Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư
và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học ở kỳ họp thứ 7
và chuyên đề thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh
vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình
tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010, tại kỳ họp
thứ 8, Quốc hội khóa XII.
Đối với Chuyên đề giám sát cải cách
hành chính, Uy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, cải cách hành
chính Nhà nước đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn còn
nhiều hạn chế, nhất là các thủ tục hành chính trong thời gian qua vẫn
gây nhiều bức xúc đối với doanh nghiệp và người dân. Nhiều đại biểu đã
nêu vấn đề này và đề nghị tiến hành giám sát nhưng Quốc hội chưa có
điều kiện triển khai. Năm 2010 là năm kết thúc chương trình tổng thể
cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, là thời điểm thích
hợp để Quốc hội giám sát nội dung này, giúp đánh giá khách quan việc
thực hiện chương trình trên để có kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo một
cách phù hợp. Tuy vậy, do cải cách thủ tục hành chính Nhà nước có phạm
vi rất rộng, nên UBTVQH đề nghị Quốc hội chỉ giám sát thủ tục hành
chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh
nghiệp; việc giới hạn phạm vi, lĩnh vực cụ thể, đề nghị Quốc hội giao
UBTVQH quyết định khi thành lập Đoàn giám sát.
Về nội dung giám
sát giáo dục, UBTVQH nhận thấy, đây đang là những vấn đề bức xúc, cần
được quan tâm, giám sát để thúc đẩy tốt hơn. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến
của các đại biểu, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho lấy tên chuyên đề là
“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và
bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học”.
Về cơ bản,
các đại biểu đều nhất trí với chương trình hoạt động giám sát năm 2010.
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị Quốc hội giám sát một số chuyên đề
liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai; hiệu quả của các gói kích cầu
của Chính phủ; thực hiện chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông
thôn và một số vấn đề khác.
Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu ý
kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa
nhận các vấn đề đại biểu nêu ra đều rất quan trọng, bức xúc trong đời
sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do điều kiện có hạn, nếu đưa quá
nhiều nội dung vào chương trình giám sát của Quốc hội thì càng khó thực
hiện, do vậy xin chưa đưa vào chương trình giám sát năm 2010. Về ý kiến
đề nghị giám sát hiệu quả thực hiện gói kích cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội cho rằng, chưa nên tiến hành giám sát nội dung này trong năm 2010.
Bởi đây là vấn đề mới được tổ chức thực hiện, Chính phủ đang điều hành
tiếp tục và các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đang tập trung mọi sự
nỗ lực để vượt qua những khó khăn do tác động của khủng hoảng tài
chính, suy giảm kinh tế, trong đó có việc sử dụng gói kích cầu tái cấu
trúc nền kinh tế.
Theo UBTVQH, các vấn đề liên quan đến đất đai,
trong những năm gần đây đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội
tiến hành giám sát nhiều nội dung, như giám sát về việc cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất; đền bù, giải phóng mặt bằng và giải quyết việc
làm cho người dân có đất bị thu hồi; đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn
nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007; xử lý
vấn đề đất đai, mua bán cổ phiếu trong thực hiện cổ phần hóa doanh
nghiệp nhà nước vào năm 2008; hay về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà
nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vào năm 2009 và đã có
kiến nghị để cơ quan quản lý, điều hành nghiên cứu khắc phục.