Thăng Long - Nét chữ, nết người
 |
Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long trong giờ chào cờ đầu tuần. Ảnh: Minh Nguyễn |
Đây
cũng là nơi khởi nguồn của phong trào "Vở sạch, chữ đẹp" được duy trì
trong các nhà trường trên toàn quốc suốt hơn nửa thế kỷ qua. Nét chữ
Thăng Long cũng là nết người của học sinh Thăng Long được các thế hệ
giáo viên của trường gìn giữ và phát huy qua phong trào thi đua "Hai
tốt": Thầy dạy hay, trò học tốt.
Truyền thống hào hùng
Ngôi
trường nhỏ nằm ở một con phố nhỏ - phố Ngõ Trạm, nhưng chứa đựng trong
nó một truyền thống hào hùng của 80 năm xây dựng và trưởng thành. Hầu
hết các nhà giáo của Trường Thăng Long trước Cách mạng Tháng Tám đã trở
thành những nhà cách mạng, nhà văn hóa, cán bộ lãnh đạo có tên tuổi:
Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Bùi Kỷ, Phạm Hữu Ninh,
Phan Thanh, Nguyễn Lân… Nhiều học sinh của trường sau này là những cán
bộ cốt cán, chuyên gia khoa học kỹ thuật, bác sĩ, nhà giáo, tướng lĩnh,
văn nghệ sĩ được nhiều người biết đến. "Di tích cách mạng kháng chiến"
này cũng đã từng được đón Bác về thăm năm 1955.
Vào
đầu những năm 60 của thế kỷ trước, có một cô giáo lớp 1 hằng ngày lặng
lẽ, kiên trì sửa từng nét bút, rèn thói quen giữ vở sạch cho học sinh,
để chồng vở học sinh lớp cô sạch và đẹp từ trang đầu tới trang cuối.
Việc làm của cô giáo Lê Thị Tý đã được Ban Giám hiệu nhà trường ủng hộ,
phát động thành phong trào thi đua trong trường. Phong trào ngày càng
lan rộng, năm 1968, có một hội nghị chuyên đề về "Vở sạch, chữ đẹp" đã
giới thiệu vở của học sinh Trường Thăng Long, cho các tỉnh thêm niềm
tin và quyết tâm phát động phong trào ở địa phương mình.
Nhiều
nơi đã dùng danh hiệu Thăng Long để tặng cho những đơn vị đạt tiêu
chuẩn giữ vở sạch, viết chữ đẹp và đã có hàng vạn "học sinh Thăng
Long", hàng nghìn "lớp Thăng Long", hàng trăm "trường Thăng Long" và
hầu như tỉnh nào cũng có "huyện Thăng Long". Nói về tác dụng của phong
trào này, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: "Nét chữ cũng là một sự
biểu hiện của nết người. Viết đúng, viết cẩn thận, viết đẹp là góp phần
rèn luyện tính cẩn thận, tính kỷ luật, lòng tự trọng đối với mình cũng
như đối với thầy và bạn đọc bài, đọc vở của mình". Với học sinh tiểu
học, phải chăng đây là những bài học quan trọng nhất, là thói quen cần
rèn giũa nhất, hơn cả những kiến thức trong sách vở.
Hiện tại vẻ vang
Quá
khứ hào hùng ấy là nền tảng vững chắc để trong suốt 47 năm liên tục,
Trường Tiểu học Thăng Long luôn đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất
sắc. Nó cũng đòi hỏi các thế hệ giáo viên của trường phải nỗ lực không
ngừng để truyền thống hào hùng được tiếp nối bằng hiện tại vẻ vang.
Hiện
tại ấy có thể khẳng định bằng vài con số: 95% giáo viên đạt trình độ
trên chuẩn, trong đó có 3 thạc sĩ, 25 cử nhân); 100% giáo viên đạt giáo
viên giỏi cấp quận, thành phố và quốc gia. Trong 5 năm gần đây, trường
có 33 giáo viên dự thi giáo viên giỏi thì 2 người đoạt giải nhất cấp
quốc gia, 7 người giải nhất thành phố; 90% đến 95% học sinh xếp loại
khá, giỏi; 25% học sinh của trường được chọn vào các trường, lớp bậc
trung học cơ sở chất lượng cao; dẫn đầu về số lượng học sinh đạt giải
trong các kỳ thi học sinh giỏi với 180 em đạt giải cấp quận, 82 giải
cấp thành phố, 42 giải quốc gia trong 5 năm.
Mặc
dù khuôn viên chật hẹp, nhưng trường đã khéo thu xếp để có đầy đủ các
phòng chức năng với trang thiết bị phục vụ cho thầy dạy tốt, trò học
tốt: phòng học tiếng Anh trực tuyến đa phương tiện gồm 47 máy tính,
phòng tin học có 40 máy tính nối mạng, thư viện đạt chuẩn… Tên học sinh
Thăng Long không chỉ xuất hiện trong danh sách học giỏi, hát hay, vẽ
đẹp… mà còn ở nhiều cuộc thi mang tính tổng hợp với những trạng nguyên,
bảng nhãn, thám hoa…
Quá
khứ hào hùng, hiện tại vẻ vang đã làm nên truyền thống Thăng Long và
hôm nay, truyền thống ấy có thêm một dấu ấn quan trọng: đón nhận Huân
chương Độc lập hạng Nhì.
(Theo Hanoimoi.com.vn)