'Phiên bản' hay hồ sơ một thanh tẩy?
Không phải sự vẫy gọi của một chủ đề, một đề tài mà có lẽ chủ yếu là một cảm hứng. Nguyễn Đình Tú không lập hồ sơ tội phạm bằng án tích mà chủ yếu bằng thương tích,
đau đáu trong tâm can những kẻ can dự vào con đường tội lỗi. Thương
tích, ấy mới là cảm hứng chính trong tiểu thuyết về đề tài tội phạm của
Nguyễn Đình Tú. Trong ý đồ này, anh muốn làm một cú double vào cái
viết. Thứ nhất, chạm vào cái thương tích riêng mình, phạm nhân sẽ phải
tự bộc lộ để xoa dịu nỗi đau. Thứ hai, chạm vào cái thương tích con
người, bạn đọc sẽ cảm thông với nỗi đau của nhân vật. Như vậy, từ
thương tích đến bộc lộ (của tội nhân) và cảm thông (của tha nhân), đó
là logic chiếm lĩnh phạm trù cái ác (và ở góc độ nào đó, là cái bi) của
Nguyễn Đình Tú. Không có một hồ sơ theo thiên hướng tội phạm học được
lĩnh hội từ các chuyên đề nghiên cứu chuyên ngành. Không có một hồ sơ
theo thiên hướng sự kiện - bình luận đáp ứng nhu cầu báo chí và truyền
thông. Tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú lập hồ sơ một thanh tẩy. Trong Phiên bản, catharsis là một nhu yếu của tội nhân, đồng thời, là một hiệu ứng ở người đọc.
Biểu tượng gợi sự thanh tẩy trong Phiên bản
là gì? Mở đầu tiểu thuyết, ngay từ trong tiềm thức, là trăng. Trăng với
tất cả biến thể của nó, mặt trăng tròn đầy, ánh vàng dịu nhẹ,… hối thúc
nhân vật phân thân, bộc lộ. Bởi cái bình yên bao trùm kia, ánh sáng yếu
ớt kia, ban đầu, dễ trở thành cái trêu giễu kẻ yêng hùng, nhưng khi nó
đã lan thấm vào tâm hồn, như cái lạnh lẽo đêm sương ngấm vào da thịt,
nó trở nên gần gũi, tạo sự sẻ chia, tin cậy. Nó đòi hỏi đối thoại, và
sau đó, là bộc bạch. Đến cuối tác phẩm, trăng gợi nhắc đến Nhân, trăng
là Nhân. Nhưng Nhân là ai? Sao lại có được phẩm tính để hòa đồng cùng
biểu tượng trăng? Và nữa, hòa chung vào biểu tượng ấy để làm gì?
Nhân là người bạn trai mà Diệu
đã yêu ngay từ thuở học sinh. Đến khi trở thành Hương “ga” nổi tiếng
giang hồ thành phố Ngã ba sông, anh công an tên Nhân vẫn luôn là hình
ảnh gắn bó với những giấc mơ hoàn lương. Diệu là nửa thanh sạch của
Hương “ga” ngày càng dấn sâu vào vũng bùn tội lỗi. Diệu là tình yêu mà
Nhân theo đuổi suốt bao năm trời. Nên ở một góc độ nào đó, Hương “ga”
khao khát có Nhân bao nhiêu thì cũng chính là khao khát được trở về là
Diệu bấy nhiêu. Nhân, vì thế, như nghĩa từ nguyên của nó, là người, tính người, tình người.
 |
Trang bìa cuốn sách. |
Trăng và Nhân, bồi đắp nghĩa
cho nhau, để trở nên đủ đầy. Chỉ có điều, Hương “ga” không “sở hữu”
được Nhân, cũng như thế, ánh trăng chỉ làm mờ nhòe được nỗi thống khổ
của cuộc đời chứ không hóa giải được nỗi thống khổ ấy. Vì thế, không có
tình người chung chung, cũng không có tội lỗi duy là tội lỗi. Cho
nên, bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có
sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì
mọi người đều đã phạm tội. Tiểu thuyết xác tín ở đấy, trong hy vọng
nhận ra sự “chung tay” của con người vào tội lỗi, vào cái ác. Và cũng
vì thế, nếu là một nguyên nhân, nó đòi hỏi người ta phải thấy được cảnh
đời đã đẩy người đời vào tội lỗi chứ không chỉ đơn thuần thấy riêng tội
lỗi; còn nếu là một thức nhận, thì nó vẫy gọi sự cảm thông với tội lỗi,
bằng cách để tội lỗi tố cáo tội lỗi của nó. Tất cả, tựu lại, để thanh
lọc tâm hồn con người.
Đâu là cách thức Nguyễn Đình Tú
để tội lỗi tố cáo tội lỗi của nó, qua đó, gọi một thanh lọc? Vẫn là một
cách thức lập hồ sơ. Trước kia, với Hồ sơ một tử tù,
Nguyễn Đình Tú đã tìm đến một “hồ sơ” khác với những lời cung khai, kết
luận điều tra, tội danh, hình phạt... về phạm nhân. Đó là những nguyên
nhân, những ẩn ức và bộ mặt người ẩn sâu dưới lốt của một tội phạm.
