Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 17/11/2009 08:39
Hà Nội văn vật
Xuất hiện đều đặn trên các báo, nhất là báo Hànộimới, những bài viết súc tích về văn hóa vật thể và phi vật thể ở Thủ đô của tác giả Trần Văn Mỹ luôn mang đến những phát hiện, những cái mới mà mọi người quan tâm. Nhìn lại "cái vốn" đã công bố quả cũng không ít, nên anh đã tập hợp lại một phần, chỉnh lý, sửa chữa, hoàn thiện tạo thành cuốn "Hà Nội văn vật" (NXB Văn hóa thông tin) vừa ra mắt bạn đọc Thủ đô.
Hơn 500 trang sách được chia làm hai mục: "Di tích" và "Văn vật" khá nhất quán. Ngoài ra, để người đọc dễ tìm, mục "Di tích" còn được anh phân loại bài cụ thể theo các phần: làng, đình, chùa, đền - điện, miếu, thành trì, phố và ngõ. Đây không phải là cuốn sách giới thiệu toàn bộ các di tích xếp hạng của Hà Nội như sách của các tác giả khác đã làm. Anh viết theo cảm nghĩ về giá trị mà mình thấy ở các di tích - nơi anh đã đến, trực tiếp "nghe", "nhìn", thẩm định. Bởi vậy, có thể gặp một đền, miếu, chùa, đình nào đó chưa được xếp hạng song vẫn được anh giới thiệu.

 

Sách cho ta biết thêm ở nội thành có hai đền Đồng Nhân thờ Hai Bà Trưng, một đền nhỏ ở nơi gốc gác ngoài đê và đền lớn di chuyển vào ở trong đê, cạnh hồ Hương Viên bây giờ. Nhưng vẫn còn một làng Đồng Nhân nữa ở bên kia sông Hồng thuộc xã Hải Bối, Đông Anh. Đình làng này thờ Xà Nương, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Cũng như vậy, tác giả cung cấp cho người đọc nhiều điều về Hà Nội rất thú vị. Có hai pho tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh và đền làng Cự Linh (nay thuộc phường Thạch Bàn, Long Biên); cuốn sách đồng quý hiếm ghi thần tích làng Mai Phúc (nay thuộc phường Gia Thụy, Long Biên); tấm bia đồng ở đình Quan Nhân (phường Nhân Chính, Thanh Xuân); bia gỗ có niên đại 1626 ở chùa Triệu Xuyên (xã Long Xuyên, Phúc Thọ)…

 

Có những điều mà chắc nhiều người Hà Nội còn chưa biết, như ở đâu còn những chiếc giếng cổ; hai quả chuông đồng cổ nhất đúc từ thời thuộc Đường và còn mang địa danh là huyện Giao Chỉ nay lưu giữ ở đâu; làng Đại Lan không chỉ có hai tiến sĩ ghi danh trong sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam" (Nguyễn Như Đổ, Nguyễn Như Huân) mà còn có 5 tiến sĩ nữa đều đỗ đại khoa vào triều Lê; có một đền thờ Lý Chiêu Hoàng ở quê ngoại vua Lý Thái Tổ…

 

Điều đáng quý ở tác giả Trần Văn Mỹ là đi đến đâu anh cũng tìm hiểu cặn kẽ các di vật mới viết, nên thông tin có độ tin cậy cao. Tuy vùng Xứ Đoài và Sơn Nam mới hợp nhất vào Hà Nội, sách cũng đã kịp thời có bài viết về làng Bình Vọng, Canh Hoạch, Đa Sĩ, Lai Xá, La Dương, Tế Tiêu, Bình Đà; về đình Hạ Thái, đình So; về đền Hát Môn, đền Lộ; về Thành cổ Sơn Tây, núi Tản…

 

Tuy nhiên, có bài viết chưa đầy đủ lắm về giá trị của vùng đất được miêu tả. Thí dụ bài: "Tế Tiêu - làng cổ bên sông Đáy", tác giả đã để sót giá trị văn hóa của nghệ thuật rối cạn khá nổi tiếng của làng. Hay như với tiêu đề sách "Hà Nội văn vật" đã khoanh vùng, có lẽ không nên đưa thêm các bài viết về đền vua Đinh ở Tam Dương (Nam Định), chùa Tiêu Sơn và Đại Lãm Sơn thuộc Bắc Ninh, mà nên dành cho một cuốn sách khác. Song đây là một tập tư liệu có giá trị rất nên đọc và tham khảo, nhất là trong lúc chúng ta đang muốn tìm hiểu thêm về những vấn đề chưa rõ của Thủ đô nghìn năm tuổi.



(Theo Hanoimoi.com.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)