Hồn quê trong trò chơi dân gian
|
Trò chơi dân gian ở xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất) luôn thu hút đông đảo người dân tham gia mỗi khi Tết đến, xuân về. |
Hương Ngải giờ đây không ít nhà cao tầng, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa kiên cố, giao thông thuận tiện... Thế nhưng, không khó để chúng ta bắt gặp bóng dáng làng quê với cây đa, giếng nước, sân đình, ao làng; những am thờ nhỏ; hàng rào đá ong bao quanh nếp nhà cổ đặc trưng xứ Đoài.
Đặc biệt, trên địa bàn còn nguyên vẹn di tích Quán Nghinh Hương nơi đầu làng. Không ai rõ quán có từ khi nào, người trong vùng chỉ biết quán có hai đợt trùng tu vào năm 1034 và 1974 (khắc trên bia đá). Quán Nghinh Hương thờ thần linh và cũng là nơi đón những người con của Hương Ngải đi xa trở về...
Chúng tôi đến Hương Ngải vào những ngày đầu xuân khi địa phương này đang diễn ra nhiều trò chơi dân gian. Ngay từ đầu làng đã nghe thấy tưng bừng tiếng hò reo của dân làng cổ vũ người chơi. Một trong những trò hấp dẫn là hội thi nấu cơm trên thuyền diễn ra ở ao làng.
Thông thường, trò chơi này có 2 đội thi, đội toàn nam hoặc đội toàn nữ. Mỗi đội có 3 thành viên, người làm nhiệm vụ chèo thuyền, người thổi cơm, người gánh để giữ cho nồi cơm không bị đổ. Trong gió xuân, tròng trành sóng nước, những nồi cơm chín tới, hương thơm quyến rũ lan tỏa như gợi nhớ những mùa vàng...
Một trò chơi khác cũng được dân làng hưởng ứng là lội nước bắt vịt và đi cầu khỉ. Tết Nguyên đán Kỷ Hợi này khá ấm, nắng đẹp nên trò chơi này thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là thanh niên. Một trong số những người bắt vịt giỏi nhất là anh Nguyễn Ngọc Nguyên - quân nhân vừa xuất ngũ về địa phương cuối năm 2018. Được rèn luyện trong quân ngũ, tác phong nhanh nhẹn, anh đã bắt được 4 con vịt. Đây là kỷ lục mà ít người trong thôn làm được. Phần thưởng trong những trò chơi dân gian này đều do người dân đóng góp theo hình thức xã hội hóa.
“Sức xuân là đây chứ đâu!” - ông Nguyễn Hữu Hòe, người dân ở thôn 7 tự hào nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Hương Ngải Nguyễn Thị Hương cho hay: "Làng xóm khang trang, quê hương trù phú, nhưng Hương Ngải vẫn mang đậm dáng dấp của vùng quê đặc trưng Đồng bằng Bắc Bộ với hệ thống di tích lịch sử dày đặc: Đình, chùa, quán, văn chỉ…".
Đặc biệt, từ xưa tới nay, người dân Hương Ngải chỉ mong đến Tết để được vui chơi các trò dân gian lưu truyền từ đời này sang đời khác. Bởi vậy, những người đi xa, vào dịp Tết, nếu không kịp về lại khắc khoải nhớ quê nhà và chỉ cần về tới đầu làng, nghe tiếng hò reo là biết ngay quê mình đang rộn rã xuân...
Người Hương Ngải vui xuân nhiệt tình là thế nhưng vẫn không quên động viên con cháu chăm chỉ học hành và tích cực lao động sản xuất. Có tiếng là hiếu học, đất của những người thợ tài hoa tỏa đi muôn nơi dựng nhà gỗ, xây nhà cổ nên thời nào đất Hương Ngải cũng có những người con ưu tú, cần mẫn, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.
Mỗi độ Tết đến, xuân về, ai cũng cố gắng thu xếp để về quê, được rửa chân dưới thềm ao làng, cúi đầu trước Nghinh Hương Quán rồi mới vào làng, hòa mình trong những trò vui được biết từ thời thơ bé...
"Cứ thế, như hồn quê dần thấm sâu trong mỗi người dân Hương Ngải, tiếp thêm năng lượng để sau mỗi Tết, họ lại tiếp tục với công việc, học tập, sản xuất, kinh doanh... đạt hiệu quả tốt hơn, phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng quê hương, đất nước..." - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Ngải Nguyễn Thị Hương chia sẻ.
Theo Hanoimoi.com.vn