Nhà văn và mối dây liên hệ với máy chữ
Theo Guardian, tiểu thuyết gia Cormac McCarthy, người từng đoạt giải Putlizer năm 2007
đang rao bán đấu giá "bảo vật" đã theo ông suốt 50 năm qua trên con
đường viết lách, đó là chiếc máy đánh chữ xách tay hiệu Olivetti ông
mua được tại một cửa hiệu cầm đồ năm 1963.
 |
Cormac McCarthy, tác giả cuốn tiểu thuyết The Road (tựa tiếng Việt Cha và con)
đang được chuyển sang màn ảnh rộng và sẽ ra mắt công chúng tại Anh vào
năm tới. Nhà văn hy vọng việc bán chiếc máy đánh chữ yêu quý đã giúp
ông viết ra cuốn tiểu thuyết này có thể giúp Viện Santa Fe cải thiện cơ
sở vật chất và thư viện. Ảnh: ontarioreviewpress.com |
Dù rất gắn bó với con Olivetti xách tay, nhà văn
McCarthy quyết định cho “bạn hiền” nghỉ hưu vì ruy băng của máy (dải
băng hẹp, dài, có mực dùng cho máy chữ) đã bị lỏng lẻo và xuất hiện
những dấu hiệu của “tuổi già” khiến cho việc sử dụng bị khó khăn.
"Tôi đã dùng cái máy này để gõ
hầu như mọi cuốn sách của tôi, kể cả 3 cuốn sách đã hoàn thành nhưng
chưa xuất bản, những bản thảo và thư từ. Có lẽ tôi đã gõ ra khoảng 5
triệu con chữ trên chiếc máy này trong 50 năm qua", cha đẻ tiểu thuyết The Road chia sẻ.
Khi một người bạn thân ngỏ ý
muốn mua cho nhà văn 76 tuổi này một cái máy đánh chữ mới, McCarthy
tình nguyện chia tay chiếc máy đánh chữ thân thiết của ông bằng hình
thức bán đấu giá và hứa dùng số tiền thu được để ủng hộ cho Viện Santa
Fe, một trung tâm nghiên cứu khoa học cộng đồng.
Nhà cái Christie đã nhận
được thư xác nhận từ McCarthy về việc đấu giá. Dự đoán chiếc máy đánh
chữ sẽ thu về 15.000 - 20.000 USD.
Có thể nhiều người cho rằng cái
giá này quá cao so với một món được mua lại từ tiệm cầm đồ, nhưng nhà
đấu giá khẳng định, máy Olivetti hiện nay gần như là một thứ đồ cổ hiếm
hoi, xứng đáng trở thành biểu tượng cho dòng máy đánh chữ này.
Trả lời báo chí, McCarthy nói
rằng, chiếc máy đánh chữ này từng rất tốt và đã hoàn toàn chinh phục
ông. Trước khi nhà văn đến sống ở châu Âu vào thập niên 1960, ông từng
dùng máy đánh chữ Royal - một hiệu rất được Hemingway yêu thích - nhưng
rồi sau này ông phải lòng hiệu Olivetti. Vì theo ông, đó là chiếc máy
đánh chữ nhỏ nhất và nhẹ nhất mà ông có thể tìm thấy.
 |
Máy đánh chữ sử dụng những chiếc búa nhỏ, đập qua dải
vải tẩm mực và in mực lên tờ giấy đặt phía sau dải mực. Chiếc máy đánh
chữ trong ảnh hiệu Olivetti được nhà văn McCarthy dùng suốt 50 năm qua.
Ảnh: Guardian |
Mặc cho sự tiến bộ vượt bậc của
máy vi tính thời nay, “lão nhà văn” vẫn giữ thói quen yêu thích là được
lắng nghe âm thanh lách cách phát ra từ các phím kim loại của máy đánh
chữ cũ.
Nhà văn kể, mùa hè nọ, khi ngồi gõ lóc cóc ở Viện Santa Fe, ngay lập tức ông thu hút sự chú ý của những vị khách tò mò.
Nhà văn kể với tờ New York Times:
"Tôi đang ngồi trong phòng làm việc và gõ lách cách thì có một sinh
viên đến gần nhìn săm soi rồi hỏi: "Xin lỗi ông. Đây là cái gì vậy?".
McCarthy không phải là nhà văn duy nhất trung thành với chiếc máy đánh chữ của mình.
Hemingway từng ngồi trước
chiếc máy đánh chữ thân thương của ông để sáng tác những câu chuyện
thấm đẫm nhân văn về con người. Và cách đây hai năm, con Royal của
Hemingway được bán đấu giá với số tiền 2.750 USD.
Còn nhà văn Will Self người tự
nhận mình là tín đồ của máy đánh chữ thường tán dương loại máy này và
những phẩm chất của nó lên tận mây xanh.
