“Hành trình tìm kiếm sách và tư liệu quý hiếm về Thăng Long- Hà Nội”
Như ông Nguyễn Khắc Oánh, Tổng giám đốc NXB HN đã nói: Trong những năm qua, đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực xuất bản, NXB HN đã khẳng định được uy tín của mình trong các lĩnh vực xuất bản, cho ra mắt nhiều tác phẩm có chất lượng, hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu khoa học mang tính thiết thực. Đặt biệt, khi thành phố chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, NXB đã giao làm chủ đầu tư những dự án tầm cỡ trong làng xuất bản như sưu tầm, biên soạn, xuất bản “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” với dự kiến 100 đầu sách trên các lĩnh vực: lịch sử, địa lý, văn hóa – xã hội, văn học nghệ thuật... Dự án tủ sách là một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền, giới thiệu các giá trị văn hiến Thăng Long với nhân dân trong và ngoài nước. Một trong các hạng mục chính của dự án là tổ chức điều tra, sưu tầm tư liệu trong và ngoài nước về văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Trên cơ sở kết quả điều tra, sưu tầm sẽ hệ thống hoá toàn diện nguồn tư liệu, phân loại, xây dựng thư mục đề yếu, các tuyển tập tư liệu, tuyển tập công trình nghiên cứu và xây dựng ngân hàng dữ liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Thực tế cho thấy, ngoài các tư liệu được lưu trữ tại các thư viện, các cơ quan lưu trữ, một số lượng không nhỏ những tư liệu có giá trị về văn hiến Thăng Long - Hà Nội lại thuộc quyền sở hữu của các tổ chức và cá nhân dưới nhiều hình thức. Đây là một nguồn tài liệu quý, có giá trị lớn nhưng chưa được biết đến. Đó cũng là ký do NXB HN tổ chức cuộc vận động “Hành trình tìm kiếm sách và tư liệu quý hiếm về Thăng Long - Hà Nội” (HTTK). Việc làm này nhằm giới thiệu một địa chỉ tin cậy cho những người có tâm huyết, nhiệt tình đóng góp xây dựng kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long. Cuộc vận động được khởi sự vào tháng 10/2007 dưới sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và được tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo độc giả trong toàn quốc. Ngay sau đó, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sưu tầm đang lưu giữ nhiều tư liệu có giá trị đã nhiệt tình hưởng ứng, bản thân NXB cũng tổ chức khảo sát tại một số tỉnh thành (Hải Dương, Thanh Hoá…) để tiếp cận với các nguồn tư liệu được lưu giữ trong nhân dân.
Theo ông Nguyễn Khắc Oánh, đến nay, ban Tổ chức đã thu thập được 412 tập tư liệu, một khối lượng tư liệu đáng kể có giá trị từ các tổ chức, cá nhân tham gia. Trong đó đáng chú ý là những tưliệunhư: Các thông tin cơ bản về một số sách quý về Thăng Long - Hà Nội xuất bản trong và ngoài nước cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX hiện lưu trữ tại thư viện tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. (Thông tin và hồ sơ tóm tắt của 75 cuốn sách về Thăng Long - Hà Nội); tư liệu về phong trào Đông Kinh nghĩa thục được sưu tầm tại Nhật, Pháp và các thư viện gia đình ở Việt Nam; các báo, tạp chí xuất bản nửa đầu thế kỷ XX như Tri Tân, Thanh Nghị, Ích Hữu; các sách quý xuất bản bằng tiếng Pháp đầu thế kỷ XX như “Đông Dương qua các văn liệu”, “Sự phục vụ của người Pháp ở Đông Dương 1941 – 1945”, “Những hiểm hoạ trên đất nước Việt Nam”; bản gốc tập bài thi hội, trường Đệ Nhất, Đệ Nhị (khoa 1890) của Đoàn Triển - cử nhân khoa Đồng Khánh nguyên niên Bính Tuất (1886), có dấu “Hội thi chi ấn”, kèm cả phách đã được dọc; bộ Đạo giáo Cát Tiếu (10 tập), sách cổ về tín ngưỡng dân gian (bìa bằng da hươu, vỏ cây), các sách bàn về đạo giáo (30 cuốn)…
Ban tổ chức cũng cho biết thêm, các nguồn tư liệu về văn hiến Thăng Long ở nước ngoài cũng đã sưu tầm được một số như khoảng 9000 trang tư liệu của Anh và Hà Lan về Thăng Long thế kỉ XVII. Khối tư liệu đồ sộ này là của công ty Đông Ấn Hà Lan và công ty Đông Ấn Anh viết về Đàng Ngoài thời kỳ họ lưu trú và buôn bán tại Kẻ Chợ trong gần như toàn bộ thế kỷ XVII. Nội dung thực chất của các tư liệu này là về kinh đô Thăng Long, bởi các hoạt động lưu trú của thương điếm, hoạt động mua bán hàng hoá, đối ngoại … đều diễn ra ở Thăng Long. Nội dung tư liệu phản ánh khá đầy đủ các mặt về chính trị, văn hoá - xã hội, kinh tế, các hoạt động văn hoá, lối sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán của đời sống đô thị Thăng Long thế kỉ XVII.
Có rất nhiều sự kiện quan trọng được mô tả mà trong các bộ chính sử Việt Nam hoàn toàn không ghi chép nên tư liệu về Việt Nam trong các bộ sử “Minh thực lục” và “Thanh thực lục” của Trung Quốc rất có giá trị. Hiện nay, việc khảo sát, điều tra, sưu tầm và khai thác các tư liệu có giá trị về Thăng Long - Hà Nội được lưu giữ tại các nước châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, một quốc gia có liên quan nhiều với Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, chưa lớn. Để bổ sung cho nguồn tư liệu còn trống vắng này, NXB đã triển khai việc tổ chức tìm kiếm, dịch các tư liệu liên quan đến Việt Nam. Đây cũng sẽ là nguồn tư liệu bổ sung cho công tác nghiên cứu khi mà các bộ sử nước ta không ghi chép.
Theo báo Kinh Tế Đô Thị.
?xml:namespace>