Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 28/11/2009 08:37
Thị trường cuối năm: Đã nhấp nhổm tăng giá
Còn gần 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Canh Dần, song nhiều mặt hàng trên thị trường đã tăng giá. Thống kê mới nhất cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng 0,55% so với tháng trước.


Khách hàng lựa chọn thực phẩm tại siêu thị FiviMart Lý Thái Tổ_Ảnh: Linh Tâm

Đây là mức tăng khá cao so với những tháng đầu năm. Theo thông lệ, vào dịp cuối năm, khi sức mua trên thị trường tăng cao, sẽ xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Song, các chuyên gia kinh tế nhận định, diễn biến giá thị trường cuối năm 2009 sẽ có nhiều bất ngờ, khó dự đoán.

Nhiều mặt hàng đã tăng giá

Theo Tổng cục Thống kê, CPItháng 11-2009 đã tăng 0,55% so với tháng 10; bình quân 11 tháng đầu năm, CPI tăng 6,91%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng tới 0,87% (do lương thực tăng giá 2,22% và thực phẩm tăng 0,62%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,75%; nhóm giao thông tăng 0,42%... Đặc biệt, trong tháng 11, giá vàng tăng 10,08% so với tháng 10, đưa chỉ số giá vàng 11 tháng qua tăng 48,72%.

Nhận xét về tình hình tăng giá trong những tháng đầu năm, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, nguyên nhân tăng giá là do tác động của nhiều yếu tố. Trước tiên phải kể đến việc gói kích cầu tiêu dùng của Chính phủ đã tác động tích cực đến thị trường hàng hóa và dịch vụ, đẩy mạnh sức mua và tiêu dùng toàn xã hội, khiến giá cả tăng trở lại. Thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt 958.274 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Một nguyên nhân quan trọng khiến CPI tháng 11 tăng cao so với những tháng đầu năm là do giá xăng, dầu trong tháng tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh, gây ảnh hưởng dây chuyền, khiến nhiều mặt hàng tăng giá. Bên cạnh đó, những đợt bão lũ liên tiếp xảy ra cũng là nguyên nhân khiến sản lượng một số loại lương thực, thực phẩm tươi sống giảm, gây tác động tăng giá. Giá vật liệu xây dựng và cơn sốt nhà ở, đất ở tại các thành phố lớn cũng tạo lực đẩy, khiến CPI tháng 11 tăng mạnh.

Ngoài các nguyên nhân kể trên, giá thị trường có lý do khách quan để điều chỉnh tăng do sắp đến lễ Noel, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Theo thông lệ, nhu cầu tiêu dùng trong dịp này thường tăng cao khiến hàng hóa nhích giá. Trên thị trường, một số mặt hàng phục vụ Tết đã rục rịch tăng giá. Cụ thể, giá bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống đã tăng 5-10%; quần áo, giày dép tăng 1.000-5.000 đ/sản phẩm; đồ gia dụng tăng 5.000-10.000 đ/sản phẩm... Ngoài ra, do tác động của phục hồi kinh tế, giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới có xu hướng tăng trở lại, kéo giá hàng hóa nhập khẩu lên cao. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến diễn biến giá cả trong nước, nhất là các mặt hàng tiêu dùng phục vụ dịp lễ, tết cuối năm.

Liệu có "sốt" giá?

Nhận xét về diễn biến tăng CPI từ đầu năm đến nay, TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện nay kinh tế thế giới đã bắt đầu thoát khỏi suy thoái, giúp phục hồi nhu cầu tiêu thụ. Những biến động bất thường của đồng USD cũng đang khuyến khích hoạt động đầu tư vào thị trường hàng hóa tăng mạnh. Đây là những nguyên nhân khiến giá nhiều mặt hàng tiếp tục điều chỉnh tăng. Thời điểm cuối năm cũng là mùa đông, vì vậy giá các loại chất đốt như dầu, gas thường tăng cao. Riêng các loại nguyên liệu cơ bản, giá sẽ tăng bám sát đà phục hồi của kinh tế thế giới. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng giá nguyên liệu và các loại hàng hóa từ nay đến cuối năm là bình thường, song sẽ khó xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Riêng thời điểm giáp Tết Nguyên đán, theo quy luật thị trường thường dễ xảy ra những biến động bất thường, nên rất khó dự đoán.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, CPI sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 12 bởi nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân do sức mua của người dân đang có xu hướng tăng mạnh ở cả cấp độ gia đình và toàn xã hội. Dự báo, từ nay đến cuối năm, giá lương thực, thực phẩm có thể tiếp tục tăng cao do hậu quả bão lũ. Một số mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu cũng có thể lên cao do giá USD trên thị trường tăng mạnh. Thêm vào đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương cũng sẽ khiến nguồn cung thực phẩm chịu sức ép vào tháng cao điểm mua sắm cuối năm. Song, tốc độ tăng giá cả năm 2009 được các chuyên gia dự tính ở mức 7-8% và khó có thể vượt qua ngưỡng này, vì Chính phủ thực hiện các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp kết hợp với việc các ngành cùng tham gia cân đối cung - cầu hàng hóa. Đây là những yếu tố góp phần giữ ổn định giá thị trường trong những tháng cuối năm.



(Theo Hanoimoi.com.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)