Ứng xử tinh tế với những “báu vật nhân văn sống”
Tôn vinh người xứng đáng
Tại phiên họp diễn ra ngày 26-11-2018, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NNND trong lĩnh vực DSVHPVT năm 2018 do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện làm Chủ tịch hội đồng đã xem xét, nghiên cứu và bỏ phiếu thông qua 65 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNND. Những cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu cao quý này đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy những giá trị DSVHPVT vô giá, bao gồm: Chữ viết, tiếng nói, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống và tri thức dân gian.
Việc xét tặng danh hiệu NNND trong lĩnh vực DSVHPVT là sự tôn vinh thiết thực, xứng đáng đối với các nghệ nhân-những “báu vật nhân văn sống” có đủ phẩm chất đạo đức, có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc. Việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực DSVHPVT được tổ chức định kỳ 3 năm/lần. Trước đó, năm 2015, 600 nghệ nhân tiêu biểu vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT).
Từ năm 2001, trước sự mai một của văn hóa do người nắm giữ di sản dần mất đi, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Lễ trao tặng được duy trì hằng năm, tới nay đã có gần 1.000 nghệ nhân, những người giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian ở nhiều lĩnh vực được tôn vinh. Theo GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hơn bất cứ sách vở, lý luận khoa học nào, nghệ nhân chính là người am hiểu sâu sắc di sản, là pho tư liệu sống về những loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc. Bởi vậy, phong tặng danh hiệu không chỉ là sự tôn vinh cá nhân mà còn có ý nghĩa đối với cộng đồng. Bởi, ngay những người có học hàm, học vị nhưng muốn nghiên cứu sâu về văn hóa dân gian vẫn phải đến tận nơi học các nghệ nhân. Các nghệ nhân chính là người thầy vĩ đại, xứng đáng được tri ân, vinh danh, ca tụng.
Cần có cơ chế đặc cách
Khi hay tin trong hơn 10 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNND của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội trình cấp bộ có tên nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Ánh Tuyết-nghệ nhân nổi tiếng ở phố Mã Mây, nhiều người đã chúc mừng bà. Thế nhưng, tên của nghệ nhân Ánh Tuyết đã bị loại ở vòng xét tặng hội đồng cấp bộ. Ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội nêu quan điểm: Việc nổi tiếng được xã hội công nhận là yếu tố quan trọng để xét nghệ nhân. Không chỉ là nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội mấy chục năm qua, bà Tuyết còn giữ và khôi phục nhiều món ăn tưởng như đã thất truyền. Bà còn dạy nấu ăn cho hàng vạn khách nước ngoài, trong đó có nhiều đại sứ và phu nhân. Bà cũng là “tổng chỉ huy” nấu bữa quốc yến phục vụ 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC 2017 và đã được nhận Bằng khen của Bộ Ngoại giao… Với trường hợp của nghệ nhân Ánh Tuyết, Nhà nước nên xét đặc cách, chứ không phải nộp hồ sơ xét tặng. Mặc dù bà Tuyết đã làm đúng quy trình, từ danh hiệu NNƯT (trao tặng năm 2015) đến nay, việc lập hồ sơ NNND không thiếu tiêu chuẩn gì, nhưng không đủ phiếu bầu chọn (phải đủ 90% trở lên) của hội đồng cấp bộ.
Từ Quảng Ninh, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh này ý kiến về trường hợp NNƯT Lê Đức Chắn. Ông là truyền nhân duy nhất đời thứ 18 của tổ nghề đóng thuyền gỗ, thuyền buồm cánh dơi, chạy ngược nước ở vùng biển Quảng Ninh. Đến nay, làng nghề đóng thuyền vỏ gỗ của nghệ nhân Lê Đức Chắn vẫn được duy trì, khẳng định kỹ thuật đóng thuyền của Việt Nam đã vươn tầm thế giới. Rất nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước đều tìm về để học hỏi và tham khảo kỹ thuật đóng thuyền của nghệ nhân Lê Đức Chắn. Hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND của nghệ nhân Lê Đức Chắn cũng không đủ phiếu bầu cấp bộ.
GS, TSKH Tô Ngọc Thanh cho rằng, không thể đòi hỏi tiêu chí mặc định rằng muốn trở thành NNND, người thực hành di sản buộc phải đạt danh hiệu NNƯT trước đó. Như vậy, lớp các bậc nghệ nhân lão thành hiện nay đã ở tuổi 80-90, giả sử các cụ muốn trở thành nghệ nhân cấp “nhân dân” thì trước hết phải có được giấy chứng nhận “ưu tú”, điều đó thật bi hài với cái tuổi xế chiều của đời người. Nghệ nhân được ví như “báu vật nhân văn sống” với ý nghĩa trân trọng, tôn vinh, nhưng đồng thời khơi gợi liên tưởng về một sự bất ổn, dễ mất đi. Đồng quan điểm này, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng cho rằng, những người đã dành cả cuộc đời cho việc gìn giữ tinh hoa của dân tộc, chẳng hạn như nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ-kép đàn bậc thầy của nghệ thuật ca trù đã được UNESCO vinh danh, nay đã hơn 90 tuổi, thì phải được Nhà nước đặc cách trao danh hiệu, chứ không phải bắt cụ tìm tài liệu, băng hình, có bao nhiêu bằng khen, huy chương để chứng minh.
NNƯT ca trù Bạch Vân chia sẻ: “Với nghệ nhân, được ghi nhận trao tặng danh hiệu không phải để tôn thêm sự nổi tiếng, cũng không vì bất cứ lợi lộc nào, mà là một cách tri ân, báo công lên tổ nghề. Danh hiệu là động lực, khuyến khích các nghệ nhân lưu giữ, truyền dạy cho con cháu một cách chuyên sâu, giúp lưu truyền được hồn cốt của dân tộc mình”.
Theo qdnd.vn