Liên Hợp Quốc kêu gọi tiếp tục hành động nhằm “xây dựng xã hội học tập” tại VN
Hôm qua (20/11), Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cùng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam với chủ đề “Đầu tư cho giáo viên hướng tới xây dựng một xã hội học tập ở Việt Nam” và nhấn mạnh tầm quan trọng của Quyết định 112 về đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”.
Buổi lễ được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với sự tham gia của Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các Trường Đại Học và Cao Đẳng Sư phạm khác, đại diện các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức Phi Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan thông tấn báo chị tại Việt Nam.
Hàng năm, Việt
Nam kỷ niệm ngày Hiến chương Nhà giáo – 20/11, sự kiện này diễn ra sau Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo quốc tế - 5/10. Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo cũng là một dịp đặc biệt để Liên Hợp Quốc nói lời “cảm ơn” với những giáo viên về sự đóng góp và cống hiến không mệt mỏi nhằm mang lại giáo dục cho mọi người bao gồm cả thanh niên và người lớn đều được hưởng một nền giáo dục chất lượng và có cơ hội học tập suốt đời.

Giờ thực hành tin học của học sinh Trường THCS Đống Đa.
Trong thập kỷ vừa qua, Việt
Nam đã có bước tiến đáng kể trong giáo dục, đặc biệt là những thành tựu trong Giáo dục cho Mọi người. Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội phát biểu: “Để duy trì tiến trình này và để phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010, còn cần phải tập trung vào việc đào tạo giáo viên có trình độ”. “Trong khi số lượng giáo viên ngày càng tăng và tỷ lệ giáo viên trên lớp học đã có những thay đổi tích cực trong những năm vừa qua ở cấp tiểu học và trung học, tuy nhiên, vẫn còn có sự thiếu hụt giáo viên ở khu vực giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp và giáo dục đại học”. Liên Hợp Quốc tin tưởng rằng vẫn có những cơ hội để phát triển và quản lý giáo viên một cách chiến lược nhằm đảm bảo cung cấp đủ giáo viên có trình độ và nhiệt tình để làm việc ở vùng sâu, vùng xa bao gồm cả những khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Giải quyết những thách thức này sẽ cơ bản đạt được mục tiêu “xây dựng xã hội học tập”.
Liên Hợp Quốc tại Việt
Nam đánh giá cao tầm quan trọng về vai trò chủ đạo của giáo viên trong việc nâng cao một cách tổng thể về chất lượng giáo dục cũng như tạo ra môi trường học tập và giảng dạy thân thiện. Trong khung hành động “Thực hiện Một Liên Hợp Quốc”, Liên Hợp Quốc cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để cung cấp hỗ trợ có hiệu quả cho giáo viên và phát triển nghề nghiệp của giáo viên nhằm giúp cho việc xây dựng xã hội học tập thân thiện tại Việt Nam.
(Theo Hanoimoi.com.vn)