Tìm tiêu chí tôn vinh danh nhân văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Hơn
20 tham luận đã được trình bày, tập trung làm rõ một số vấn đề tưởng
như đã được giải quyết từ lâu nhưng đến nay vẫn còn gây tranh luận.
Chẳng hạn, người như thế nào thì được tôn vinh là "danh nhân''? Hà Nội
nên tôn vinh danh nhân theo hình thức, quy trình nào cho hợp lý?...
Theo
GS, Anh hùng lao động Vũ Khiêu, việc tôn vinh danh nhân nên căn cứ vào
4 tiêu chí: đạo đức, trí tuệ, có công với nước, với Đảng và được nhiều
người mến mộ. Từ quan điểm đó, GS cho rằng nên xuất phát từ lòng biết
ơn và ngưỡng mộ để tôn vinh một danh nhân và trước ngưỡng cửa 1000 năm
Thăng Long - Hà Nội thì Thủ đô nên tôn vinh danh nhân trên tinh thần
ấy. Cùng quan điểm đó, GS, Viện sĩ Hồ Sỹ Vịnh nhấn mạnh: Vận dụng danh
hiệu danh nhân văn hóa Hà Nội để đặt tên cho
các thiết chế văn hóa phải "đồng cấp", tránh tình trạng danh nhân văn
hóa cấp quốc gia lại được chọn để đặt tên cho một con phố hẹp, một
trường học chưa có thành tựu xuất sắc.
Đồng
tình với quan điểm danh nhân phải là những người tỏa sáng tự thân, được
"nhào nặn" qua lịch sử và được công chúng đương thời, hậu thời của nhân
vật được tôn vinh ngưỡng mộ, song PGS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn
hóa) cho rằng, không nên lấy tên danh nhân đặt cho các đường phố, công
trình công cộng. Theo ông, Hà Nội trước đây đã căn cứ vào đặc điểm nổi
bật nhất của một địa danh để đặt tên, như phố Hàng Bạc, Hàng Bột, Thuốc
Bắc.. đến nay vẫn được công chúng đón nhận, cho nên Hà Nội ngày nay
cũng nên đặt tên đường phố theo cách đó... Còn nhà nghiên cứu về Hà Nội
Nguyễn Vinh Phúc lại cho rằng, khi lấy tên danh nhân đặt cho đường phố
Hà Nội thì bên dưới tấm biển ghi tên phố nên vắn tắt vài dòng tiểu sử
của danh nhân mà phố mang tên...
Một
hội thảo chưa thể giúp giải quyết vấn đề một cách thấu đáo nhưng ý tứ
được đưa ra sẽ giúp nhà quản lý có cơ sở xây dựng quy chế xác đáng cho
vấn đề được quan tâm, giải đáp được câu hỏi Hà Nội nên tôn vinh người
có công với dân, với nước như thế nào.
Theo báo Hà Nội Mới