 |
Cầu cảng tạm bằng cây dương lại bị đánh sập. |
Hàng
chục ngàn dân trên hòn đảo này đang đứng trước nguy cơ thiếu cả lương
thực lẫn các loại nhu yếu phẩm khác nếu không khí lạnh tăng cường liên
tục gây gió lớn như hiện nay.
Vẫn do bão số 9
Bão số 9 đã
qua gần hai tháng, nhưng nó vẫn còn tiếp tục gây hậu quả cho đảo Lý
Sơn. Những năm trước, gió cấp 6, cấp 7, tuy tàu khách không được ra vào
do cảng vụ Sa Kỳ nghiêm cấm, nhưng một số tàu đánh cá có công suất lớn
vẫn “liều mình” ra đảo mang theo lương thực, thực phẩm. Loại tàu này dễ
dàng cập cảng Lý Sơn, nhưng năm nay, bão số 9 đã đánh gãy toàn bộ phần
chữ T, sắt từ thân cầu cảng chìa ra như những con dao nên không một tàu
nào dám cập cảng.
Sáng ngày 21.11, một số cán bộ trong Quảng
Ngãi đi công tác tại Lý Sơn bị mắc kẹt gần một tuần qua đã “liều mình”
vào đất liền bằng tàu cá. Họ chấp nhận chuyến đi không an toàn để trở
về đất liền vì không khí lạnh đang tăng cường liên tục khiến gió mùa
đông bắc càng mạnh thêm. Đó cũng là chuyến tàu cá cuối cùng “xăm mình”
vượt biển trong điều kiện thời tiết cực xấu như vậy.
Hệ lụy từ việc phong toả
Ông
Võ Xuân Huyện - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - nói: “Cũng may là nhờ một
vài tàu cá đánh bắt xa bờ, trên đường về liên lạc được với người thân ở
đảo nên họ ghé ngang để đón khách, nhưng tàu ở xa bờ đảo cả cây số vì
cầu cảng đã hư hỏng nặng, phải “tăng bo” bằng thuyền thúng. Đi như thế
rất nguy hiểm, nên chúng tôi đã cấm hoàn toàn rồi”. Tàu khách không ra
được đảo, tàu cá cũng bị cấm nên hai vạn dân Lý Sơn đang đứng trước
nguy cơ thiếu lương thực và các loại nhu yếu phẩm khác nếu gió mùa đông
bắc tiếp tục phong toả.
Cũng theo ông Huyện, trong thời gian
nắng ấm sau bão, nhiều tổ chức và cá nhân đã mang hàng chục tấn gạo ra
đảo, huyện cũng dự trữ một ít lương thực, nên mới cầm cự được trong 10
ngày qua. Cái khó nhất hiện nay không chỉ là sẽ thiếu lương thực mà
trên 30 ngôi nhà bị sập do bão số 9 đang xây dở dang, mà thiếu cát từ
đất liền mang ra nên không biết đến bao giờ mới xây xong. Giá cát xây
dựng đã vọt lên 300.000đ/khối, nhưng vẫn không có để mua. Nhiều gia
đình trong số này con cái đông nên rất phiền hà cho hàng xóm trong gần
2 tháng ăn nhờ ở đậu.
Đã 10 ngày nay, trên đảo chỉ có gió khan,
chứ không mưa nên số cát rải lên bề mặt ruộng tỏi bị bay sạch. Biển
động mạnh nên dân hút cát không dám cho tàu ra xa, vì vậy, vụ tỏi này
chắc chắn là thất bát. Lý Sơn còn một hòn đảo nữa - đảo Bé - tức xã An
Bình với 100 hộ dân, cách đảo Lớn 5km.
Mọi sinh hoạt của người
dân, kể cả nước ngọt, đều dựa vào đảo Lớn, nhưng tàu không cập được đảo
Lớn nên 100 hộ dân An Bình càng “bất an” hơn. Huyện Lý Sơn đã cho làm
cầu cảng tạm bằng cây dương, nhưng gió lớn mấy ngày qua đã đánh sập,
khiến khả năng tàu ra đảo càng xa vời thêm.
Chủ tịch UBND huyện
Lý Sơn cho biết: Tỉnh Quảng Ngãi giao cho Lý Sơn phải khắc phục xong
cầu cảng trước ngày 1.1.2010, nhưng hiện nay trong tay không có đồng
bạc nào, chưa biết lấy gì để khắc phục đây!
Khả năng sẽ phải dùng cả máy bay trực thăng để cứu trợ cho dân Lý Sơn trong những ngày tới như cách đây 4 năm là rất lớn.
Theo báo Lao Động.