Hàng hóa thi nhau “chạy” giá theo USD
USD “kéo” các mặt hàng nhập khẩu tăng giá
Thời gian qua, thị
trường liên tiếp đón nhận thông tin “tăng giá” của một số mặt hàng
ngoại nhập. Thậm chí có những mặt hàng phải thay đổi giá liên tục và
mọi lý giải đều do tỉ giá ngoại tệ biến động theo chiều hướng tăng.
Đầu tiên phải kể đến
giá gas, đạt kỷ lục khi trải qua ba lần tăng giá trong tháng 11 với
tổng mức tăng trên 40.000 đồng/bình, đặc biệt ở lần tăng cuối vào ngày
28/11 tăng đến 22.000 đồng/bình 12kg, đưa giá gas bán lẻ đến người tiêu
dùng tăng lên 15%. Các công ty kinh doanh gas cho rằng không chỉ vì giá
gas thế giới tăng mà chủ yếu là do giá mua USD để thanh toán các lô
hàng gas nhập khẩu tăng khiến giá gas bán lẻ trong nước phải tăng theo.

Do ảnh hưởng của tỉ giá USD, trong tháng 11 giá gas được điều chỉnh tăng 3 lần với tổng mức tăng trên 40.000 đồng/bình 12kg.
Giá thành sản phẩm và
nhập khẩu ô tô cũng bị ảnh hưởng lớn sau đợt tỉ giá USD/VND tăng mạnh
trong thời gian qua. Tuy niêm yết bằng VND nhưng khi tỉ giá USD tăng,
các hàng ô tô vẫn phải điều chỉnh giá bán. Thời điểm này, người mua có
thể phải trả cao hơn vài chục triệu đồng cho đến cả trăm triệu một
chiếc ô tô so với đầu tháng.
Toyota là một trong
những hãng đầu tiên tiến hành điều chỉnh giá bán vào ngày 26/11. Trong
đó, mức tăng giá mạnh nhất là 84,6 triệu đồng thuộc về mẫu xe SUV nhập
khẩu nguyên chiếc Land Cruiser. Giá cũ mẫu xe xe này là 2,2279 tỷ đồng
và giá mới là 2,3125 tỷ đồng.
Lãnh đạo Toyota Việt
Nam cho biết, đợt điều chỉnh giá xe được công ty thực hiện nhằm “khớp”
với tỷ giá USD/VND biến động trên thị trường vào thời điểm tăng giá.
Nhóm sản phẩm linh
kiện máy tính là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng mạnh khi tỉ giá
USD tăng. Cũng niêm yết giá bằng VND nhưng giá các mặt hàng như màn
hình LCD, ram… được điều chỉnh giá theo tỉ giá USD nên thay đổi liên
tục tháng 11 và tăng so với thời điểm trước đó khoảng trên dưới 10%.
Anh Duy, chủ một cửa
hàng kinh doanh linh kiện máy tính ở Phú Nhuận cho hay, do biến động
của tỉ giá nên giá nhiều sản phẩm khi quy ra VND tăng lên, hàng bán ra
chậm do tâm lý khách hàng chờ USD giảm.
Cuối tháng 11, lần thứ hai trong tháng, giá thép lại tiếp tục được điều
chỉnh, tăng 200.000 đồng/tấn với thép cuộn, khoảng 300.000 đồng/tấn với
thép cây. Nguyên nhân tăng giá thép là sự cộng hưởng của giá phôi thép
lẫn thép phế liệu nhập khẩu tăng và tỉ giá USD tăng. Tuy thực giá chào
phôi thép lẫn thép phế thế giới chỉ tăng khoảng 10-20 USD/tấn, nhưng do
tỷ giá USD và xăng dầu tăng lên chi phí đầu vào bị đẩy lên đáng kể.
Siêu thị tăng, chợ “nhấp nhổm”
Trong khi đó, tại các
siêu thị nhiều mặt hàng đã tăng giá. Đường là mặt hàng tăng mạnh nhất,
thời điểm đầu năm, giá đường chỉ 7.500 đồng, đến tháng 8 tăng lên
13.000 - 14.000 đồng/kg, giờ giá bán lẻ đến tay người tiêu đã “nhảy” lên 17.500 - 18.500 đồng/gói 1kg.
Giá đường tăng vào
thời điểm cuối năm sẽ tác động đến nhiều mặt hàng, đặc biệt nhóm hàng
bánh mứt, kẹo và đồ uống vì giá đường chiếm từ 20 - 30% giá thành của
các sản phẩm này. Trong tháng 12, giá bánh kẹo của Bibica, HancoFood và
nhiều công ty sản xuất khác sẽ được điều chỉnh tăng từ 3 - 5%. Các loại
nước uống như Pepsi và Coca - Colo cũng thôn báo điều chỉnh giá tăng 5
- 10%.
Nhiều sản phảm sữa đã tăng 5 - 7%.
Cũng do ảnh hưởng của
giá đường, các công ty sản xuất sữa trong nước đã buộc phải điều chỉnh
tăng giá một số sản phẩm 5-7%. Sau một thời gian giữ giá, từ tháng
12/2009 giá sản phẩm sữa các loại của Vinamilk tăng bình quân 6%, trừ
sữa nước giá không đổi. Giá sữa của HancoFood sẽ tăng trung bình 10-15%
vào đầu tháng 1/2010. Hiện tại, chỉ có hãng sữa Mead Johnson tiếp tục
“cầm cự” với mức giá cũ và cam kết không tăng trong năm 2009.
Giá gạo, đường tăng nhiều hàng quán như cơm bình dân, quán chè trên
địa bàn TPHCM nhanh tay ăn theo. Nhiều quán cơm bình dân tăng 3.000 -
5.000 đồng suất. Tại các chợ, tuy chưa có đợt tăng giá đột biến nhưng
nhiều mặt hàng thực phẩm cũng đã “nhấp nhổm” nhích giá rau củ, thực
phẩm.
Một chủ sạp rau quả
tại chợ Bà Chiểu cho hay: “Nửa tháng nay giá các loại rau có nhích lên
một ít nhưng không đáng kể. Giá xăng tăng, chi phí vận chuyển tăng nên
giá bán cũng phải thay đổi ít nhiều chứ”.
Theo báo điện tử Dân Trí.