Kiệt quệ tài nguyên nước ngầm
Theo
Sở TN-MT, hiện nay có khoảng một phần ba dân số thành phố phải sử dụng
nước ngầm vào mục đích sinh hoạt và sản xuất. Tính đến đầu năm nay,
người ta ước tính thành phố có khoảng 200.000 giếng khoan các loại với
công suất khai thác trên 1 triệu mét khối/ngày.

Nhiều gia đình vẫn dùng nước giếng khoan trong sinh hoạt.
|
Đa
phần các giếng khoan đều khai thác không phép. Kết quả phân tích mẫu
nước tại 11 vị trí quan trắc nước ngầm từ đầu năm đến nay của Sở TN-MT
thành phố cho thấy, có 8 điểm không đạt tiêu chuẩn nước uống do ô nhiễm
hữu cơ, nhiễm mặn. Trong số đó có 3 giếng không đạt tiêu chuẩn chất
lượng nước ngầm. Theo nhận xét, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm đang gia
tăng cả về số lượng giếng và mức độ ảnh hưởng. Nguyên nhân của tình
trạng này là lượng nước ngầm bị khai thác ngày càng tăng; đặc biệt là
nước ở tầng ngầm thứ hai đã có biểu hiện suy giảm đáng ngại. Tại nhiều
vị trí khảo sát ghi nhận hàm lượng nitơ ở mức rất cao, nhất là ở các
quận 9, 10, 11, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Bình, Bình Tân, Bình Phú… Mức
độ ô nhiễm tập trung nhiều hơn ở ngoại thành. Hầu hết nước tại tầng
ngầm đã bị ô nhiễm vi sinh! Nước ngầm lấy từ các giếng khoan gần kênh
rạch ô nhiễm, gần khu công nghiệp thì mức độ nhiễm bẩn càng cao hơn.
Qua theo dõi, khu vực các xã Hiệp Phước, Phước Kiển, Long Thới (huyện
Nhà Bè) và xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) nước ngầm được xác định
nhiễm vi sinh gây các bệnh về đường tiêu hóa.
Lý
giải về việc người dân phải khai thác nước ngầm nhiều như vậy, một cán
bộ môi trường nói: Tất cả là do hệ thống nước máy chưa phủ kín địa bàn,
nước sạch chưa đến với người dân. Hiện ngành cấp nước của TP chỉ có khả
năng cung cấp trên dưới 1,2 triệu mét khối nước sạch/ngày, trong khi
nhu cầu phải từ 1,7 triệu mét khối/ngày trở lên!
Đi tìm giải pháp
Cách
đây hơn 2 năm, nhận thức được nguy cơ của việc khai thác nước ngầm tùy
tiện trên địa bàn, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số
69/2007/QĐ-UBND về việc cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất. TP đã
"điểm danh" 29 phường ở 13 quận, huyện phải hạn chế khai thác nước
ngầm, và cũng phân công rõ trách nhiệm cho Sở TN-MT và UBND các quận,
huyện, phường, xã kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm... Thế nhưng
hiện nay việc khai thác nước ngầm trái phép vẫn diễn ra ngày
càng phức tạp. Nhìn tổng thể, văn bản về việc cấm và hạn chế người dân
khai thác nước ngầm chủ yếu là… vận động. Bởi cán bộ chuyên ngành của
sở và các quận, huyện có hạn nên không thể theo dõi xuể chứ chưa nói
đến xử lý vi phạm (!)
Trong
một cuộc hội thảo, GS-TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ
và quản lý môi trường, nhận định: Tình trạng sụt giảm, ô nhiễm nước
ngầm đã có dấu hiệu gần mười năm qua nhưng chưa nhận được sự quan tâm
đúng mức của các ngành chức năng. Lực lượng quản lý môi trường nói
chung, quản lý về nước ngầm nói riêng từ cấp TP đến địa phương đã yếu
mà còn xử lý không nghiêm minh. Trong khi đó, các đơn vị khai thác nước
ngầm quá mức phục vụ sản xuất lại đóng thuế tài nguyên nước quá ít. Đã
đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh mẽ hơn. Những khu vực nào đã bảo
đảm cung cấp nước máy thì kiên quyết cấm khai thác nước ngầm. GS-TS Lê
Huy Bá cho rằng đã đến lúc vấn đề bổ cập cho nước, xử lý ô nhiễm phải
được nhìn nhận và thực hiện một cách nghiêm túc. Nếu không, tới thời
điểm nào đó chẳng những nguồn tài nguyên này không còn để khai thác mà
còn kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm khác.
Nhiều
chuyên gia môi trường cho rằng, để TP Hồ Chí Minh hạn chế tình trạng ô
nhiễm nguồn nước, ngoài việc quản lý chặt hơn việc khai thác nước ngầm,
thì phải quan tâm đến chất lượng nước mặt. Chất lượng nước mặt ô nhiễm,
tất yếu nước ngầm cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc hạn chế tình trạng ô
nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm phải làm song song. Những khu vực bị
ô nhiễm nguồn nước mặt cục bộ phải có phương án xử lý tránh thẩm thấu
xuống nước ngầm. Một trong những giải pháp là xây dựng các hồ nước lớn
vừa phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, vừa bổ cập cho nguồn nước ngầm. Đây
là phương án khả thi và rất hiệu quả vì dòng chảy nước ngầm từ tây bắc
về hướng nam; huyện Củ Chi là khu vực đầu nguồn nên có thể xây dựng
những hồ chứa nước.
(Theo Ha Noi moi.com.vn)