổi/ngày, cô Huế nhận thấy, không có bài tập về nhà HS sẽ không có
nếp học. Do đó, dù ít cũng nên giao bài tập và giao nhiệm vụ chuẩn bị
soạn bài vở cho ngày hôm sau.
Cô không giao thì mẹ giao
Vị
phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Quang Trung băn khoăn: cháu
học cả ngày, về nhà vừa tắm rửa, ăn cơm xong đã phải ngồi làm bài tập.
Hôm nào sớm thì 10h, nhưng cũng có hôm, phải gần 11h, con chị mới xong
bài tập.
Chị cho rằng, có bài tập để rèn nếp học cho các cháu
cũng hợp lí, nhưng ít thôi để các cháu có thời gian nghỉ ngơi sau 1
ngày ở trường.
Chị Thanh A. thì ủng hộ việc nên giao bài tập về
nhà cho trẻ. Chị A nhận thấy trẻ thông minh hơn khi những bài tập này
được ra theo hướng khác với SGK thông thường. Còn những bài tập trong
SGK lúc nào cũng có, làm ở lớp không kịp thì tối về sẽ phải làm. Tuy
nhiên, theo chị A thì nên giao ít bài để các cháu chỉ cần học khoảng 1
tiếng buổi tối là vừa.
Thế nhưng, ở nhiều trường học, cho dù phụ
huynh có yêu cầu và viết cam kết, thì giáo viên vẫn tuân thủ quy định
không giao bài về nhà cho trẻ học 2 buổi/ngày.
Vì vậy, nhiều phụ huynh đã tự giao bài tập cho con mình.
Chị
Hằng có con học lớp 2 ở Trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà
Nội) cho biết, ít khi thấy cô giao bài tập về nhà. Nhưng cô không giao
thì chị vẫn bắt con làm thêm bài tập. Đơn giản nhất là tập viết 1-2
trang để rèn chữ cho đẹp.
Bé Thu Hương, HS lớp 1, Trường Tiểu
học Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) kể: dù cô không giao bài tập thì tối
nào mẹ cũng kèm tập viết, dạy thêm toán nâng cao... cho cháu
Ông
Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho rằng, Bộ
không có quy định "cứng" trong việc giao bài tập về nhà cho HS tiểu
học, mà chỉ khuyên là từ lớp 3 trở xuống thì không nên. Đối với HS tiểu
học, những trường lớp học 2 buổi/ngày thì sáng học bài mới, thời gian
buổi chiều, một phần dành cho việc ôn bài và hoàn thành bài buổi sáng,
còn một phần thời gian để tăng cường các hoạt động giáo dục.
Việc
Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu không giao bài về nhà cho HS học 2 buổi/ngày,
theo ông Thành, đó là quyền của mỗi địa phương dựa trên điều kiện thực
tế.
Học chỉ đứng hàng thứ tư
Theo ông
Thành, yêu cầu của giáo dục tiểu học là trẻ em phải khỏe mạnh; thứ hai
là ngoan ngoãn, có lòng nhân ái, biết chia sẻ. Thứ ba là có kỹ năng
sống, biết giao tiếp và sống an toàn (thực phẩm, giao thông, cháy nổ và
trước các tệ nạn xã hội). Sau đó mới cần đứa trẻ thích đi học, thích
học, biết cách học.
Nghĩa là học chữ đứng hàng thứ tư, sau thể
chất, đạo đức và kỹ năng sống. Vì ở tiểu học, không phải học chữ là
chính mà là giáo dục để hình thành nhân cách ở trẻ.
Ông Thành cũng cho rằng, hiện nay nhiều phụ huynh quá kỳ vọng về con cái, thấy con về nhà không làm bài tập lại không yên tâm.
"Câu
chuyện" giao bài tập về nhà ở đây là điểm gặp nhau giữa phụ huynh và
giáo viên. Phụ huynh muốn con mình giỏi hơn con người khác nên thỏa
thuận với cô giáo để giao bài tập về nhà. Còn cô giáo, vừa muốn học trò
của mình học giỏi để lấy tiếng, vừa muốn "chiều" phụ huynh.
Vậy nên, nhiều khi giáo viên và phụ huynh không tính đến lợi ích của đứa trẻ, ông Thành phân tích.
Theo
ông Thành, giáo viên có thể coi là là một chuyên gia giáo dục và không
thể thuận theo kiểu "khách hàng là thượng đế" như kinh tế thị trường.
Người giáo viên hãy khuyên gia đình không nên "ốp" trẻ học quá nhiều,
dù là theo hướng lành mạnh.
(Theo Vietnamnet.vn)