Hầu hết các khu chung cư đều có văn phòng từ căn hộ (ảnh minh họa).
Việc cấm căn hộ chung cư làm văn phòng đã trở thành tâm điểm chú ý
trong những ngày qua, thậm chí đã và đang có những biến động không nhỏ
tới thị trường BĐS. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Nguyễn Trần Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới.
Biến chung cư làm văn phòng là trái luật
Đã có ý kiến cho rằng, không thể cấm chủ sở hữu sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng, thứ trưởng giải thích như thế nào?
Tại khoản 1, điều 70 của Luật Nhà ở 2005 quy định: “Nhà chung cư là
nhà ở có từ 2 tầng trở lên”. Do vậy, các căn hộ chung cư chỉ sử dụng để
ở không sử dụng vào mục đích khác. Luật kinh doanh BĐS cũng quy định
nghĩa vụ bên mua nhà là “sử dụng nhà, công trình xây dựng đúng công
năng thiết kế”.
Bên cạnh đó, Luật Xây dựng nói rõ “nội dung thiết kế xây dựng công
trình phải phù hợp, thỏa mãn với yêu cầu về chức năng sử dụng”. Điều
đáng nói là nhà chung cư được thiết kế theo mục đích sử dụng với các
tiêu chuẩn về tải trọng, cấp điện, thang máy, nơi thoát nạn, phòng
cháy, chữa cháy… phù hợp với nhà ở. Nếu sử dụng sai mục đích sẽ không
đảm bảo các điều kiện an toàn.
Tuy nhiên, trong luật dân sự quy
định chủ sở hữu có quyền được định đoạt tài sản của mình như: kinh
doanh, mua, bán, chuyển nhượng... và căn hộ chung cư cũng là một tài
sản của họ?
Việc cho thuê, mua, kinh doanh… đều phải được sử dụng đúng quy định
trong các luật chuyên ngành về BĐS. Cần lưu ý rằng, quyền sở hữu đối
với BĐS không được như các tài sản khác bởi BĐS gắn liền với đất, mà
đất thuộc sở hữu toàn dân.
Đối với đất đai, nhà nước có quyền quy hoạch, có thể cho chỗ này xây
văn phòng, chỗ kia làm nhà ở… Vì vậy, quyền sở hữu trong BĐS của người
dân có hạn chế hơn.
Công ty quy mô gia đình được xem xét
Nhưng trên thực tế đang rất phổ
biến tình trạng căn hộ chung cư được dùng làm văn phòng. Nếu bây giờ
cấm e rằng sẽ gây khó khăn cho nhiều người…?
|
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam. |
Một
mặt nào đó, việc sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng, nhà xưởng, nhà
trẻ… là nhu cầu có thật của một số hộ gia đình. Mặt khác một số người
đã mua căn hộ chung cư để tích lũy tài sản và trong khi chưa dùng đến
thì làm kinh doanh như cho thuê.
Nếu người thuê sử dụng làm nhà ở thì được nhưng nếu làm văn phòng,
nhà trẻ thì sẽ gây ra nhiều bất cập. Một căn hộ 100m2 chỉ có vài người
ở nhưng có thể lên tới hàng chục người nếu dùng làm công ty, gây áp lực
về hạ tầng như điện, nước, thang máy, đỗ xe… Nếu sử dụng căn hộ làm nhà
trẻ thì việc thoát hiểm khi có sự cố là rất đáng lo!
Đối với việc sử dụng căn hộ làm
văn phòng, công ty có quy mô “gia đình” thì không hẳn đã ảnh hưởng tới
những cư dân sống xung quanh?
Mặc dù luật pháp không cho phép (như đã phân tích), nhưng các địa
phương có thể căn cứ vào điều kiện thực tiễn cho phép mở các công ty
quy mô “gia đình” trong chung cư.
Như vậy thì hiện nay cũng rất khó để xác định được chỗ nào được dùng căn hộ chung cư làm văn phòng, chỗ nào không?
Văn bản của Bộ Xây dựng gửi 6 tỉnh, thành có ý để các địa phương có
lộ trình, từ kiểm tra, rà soát tới chấn chỉnh, lên phương án cụ thể chứ
cũng không đưa ra cấm ngay hay ra một thời hạn cụ thể nào. Cũng có thể
là sau 6 tháng hay 1 năm, tùy theo mức độ điều tra của từng địa phương
về thực trạng trên địa bàn.
Những nơi đã “trót” làm nhiều văn phòng trong nhà chung cư để ở thì liệu có được thay đổi công năng không, thưa thứ trưởng?
Việc điều chỉnh công năng sử dụng là do địa phương quyết định.
Thứ trưởng đánh giá thế nào những tác động của thị trường căn hộ nếu việc cấm sử dụng văn phòng chung cư được làm nghiêm?
Nhìn ở góc độ xã hội, việc các chủ sở hữu nhà tự ý chuyển mục đích
sử dụng chứng tỏ họ không có nhu cầu thực tế về nhà ở mà chỉ là đầu cơ
vào BĐS khiến cho thị trường không phản ánh đúng quy luật cung cầu làm
cho giá căn hộ chung cư không thể xuống được.
Đây chính là vấn đề mà các cơ quan quản lý luôn phải cân nhắc để làm
sao đáp ứng được phần lớn số đông nhưng có thể ảnh hưởng tới một bộ
phận nào đó như những người có căn hộ để kinh doanh, những người có nhu
cầu thuê văn phòng…
Xin cám ơn ông!