Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 24/11/2009 01:57
Nhà xuất bản Hà Nội kỷ niệm 30 năm ngày thành lập:
Ngày 24-11-2009, NXB Hà Nội (tiền thân là NXB Thăng Long) bước vào tuổi 30 đầy sung sức. Ngoảnh lại phía sau là chặng đường hơn 10 ngàn ngày cống hiến cho những ấn phẩm mang thương hiệu "xuất bản Hà Nội"; để lại nhiều thành quả và cả những bài học trưởng thành. Đứng trước ngưỡng cửa của Thủ đô nghìn tuổi lại là trách nhiệm lớn lao trong việc mang đến những công trình có dấu ấn, xứng tầm quốc gia và quốc tế.

Các biên tập viên làm việc tại Nhà xuất bản Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy

Dấu ấn biên tập viên Hà Nội

Biên tập viên là sinh lực của bất kỳ NXB nào. Không phải ngẫu nhiên mà lịch sử 30 năm của NXB Hà Nội đã ghi dấu nhiều câu chuyện đáng quý, mối chân tình giữa nhiều CTV tên tuổi với BTV.

 

Cụ Nguyễn Tuân không phải dễ dàng mà cho ra "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" từ đây, hơn thế, còn cho BTV Hà Ân "chữa" chữ này chữ nọ. Được thế là bởi đã có sự tin tưởng hình thành từ chữ "trọng" giữa BTV với nhà văn nổi tiếng kỹ tính. Cuốn "Phố phường Hà Nội xưa" khi đang chuẩn bị "ra lò" thì tác giả - cụ Hoàng Đạo Thúy - vào "108".

 

Nhà thơ Vũ Cao, Giám đốc NXB Hà Nội thời ấy cùng BTV Hà Ân sửa soạn tiền tạm ứng lên thăm ngay với tấm lòng và suy nghĩ thực trong sáng, tình cảm, rằng "người bệnh được tin sách in là có thể khỏi bệnh". Rồi chuyện bản thảo "dã chiến" của nhà văn, nhà báo Phan Cung Việt gửi các "bà đỡ" của NXB Hà Nội, chẳng những không bị mất qua sơ tán, đạn bom mà còn được "hồi âm" tận tình, khiến tác giả nhớ mãi. Có thể kể đến nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu quen thuộc của Hà Nội khác đã gửi gắm đứa con tinh thần của mình ở địa chỉ "số 4 Tống Duy Tân" ấy, như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Vinh Phúc, Giang Quân, Nguyễn Quang Thân, Chu Lai, Ngô Văn Phú… với nhiều câu chuyện đáng nhớ về BTV.

 

Thời nay, nhiều cuốn sách ra lò với sự dễ dãi đáng sợ của người biên tập, người ta bỗng nhận ra khi một ấn phẩm thiếu cái tình giữa BTV và tác giả thì chắc chắn nó đang dần thiếu chuyên nghiệp và mất đi chất văn hóa, đặc biệt là "chất Hà Nội". Vì vậy, dấu ấn BTV Hà Nội là vốn quý của NXB Hà Nội, là động lực phát triển của một NXB mang tên Thủ đô.

 

* NXB Hà Nội thành lập ngày 24-11-1979, nhà thơ Vũ Cao làm Giám đốc.

* Cuộc thi sáng tác đề tài về Hà Nội (1992-1993) tạo bước đột phá cho NXB Hà Nội, gây dấu ấn tốt với CTV. Các cây bút như Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Hảo… được khẳng định qua cuộc thi này đều đã trở thành những tác giả có dấu ấn của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới.

* Năm 2000: được Bộ VH-TT tặng cờ thi đua là NXB địa phương xuất sắc nhất.

* Năm 2004: được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

* Năm 2009: được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Từ "Ngựa Gióng" đến "Thăng Long ngàn năm văn hiến"

Tủ sách "Ngựa Gióng" ra đời trong những năm tháng mới thành lập NXB Hà Nội (1979-1984), cho đến nay vẫn là câu chuyện về sự nỗ lực cũng như hạn chế một thời của tư tưởng xuất bản thời bao cấp. Cố gắng chở theo những bài học giáo dục, và vô hình trung xem nhẹ về hình thức cũng như cách tiếp cận đối tượng. Nó cũng nhắc lại những thời kỳ nối tiếp khó khăn chồng chất của đơn vị này khi hệ thống phát hành gần như tê liệt; bão giá lương - tiền năm 1985, sách và văn hóa phẩm tồn kho cả chục tấn… Trong khi đó không phải một chốc mà có ngay nếp nghĩ mới, cách làm mới.

 

Từ trong khó khăn, NXB Hà Nội đã đoàn kết, lựa chọn từng bước đi thích hợp: tìm kiếm bản thảo chất lượng, phát triển CTV, đẩy mạnh quan hệ với hệ thống phát hành… Có nỗ lực là có đền đáp. Đầu những năm 1990, trong bối cảnh bùng nổ hoạt động xuất bản, NXB Hà Nội đã "đứng" được với nhiều loại sách, trong đó có những cuốn sách tiêu biểu như "Thủ đô Hà Nội - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp".

 

Càng tiến tới cuối những năm 2000, Thủ đô càng rộn ràng chuẩn bị cho sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm 2006 NXB Hà Nội đã đảm nhận dự án "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" với vô vàn thử thách vì "chưa hề có tiền lệ". Sân "số 4 Tống Duy Tân" thêm một lần là điểm thu hút hầu hết các chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, văn học nghệ thuật… làm sách vì Thủ đô. Cả trăm đề tài đã được các nhà nghiên cứu, chuyên gia nỗ lực tìm tòi thực hiện, được Hội đồng Tư vấn khoa học do Giáo sư Vũ Khiêu làm Chủ tịch phản biện, sàng lọc kỹ càng.

 

Tham dự một buổi hội thảo khoa học đề tài "Người đứng đầu Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ" do GS Phan Huy Lê chủ trì, mới thấy độ nóng bỏng, sự chia sẻ hết lòng giữa tác giả và hội đồng vì những công trình sẽ còn để lại cho Thủ đô ngàn năm sau. Đến nay tủ sách đã thực hiện được nhiều hạng mục quan trọng: triển khai trên 90 đề tài sách in, 5 đầu sách điện tử; điều tra, sưu tầm hàng chục ngàn trang tư liệu Thăng Long - Hà Nội cả trong và ngoài nước…

 

Từ Tủ sách "Ngựa Gióng" đến Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" là một chặng đường dài phát triển của NXB Hà Nội. Với phương châm hoạt động như nhà văn Nguyễn Quang Thân từng nhắn nhủ: "Tỉnh táo mà không cứng nhắc, say sưa mà không sa đà, can đảm mà không gây khó cho ai", bạn đọc đang hết sức hy vọng vào sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa, có dấu ấn hơn nữa một NXB mang tên Thủ đô nghìn năm tuổi.
 
                                                                                                          (Theo Hanoimoi.com.vn)

 

 

 

 

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)