Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2010
Chính sách linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ
Cùng
với việc thông qua các chỉ tiêu chủ yếu, các đại biểu tán thành các
giải pháp thực hiện dự toán NSNN năm 2010 do Chính phủ trình và kiến
nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Theo đó, đề nghị Chính phủ cần
chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt có kiểm soát
chặt chẽ, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả
chi, phấn đấu giảm bội chi NSNN năm 2010 xuống dưới 6,2% và giảm dần
trong các năm sau. Bên cạnh đó, phải phối hợp đồng bộ chính sách tài
khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để góp phần thực
hiện có hiệu quả mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội năm 2010.
Chính
phủ phải tổ chức thực hiện tốt các luật thuế, chỉ đạo kiên quyết công
tác thu NSNN, hạn chế tối đa tình trạng gian lận thuế, kê khai tính
thuế, nợ đọng thuế. Năm 2010, ngành thuế cũng sẽ dừng việc miễn, giảm
thuế theo Nghị quyết số 32/2009/QH12 của Quốc hội; thực hiện giãn thời
hạn nộp thuế một quý đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp của các
doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất, gia công dệt may, da,
giày.
Khắc
phục những yếu kém thời gian qua, Quốc hội yêu cầu Chính phủ quản lý
chặt chẽ chi NSNN theo đúng Luật NSNN và các nghị quyết của Quốc hội;
khắc phục tình trạng chi ngoài dự toán, chi vượt dự toán không đúng
thẩm quyền và sai quy định của Luật NSNN. Đặc biệt là phải rà soát, sắp
xếp đầu tư khu vực công theo hướng xác định thứ tự, mục tiêu ưu tiên
đầu tư; giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ NSNN đi đôi với đẩy mạnh xã hội
hóa đầu tư trong các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể
tham gia.
Tiếp tục chi cho an sinh xã hội
Cũng
với việc thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ ngân sách, Quốc hội
thông qua điều khoản về việc tiếp tục cải cách tiền lương, tăng mức
lương tối thiểu từ 650 nghìn đồng lên 730 nghìn đồng từ ngày 1-5-2010;
tăng khả năng bảo đảm chi an sinh xã hội, nông nghiệp và nông thôn,
quốc phòng, an ninh. NSNN cũng cần có ưu tiên bố trí vốn cho các dự án,
công trình trọng điểm, cấp bách, hoàn thành trong năm 2010-2011, nhất
là ở các địa phương nghèo, chưa cân đối được ngân sách.
Qua
thảo luận, tiếp thu và chỉnh lý, Quốc hội đồng ý năm 2010 phát hành 56
nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ để đầu tư các dự án, công trình
thuộc lĩnh vực và danh mục đã được quyết định đầu tư từ nguồn vốn trái
phiếu chính phủ theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, sẽ có sự điều
chuyển vốn giữa các dự án, công trình cho phù hợp với tiến độ và khả
năng hoàn thành... Đây cũng là vấn đề được các đại biểu rất quan tâm,
nhất là hiệu quả giải ngân vốn từ nguồn này. Vì vậy, nghị quyết của
Quốc hội yêu cầu Chính phủ xây dựng phương án phân bổ vốn trái phiếu
chính phủ năm 2010, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết
định trước khi thực hiện.
Cũng
nhằm tăng cường khả năng thực hiện dự toán NSNN năm 2010, nghị quyết
của Quốc hội khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính -
Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội, các đoàn
đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện
NSNN một cách thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực, địa bàn thuộc
phạm vi trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Bưu chính công ích sẽ "về đâu"?
Sáng
11-11, trước khi thông qua nghị quyết về dự toán NSNN năm 2010, các đại
biểu đã thảo luận về nội dung dự án Luật Bưu chính, trước đó đã được
thảo luận, đóng góp ý kiến tại tổ. Đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn
đề làm thế nào để phát triển bưu chính công ích. Tuy nhiên, qua thảo
luận vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc doanh nghiệp nào sẽ hoạt
động cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Về vấn đề này, dự thảo luật
quy định theo hướng Chính phủ sẽ chỉ định Tập đoàn Bưu chính Việt
Nam nắm giữ trọng trách là đơn vị bưu chính công ích.
Đại
biểu Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) cho rằng, không nên chỉ định doanh
nghiệp thực hiện dịch vụ bưu chính công ích, cho dù đó là Tập đoàn Bưu
chính Việt
Nam.
Việc để cho các doanh nghiệp có hoạt động dịch vụ bưu chính tự do cạnh
tranh lành mạnh là phù hợp với xu thế hiện nay và qua đó người tiêu
dùng được hưởng lợi. Từ góc độ khác, đại biểu Lê Việt Trường (An Giang)
lại cho rằng, bưu chính công ích phải giao cho Tập đoàn Bưu chính Việt
Nam bởi đơn vị này mới có đủ khả năng tiếp cận và cung ứng dịch vụ đến
các vùng sâu, xa, bảo đảm ANQP trong điều kiện khó khăn.
Ngoài
vấn đề "nóng" trên, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về việc phát triển
mạng lưới bưu điện - văn hóa xã, quá trình giải quyết khiếu nại khi sử
dụng dịch vụ bưu chính, việc lắp hộp thư gia đình...
Cụ thể hóa các điều kiện hoạt động của tổ chức tín dụng
Chiều
cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Các
tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đa số đại biểu đều nhận định, Luật Các tổ
chức tín dụng hiện hành (thông qua ngày 12-12-1997, có hiệu lực ngày
1-7-1998) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín
dụng (2004) đã có tác động tích cực, tạo cơ sở pháp lý cho hệ thống các
tổ chức tín dụng hoạt động. Đến nay, trong quá trình thực hiện đã bộc
lộ bất cập, nhiều quy định của luật hiện hành không còn thích hợp và
chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Đại biểu đồng tình cần có một luật
sửa đổi để đáp ứng những đòi hỏi mới trong quản lý hoạt động tín dụng.
Đóng
góp vào dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, trong luật còn nhiều quy
định chưa cụ thể, có quá nhiều nội dung giao Chính phủ và Ngân hàng Nhà
nước quy định. Một số quy định của dự thảo luật còn có sự trùng lặp với
các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán… Do đó, đề nghị
cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo luật theo hướng thể hiện rõ quan
điểm là cần thiết có các quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn cho
hoạt động ngân hàng, mặt khác cũng bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động
kinh doanh của các tổ chức tín dụng.
(Theo Hanoimoi.com.vn)