Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 25/03/2019 03:21
Cảm xúc đặc biệt từ bộ ảnh phái đoàn Quốc hội khóa I thăm Pháp

 Những ngày này, không gian Đường sách TP Hồ Chí Minh trở nên nhộn nhịp bởi bạn đọc yêu thích lịch sử gần xa và du khách quốc tế bị thu hút với Triển lãm “Phái đoàn Quốc hội Việt Nam khóa I thăm hữu nghị Cộng hòa Pháp-biểu tượng của khát vọng hòa bình”.

 

 

Cảm xúc đặc biệt từ bộ ảnh phái đoàn Quốc hội khóa I thăm Pháp

Đông đảo sinh viên tại TP Hồ Chí Minh tới tham quan triển lãm.

Sự kiện do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Vụ Thông tin (Văn phòng Quốc hội) thực hiện, giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu về chuyến thăm hữu nghị Cộng hòa Pháp của Quốc hội khóa I từ ngày 16-4 đến 23-5-1946. Trong đó, nhiều hình ảnh lần đầu tiên được công bố, tạo ấn tượng đặc biệt cho khách tham quan.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết: "Những hình ảnh độc đáo về hành trình và hoạt động của phái đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Pháp năm 1946 với rất nhiều cuộc thăm viếng, gặp gỡ các cơ quan, tổ chức xã hội, nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân Pháp cùng kiều bào, lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi tới người dân. Những tư liệu quý giá này tiếp tục được trưng bày tại hành lang Nhà Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội sắp tới nhằm giới thiệu đến các đại biểu Quốc hội ý nghĩa chuyến đi đặc biệt năm 1946". 

Các bức ảnh, tài liệu được trình bày khoa học theo các mốc thời gian, bối cảnh của chuyến đi, hình ảnh chuyên cơ Dakota số hiệu 972 (chặng đi) và số hiệu 357 (chặng về), cùng các sự kiện gặp gỡ, tiếp xúc của phái đoàn… giúp người xem có cái nhìn toàn diện, đầy đủ hơn về quá trình chuẩn bị, kết quả của chuyến thăm. Nhất là lời chúc, dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phái đoàn: “Tôi chúc phái đoàn sang Pháp được bình an. Phái đoàn có ba việc phải làm là: Đoàn kết, cẩn thận, làm cho người Pháp hiểu mình thật kỹ, để gây tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Sau hết, tôi gửi lời kính chúc toàn thể kiều bào bên Pháp”. Nhiều tài liệu quý làm nổi bật giá trị của triển lãm, như: Biên bản viết tay phiên họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 6-3-1946 thông qua chính sách ngoại giao với Pháp, hay danh sách giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong phái đoàn…

Có mặt tham quan triển lãm, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương (con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng-Trưởng phái đoàn Quốc hội Việt Nam khóa I thăm Cộng hòa Pháp năm 1946) bày tỏ sự xúc động khi lần đầu tiên được xem nhiều hình ảnh của ba mình trong chuyến đi ý nghĩa này. Ông Dương đã nhiều lần được nghe ba của mình kể về chuyến đi nên đến với triển lãm, tình cảm, không khí hào hùng ngày trước lại tràn về. Thiếu tướng Phạm Sơn Dương tâm sự: “Với ba tôi, mỗi chuyến đi đều có ý nghĩa riêng, cùng quyết tâm hoàn thành những trọng trách được Bác Hồ tin tưởng giao phó. Trong đó, chuyến thăm Pháp năm 1946 của phái đoàn Quốc hội khóa I là chuyến đi của tình hữu nghị, thể hiện tình cảm cùng nhân dân Pháp, tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội Pháp và nhân dân thế giới, cho thế giới biết đến một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Chính sứ mệnh của phái đoàn làm cho người Pháp, nhân dân thế giới hiểu về Việt Nam đã được tiếp nối xuyên suốt trong các hoạt động ngoại giao về sau của nước ta”.

Là nhà nghiên cứu lịch sử, PGS, TS Hà Minh Hồng, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết: "Triển lãm này là cơ hội hiếm có được tiếp xúc với nhiều tư liệu quý lần đầu công bố, giúp người xem có thêm kiến thức và thấu hiểu hơn về những sự kiện tầm vóc, ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử dân tộc". PGS, TS Hà Minh Hồng là chủ biên bộ sách kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam nhưng có nhiều bức ảnh lần đầu ông được thấy, ví dụ hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trong buổi diễu hành của kiều bào đón đoàn tại Quảng trường La Nation (Paris) kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5-1946, hay trong lễ chào cờ đón đoàn tại Marsielle ngày 5-5-1946… PGS, TS Hà Minh Hồng mong muốn Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tiếp tục khai thác tốt nguồn tài liệu lưu trữ để đưa những triển lãm ý nghĩa đến đông đảo công chúng.

73 năm đã qua sau sự kiện chuyến thăm, cuộc triển lãm lần này góp phần phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và thể hiện sự trân quý lịch sử, ghi nhớ thế hệ cha anh đã làm nên những ngày tháng hào hùng của dân tộc, cũng như tuyên truyền về lòng yêu nước, ý chí, khát vọng độc lập, tự do và yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, triển lãm diễn ra tại Đường sách TP Hồ Chí Minh là không gian văn hóa độc đáo, giúp giá trị của các tư liệu, hình ảnh đến gần hơn với công chúng và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

 

Theo qdnd.vn

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)