Không chú ý đi sâu xây dựng những tình huống, tình tiết giàu kịch tính,
những hình ảnh ly kỳ, gay cấn giống như những tác phẩm trinh thám hay
hồ sơ tội phạm thường thấy, ở cả Hồ sơ một tử tù và Phiên bản,
Nguyễn Đình Tú đã cố gắng đi vào thể hiện tâm trạng của nhân vật, thái
độ và xúc cảm của nhân vật trong cái nhìn hồi cố. Cái khác biệt ở hai
tiểu thuyết, và là nỗ lực đổi mới ngòi bút của Nguyễn Đình Tú, nằm
trong cấu trúc hồi cố ấy.
Ở thời điểm khi cái thiện đã được đánh thức, để cho nhân vật tự thú về hành động của mình, Hồ sơ một tử tù
cố gắng phác họa một diện mạo đầy đủ về khía cạnh giá trị nhân bản đã
có và sẽ còn tồn tại trong kẻ tử tù khi nó được đón nhận trong vòng tay
của cái thiện. Vẻ đẹp nhân bản của tác phẩm hiện diện trong niềm tin
vào khát vọng hướng thiện của con người, vào khả năng cứu rỗi của cái
thiện trước nguy cơ con người bị dồn đuổi vào cái xấu, cái ác.
Phiên bản có
một cấu trúc phức tạp hơn, gồm ba mảng hiện thực: lát cắt đối thoại với
trăng như một khoảnh khắc bừng ngộ; những tâm sự của Hương “ga” với
Nhân về cuộc đời của mình như những phiến đoạn tâm lý; và, bao bọc nó,
là câu chuyện của người kể chuyện, về cái cuộc sống lầm lụi nảy nở mầm
ác ở nơi đất ngã ba sông, như mạch tự sự xâu chuỗi các mảng hiện thực
thành chỉnh thể. Nhiều tình tiết, nhiều sự kiện, nhiều giọng nói, nhiều
hành động được nhào nặn và sắp xếp vào trong mô hình cấu trúc ấy. Tâm
lý và tính cách của nhân vật, vì thế, khi hiện lên sinh động trong các
sự kiện, khi tan rã trong các hồi tưởng... Nó cho thấy sự quẫn bách,
rối loạn trước cuộc đấu tranh giữa các thái cực đối lập của con người
bị đẩy vào vòng tội lỗi. Bởi thực tế, nếu tìm được một bấu víu, hay có
một bàn tay chìa ra chấp nhận một sự bấu víu, thì cái khối hỗn mang kia
sẽ không còn bấn loạn, tội nhân tìm được sự yên ả trong tâm hồn và tia
sáng dẫn dắt về với cuộc đời thường.
Nhưng cũng như cuộc đời, Phiên bản
không vạch ra cho người ta con đường sáng rõ để đi tới hạnh phúc. Bởi
trước hết, nói như Mark Twain, hạnh phúc chính là con đường, mỗi người
phải tự tìm lấy con đường hạnh phúc cho bản thân. Sau nữa, Phiên bản
không chủ đích vào việc lột hiện con đường đến hạnh phúc, đến sự thức
nhận tội lỗi và cải hối, dù cuối cùng, Hương “ga” cũng được trở về với
cô gái tên Diệu. Tiểu thuyết là một phản tỉnh nhận thức, bằng cách lột
hiện tất cả sự phi lí và trớ trêu của cuộc đời. Làm sao Nhân không chìa
tay ra cho Diệu dù chỉ một lần? Làm sao Diệu không yêu được Đinh? Làm
sao Tân đã từng bước đưa Hương “ga” lên nấc thang nữ hoàng quyền lực mà
không cùng đưa Diệu lên nấc thang nữ hoàng của lòng Tân? Làm sao Hương
“ga” chỉ yêu được Hưng “mã” và Tùng “hê rô”? Làm sao thằng Chín tháng
lại chỉ coi Hương “ga” như một đối tượng của công trình nghiên cứu tội
phạm học mà không nghiên cứu để đánh thức phần Diệu trong con người ấy?
Và nữa, vì sao bà Diệu không có một hành động quyết liệt nào kéo cháu
về với mình mà lại an phận tin rằng mảnh đất bám chân này chỉ toàn sinh
ra nghiệt tử?... Bởi chỉ cần một câu hỏi làm sao như thế không được đặt
ra, chắc không có con đường dẫn Diệu đến Hương “ga”!
Hóa ra, căn nguyên tội lỗi
nhiều khi chỉ là những điều đâu đâu, tội lỗi nhiều khi nảy sinh từ
những điều nhỏ nhặt, không vượt qua được nó thì tất yếu con người phải
trả giá. Phiên bản đặt ra cho người đọc nhiều tình
huống, nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi cần phải suy ngẫm. Nếu hiểu như vậy,
câu chuyện về sự thanh tẩy đã hết, nhưng có lẽ, hiệu ứng của sự thanh
tẩy sẽ vẫn được duy trì.
(Theo Evan.vnexpress.net)