Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 13/11/2009 10:45
UBND TP HCM bị 'thách' chịu trách nhiệm dự án thu phí ôtô
"Hãy chứng minh về tính khả thi và dám chịu trách nhiệm nếu dự án này thất bại, chứ đừng thấy phản đối là chùn bước", Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM Nguyễn Trọng Hòa nói.

Dù mới chỉ là ý tưởng, chưa có bất cứ nghiên cứu khả thi nào cho dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP HCM, ứng dụng công nghệ ERP như Singapore mà UBND TP HCM đang theo đuổi; nhưng đề án này đã gặp rất nhiều phản ứng từ phía người dân. Cũng giống như những biện pháp tài chính trước đây: tăng phí trước bạ hay thu phí lưu hành xe; đề án thu phí ôtô vào trung tâm thành phố đang phải đối mặt với thách thức lớn từ áp lực công luận.

TP HCM cần có những biện pháp hạn chế ôtô ngay thời điểm này. Ảnh: Kiên Cường

Sáng 12/11, cuộc họp về đề xuất dự án thu phí ôtô tại Viện nghiên cứu phát triển thành phố đã nhận được rất nhiều phản biện của các chuyên gia giao thông. Hầu hết đều ủng hộ phương án thu phí ôtô với điều kiện là phải khả thi.

"TP HCM khác với các thành phố trên thế giới về kẹt xe, sóng tín hiệu không thể nhận dạng xe không có OBU. Vậy việc chụp các biển số xe này như thế nào với tình trạng ôtô đan xen xe máy dày đặc", ông Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa kỹ thuật giao thông Đại học Bách khoa TP HCM thắc mắc về tính khả thi kỹ thuật.

Còn ông Hòa đưa ra tình huống: nếu các ôtô cố tình né đường thu phí và đi vào các đường hẻm thì sao? Mục tiêu giảm ùn tắc cũng bị đặt lên "bàn cân", vì nếu dự án thí điểm sau một năm và thất bại thì lúc đó có trở về hiện trạng "thu vẫn cứ thu còn kẹt vẫn không giảm" hay không?

Phó chủ tịch Hội cầu đường cảng TP HCM Hà Ngọc Trường dù khẳng định ủng hộ hoàn toàn các giải pháp hạn chế xe cá nhân, nhưng ông đặt vấn đề tại sao không nghiên cứu biện pháp thu phí khác như ở các nước Hàn Quốc hay Trung Quốc mà chỉ là ERP của Singapore.

Trả lời cho những câu hỏi này, ông Lâm Thiếu Quân, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Phong - đơn vị được Sở Giao thông Vận tải đề xuất nghiên cứu khẳng định lại một lần nữa các giải pháp kỹ thuật là hoàn toàn khả thi. Ôtô đi vào đường hẻm tránh đường thu phí sẽ được giải quyết theo nhiều cách, một là có đội xử phạt lưu động, camera giám sát, hay là quy hoạch các tuyến đường một chiều cho phù hợp.

Đại diện Công ty cổ phần Tiên Phong phân tích, hệ thống camera giám sát, chụp hình biển số sẽ quay và phủ kín trong phạm vi 100 m tại khu vực đường có thu phí. "Khả năng chụp được biển số chính xác lên đến 80-90% nên chuyện này không đáng lo", ông Quân nói.

Nhiều chuyên gia đã đối chất trực tiếp với Giám đốc Công ty Tiên Phong về tính khả thi đề án, các vấn đề xã hội khác... "Nên nhắc lại, đây chỉ mới là ý tưởng, còn như thế nào phải có nghiên cứu khả thi, sau đó mới tính tới các công đoạn tiếp theo, chứ đừng xem như ngày mai là thu phí liền", ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Phòng quản lý giao thông Sở Giao thông vận tải lưu ý.

Theo ông Cường, các biện pháp thu phí để giảm kẹt xe đã nằm trong chủ trương của thành phố trong thời gian qua. Để chủ trương đó thành hiện thực thì phải qua nghiên cứu, hội thảo, phản biện... rồi mới đi đến quyết định cuối cùng.

Chủ trương có, giải pháp không thiếu nhưng nhiều năm nay, biện pháp tài chính dù đơn giản vẫn không thể thực hiện được do vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhiều ban ngành lẫn người dân. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một vòng luẩn quẩn nếu không có sự quyết tâm của chính quyền thành phố.

"Diện tích các thành phố lớn rất ít trong khi dân số, phương tiện tăng chóng mặt, giải pháp đơn giản là hạn chế phương tiện giao thông nhưng bao nhiêu năm nay không làm được", ông Nguyễn Như Triển, Viện chiến lược thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải thuộc Đại học Giao thông vận tải Khuất Việt Hùng khẳng định, nếu TP HCM không quyết tâm làm dự án thu phí ôtô tại thời điểm này thì sẽ rất khó để thực hiện trong tương lai.

Vì theo ông Hùng, ôtô chính là thủ phạm gây ùn tắc chứ không phải xe máy như hiện nay và loại phương tiện này sẽ phát triển một cách chóng mặt. "Nghiên cứu của chúng tôi, 3,6 triệu xe máy TP HCM chiếm 2,5 triệu m2 diện tích đỗ xe, trong khi đó 400.000 ôtô chiếm đến 4,4 triệu m2. Chỉ có 10-15% xe hơi trên các trục đường chính nhưng dành tới 55% diện tích giao thông động", ông Hùng phân tích.

Giải pháp mở đường xa vời, metro dành cho tương lai, còn hạn chế xe cá nhân là buộc phải làm. "Muốn giảm kẹt xe, chúng ta phải có cơ chế chính sách chịu trách nhiệm, như tôi làm sai tôi chịu trách nhiệm. Phải dám làm, dám chứng minh, dám đi tiên phong, chứ còn cứ bàn tới bàn lui như thế này thì mãi chẳng làm gì được", ông Hòa nhận xét.

Tháng 7, đoàn cán bộ TP HCM đã đi nghiên cứu, học tập về thực hiện chính sách giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân tại Singapore.

Báo cáo chuyến đi này, đoàn khẳng định TP HCM trong thời gian tới cần có những chính sách quyết liệt hơn để hạn chế xe cá nhân. Nếu thành phố không mạnh dạn áp dụng chính sách hạn chế xe cá nhân phù hợp với đặc thù thì tình hình giao thông sẽ ngày càng xấu đi.

Theo đó, đoàn kiến nghị giao Viện nghiên cứu phát triển thành phố thực hiện đề tài nghiên cứu quy hoạch, bố trí hệ thống thu phí giao thông ERP với ôtô theo hướng số tiền phải trả tùy thuộc vào mức độ ùn tắc.

Kiến nghị Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách về thu lệ phí (phí trước bạ, đăng ký, lưu hành...) đối với xe cá nhân.

Theo báo VnExpress.

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)