Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 02/12/2009 09:22
Diễn đàn “Phục hồi kinh tế Việt Nam”: Cải cách mọi cấp độ
Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam với chủ đề "Phục hồi kinh tế Việt Nam" đã diễn ra ngày 1-12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chủ tọa: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa và Giám đốc Tổ chức Tài chính quốc tế Simon Andrews.
 


Lắp ráp ô tô tại Công ty ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) Ảnh: Huy Hùng


Ngoài ra, còn có sự tham gia của đại diện nhiều tổ chức quốc tế, các hiệp hội, DN trong, ngoài nước. Diễn đàn diễn ra trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam trong bối cảnh cần có sự thắt chặt mối quan hệ giữa Chính phủ, các bộ, cơ quan chức năng và DN để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

 

Những hiệu ứng tích cực

 

Diễn đàn là sự kiện thường niên, nhằm điểm lại tình hình kinh tế, với trọng tâm là hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN, đánh giá về môi trường kinh doanh, nhận xét của các tổ chức, DN trong và ngoài nước về triển vọng phát triển. Kết quả của cuộc điều tra về môi trường kinh doanh Việt Nam do Ban Thư ký thực hiện vào tháng 9-2009 để cung cấp "đầu vào" cho  các cơ quan, đối tượng quan tâm đánh giá. Phần trả lời của gần 300 DN (gồm cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài) cho thấy, phần lớn các DN đều trả lời đầy đủ các câu hỏi và đưa ra những đánh giá đáng tin cậy. Cụ thể, mức điểm bình quân mà cộng đồng DN đánh giá về môi trường kinh doanh năm 2009 là 2,21/4 điểm, cao hơn so với mức của năm trước là 1,9/4 điểm. Đây là một kết quả đáng ghi nhận khi cuộc điều tra diễn ra trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây áp lực liên tục và để lại hậu quả không nhỏ với nền kinh tế Việt Nam. Hơn thế, những đánh giá ở mức độ thấp nhất về môi trường kinh doanh từ phía DN cũng giảm nhiều, từ 30% năm 2008 xuống còn 14,63%, cho thấy sự nỗ lực và hiệu ứng tích cực từ chính sách, hoạt động điều hành của Chính phủ. Một nét đáng quan tâm nữa là các DN trong nước tỏ ra lạc quan hơn với mức cho điểm trung bình là 2,29/4 (trong khi DN có vốn nước ngoài cho điểm là 2,01/4). Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trực tiếp đánh giá khá cao về tác động tích cực, kịp thời từ gói kích cầu của Chính phủ, khiến DN sớm ổn định và có cơ hội hồi phục lại sản xuất, tìm đơn hàng mới phát triển kinh doanh.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WB nhất trí rằng, các DN đang tin tưởng, kỳ vọng rất nhiều vào môi trường kinh doanh cũng như kết quả kinh doanh của họ trong những năm tới, đồng thời họ sẵn sàng cho điểm cao hơn đối với cuộc điều tra sẽ diễn ra trong năm 2010. Đại diện nhiều tổ chức kinh tế quốc tế cũng nhận định, thực tế trên cho thấy rõ một kỳ vọng lớn, một niềm tin của phần lớn DN vào khả năng phục hồi, phát triển nhanh, bền vững hơn của nền kinh tế ngay từ năm 2010 và những năm tiếp theo.

 

Trở lực từ đâu

 

Diễn đàn DN Việt Nam lần này cũng là dịp để các ngành chức năng, nhất là tổ chức kinh tế quốc tế và giới DN, chỉ rõ những tồn tại cần được quan tâm, giải quyết. Đó là tình trạng yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng - trở ngại lớn nhất, ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động của các DN. Trong đó hơn 80% DN đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng yếu kém, đã gây nhiều tổn thất về kinh tế cho DN. Một số đơn vị cũng tỏ ra quan ngại về việc chậm cải thiện tình hình thực thi pháp luật liên quan đến kinh tế, giải quyết quan hệ hoặc tranh chấp kinh tế... Những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, nạn sản xuất và tiêu thụ  hàng giả, hàng nhái cũng đe dọa, gây tâm lý chán nản cho các DN chân chính. Một số nhà đầu tư còn e ngại về hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính, các dịch vụ hành chính công... DN cũng gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn ngoại tệ, khiến DN mất nhiều công sức để có ngoại tệ theo nhu cầu, dẫn đến tăng chi phí sản phẩm.

 

Các DN đã đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ, như đẩy mạnh cải cách hành chính, bãi bỏ giấy phép, thủ tục không cần thiết, cải thiện và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, ngăn chặn tham nhũng, ban hành các văn bản đồng bộ và tuân thủ các thông lệ quốc tế… Một số DN nhấn mạnh tầm quan trọng và kiến nghị Nhà nước cần tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống cảng biển, nhất là xây dựng cảng nước sâu kết hợp với xây mới và hiện đại hóa sân bay tại các vùng kinh tế trọng điểm.

 

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh, thế giới đã thừa nhận Việt Nam thành công trong điều hành kinh tế, nhất là trong việc áp dụng gói kích cầu, kích thích tiêu dùng và bảo đảm an sinh xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt mức 5,2% và là mức khá cao so với tình hình chung của thế giới. Chính phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng mạnh hơn trong năm sau, huy động và sử dụng kịp thời, có hiệu quả các nguồn lực, với nhiều giải pháp phù hợp. Các cơ quan quản lý nhà nước rất cần DN tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị trên tinh thần thẳng thắn, chia sẻ và xây dựng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát các quy định, kiến nghị bổ sung hoặc sửa đổi những văn bản pháp lý phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của DN.

 

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB cho biết, các nhà đầu tư và DN tin tưởng vào khả năng tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam, nhưng để đạt mục tiêu đó lại càng cần có sự cải cách mạnh mẽ trên mọi cấp độ. Vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế trong những năm tới là nhận biết, tận dụng mọi cơ hội để tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi; chủ động "gọi" đầu tư quốc tế, tăng cường uy tín trong đời sống thương mại toàn cầu và hướng tới sự phát triển nhanh, bền vững.

 

Theo báo Hà Nội Mới
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)