"Tôi nghĩ, viết theo kiểu gõ
máy chữ có thể khiến bạn làm việc chậm hơn một cách thật hiệu quả. Bạn
không cần xem tới xem lui cái mình viết, bạn chỉ cần suy nghĩ nhiều hơn
bởi vì bạn biết rằng sẽ phải đánh lại hầu như mọi thứ".
Tiểu thuyết gia Don DeLillo vốn
là một người tôn sùng máy đánh chữ. Trong một bài phỏng vấn, ông nói:
"Tôi cần nghe âm thanh của bàn phím, mà phải là phím của một chiếc máy
đánh chữ".
"Khi những chiếc búa nhỏ gõ đều
lên trang giấy, tôi thích được nhìn những con chữ, những dòng chữ được
tượng hình. Đây là một điều gì đó mang tính phạm trù mang tính thẩm mỹ:
khi tôi làm việc, tôi phải có sự nhạy cảm của một điêu khắc gia đang
chạm trổ hình dáng những con chữ của mình. Tôi thích sử dụng một chiếc
máy đánh có cỡ chữ lớn hơn cỡ chữ trung bình: càng lớn càng tốt".
Các nhà văn Barnes, Lively, Holroyd và Moggach nói về mối quan hệ của họ với máy đánh chữ:
- Julian Barnes: Thay đổi công cụ viết tùy thời điểm
Tôi nghĩ người viết cần một công cụ kỹ thuật phù hợp
với cách làm việc của bộ não của anh ta. Thỉnh thoảng anh ta cần để cho
suy nghĩ của mình chảy dọc xuống cánh tay giống như thể nó chảy thẳng
vào đầu ngòi bút chì hay bút dạ xuống trang giấy, thỉnh thoảng, anh cần
một cách thức trang trọng hơn, kiểu như "ngồi xuống và đọc cho cái máy
chép lại".
Khi tôi thử viết bằng máy vi tính, thì dường như đó
là một công việc chậm chạp. Tôi cảm thấy không có mối dây liên hệ nào
với chiếc máy này, ngược lại, tiếng kêu o o êm ái của cái IBM như thể
nó đang nói một cách trầm tĩnh: "Thôi nào, ông sẽ tiến bộ hơn với tôi".
- Penelope Lively (đang nằm trong bảng đề cử giải Costa với tiểu thuyết Family Album): Thích sáng tác theo kiểu cũ
Tôi vẫn chưa dùng máy vi tính để viết lách - không
phải là tôi mù mờ về máy móc hay là theo chủ nghĩa bài máy móc - mà chỉ
vì lưng tôi bị đau kinh niên và tôi không thể ngồi trên ghế để làm việc.
Tôi có một cái máy đánh chữ điện tử kiểu cổ, đó là
một cái máy Canon Typestar. Nó hoàn hảo vì nhỏ gọn và cực kỳ nhẹ, hoạt
động rất tốt. Tôi có nó khoảng 10 năm nay và dùng nó để viết được 5
quyển sách. Tôi không nghĩ rằng ngày nay người ta còn sản xuất loại máy
này nên cứ phát ốm lên khi nghĩ đến ngày nó bị hỏng..
Tôi thích sáng tác theo kiểu cũ, thích những bản thảo
được chỉnh sửa lộn xộn, thậm chí khi tôi tìm được một chiếc máy vi tính
xách tay đủ nhẹ thì tôi cũng phải in ra mọi thứ tôi viết. Tôi cần cảm
giác có một trang giấy nằm dưới tay tôi.
- Michael Holroyd: Dùng máy đánh chữ làm "kế điệu hổ ly sơn".
Khi tôi tậu được một chiếc vi tính xách tay, tôi vẫn
tiếp tục giữ cái máy đánh chữ của mình. Bản thảo đầu tiên tôi viết bằng
bút mực, bản thảo thứ hai tôi gõ lại bằng máy đánh chữ và cuối cùng tôi
dùng máy vi tính. Nhưng đôi khi cũng có chuyện trục trặc. Tôi không thể
nào tìm thấy dải băng mới cho cái máy đánh chữ cũ của tôi.
Vậy nên giờ tôi vẫn còn giữ cái máy đánh chữ cũ để
ngay trên bàn tôi, và giấu cái máy vi tính xách tay đi, để đánh lừa bọn
trộm, những kẻ lúc nào cũng rình rập để khua khoắng mấy thứ máy móc
công nghệ cao.
- Deborah Moggach (từng được đề cử Man Booker 2007 với tiểu thuyết In the Dark): Sáng tác bằng máy đánh chữ cảm thấy thân thuộc hơn.
Tôi viết bằng con Apple Mac. Mặc dù vậy tôi chