Các khu công nghiệp khó hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Ông
Hong Sun, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Phát
triển HS, khi một công ty chuẩn bị đầu tư ra nước ngoài, họ sẽ tìm hiểu
môi trường đầu tư của cả khu vực, chứ không phải chỉ là một nước. Điều
mà các DN quan tâm là giá thuê đất, nhân công rẻ, thị trường lớn… và
một yếu tố quan trọng nữa là chính sách ưu đãi về thuế. “Tất nhiên, nếu
đầu tư vào Việt Nam, các DN nước ngoài vẫn lựa chọn các KCN, vì hạ tầng
ở đó tốt hơn, nhưng vấn đề là, không còn ưu đãi về thuế, rất có thể,
các nhà đầu tư sẽ không chọn Việt Nam. Vấn đề hiện nay của Việt Nam
không phải là cạnh tranh trong nước, mà là phải cạnh tranh với các nước
xung quanh. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của khu vực và toàn
cầu, nếu Việt Nam vẫn áp dụng chính sách thuế thu nhập DN như hiện nay,
thì sẽ hết sức khó khăn để thu hút đầu tư”, ông Hong Sun nói.
Đồng
quan điểm, một lãnh đạo của KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) cũng cho
rằng, trong bối cảnh hiện nay, thu hút một dự án đầu tư sản xuất vào
KCN đã rất khó khăn, nếu không còn ưu đãi về thuế, sẽ càng khó khăn
hơn. “Việt Nam có ưu điểm nổi bật là giá nhân công rẻ và có những ưu
đãi về thuế thu nhập DN. Nay nếu không còn ưu đãi nữa, trong khi nhân
công của Việt Nam mặc dù rẻ, nhưng trình độ tay nghề lại thấp, thì rất
có thể, Việt Nam sẽ không còn được lựa chọn”, vị lãnh đạo này nói.
Trên
thực tế, ngay từ khi Nghị định số 124/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành
Luật Thuế thu nhập DN ra đời, trong đó KCN, khu chế xuất không được
liệt vào đối tượng được hưởng ưu đãi thuế, không ít DN đã bày tỏ sự băn
khoăn, lo lắng. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) được tổ chức
vào tháng 12 năm ngoái, cũng đã có rất nhiều ý kiến đã đề cập đến vấn
đề này. Rằng, các công ty đầu tư hạ tầng KCN, khu chế xuất đòi hỏi vốn
đầu tư lớn, thời gian thực hiện dự án kéo dài, vì vậy, để các DN này
tồn tại và phát triển, nhất là để vượt qua thời gian khủng hoảng kinh
tế, nên tiếp tục giữ mức thuế thấp để khuyến khích và tập trung đầu tư
vào các KCN. Bởi nếu để DN phát triển hạ tầng KCN chịu thuế như DN kinh
doanh bất động sản, thì sẽ không thể khuyến khích phát triển công
nghiệp địa phương…
Trong
khi đó, ông Tom McClelland, đồng Trưởng tiểu nhóm Công tác thuế bày tỏ
quan điểm rằng, việc bãi bỏ các ưu đãi tại KCN, khu chế xuất sẽ dẫn tới
giảm độ tập trung đầu tư và giảm khuyến khích đầu tư vào các khu vực
này, qua đó ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của Việt Nam.
Những
cảnh báo này có vẻ đang diễn ra trong thực tế. Theo số liệu thống kê,
chỉ riêng các KCN, khu kinh tế phía bắc hiện có hơn 60% đơn vị hoạt
động, còn lại thuộc diện KCN đang xây dựng dở dang hoặc mới được thành
lập theo quy hoạch. Từ đầu năm đến nay, thu hút đầu tư vào các KCN đã
giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái và có ít nhất 20 địa phương không
thu hút được dự án nào vào các KCN. Tuy sự sụt giảm này còn có những lý
do liên quan tới những tác động của khủng hoảng kinh tế, song không thể
không nhắc tới những nguyên nhân xuất phát từ việc các DN đầu tư vào
các KCN không còn được hưởng ưu đãi về thuế.
Một
báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thời gian gần
đây đã chỉ ra rằng, sự sụt giảm thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng có
phần là do chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN, một trong nhũng ưu đãi
chủ yếu đối với nhà đầu tư nước ngoài, áp dụng từ ngày 1/1/2009, đã thu
hẹp đáng kể các DN, các dự án thuộc diện ưu đãi. Cùng với bối cảnh suy
thoái kinh tế, điều này làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của Việt Nam đối
với các nhà đầu tư quốc tế.
Điều
này cũng đã được đại diện một số tỉnh, thành phố thừa nhận. Việc không
còn được hưởng các ưu đãi về thuế khiến các nhà đầu tư nước ngoài ít
quan tâm hơn tới việc đầu tư vào các KCN. Các dự án đầu tư vào KCN chủ
yếu là dự án sản xuất, trong khi đầu tư ngoài KCN hầu hết là dự án bất
động sản và dịch vụ.
Mặc
dù vẫn còn nhiều việc phải làm để các KCN đóng góp nhiều hơn nữa cho sự
phát triển bền vững nhưng việc nên tiếp tục cho các DN được hưởng ưu
đãi đầu tư, với mức ưu đãi không cần cao như trước đây là điều các DN
đang mong đợi.
Theo báo Kinh tế và đô thị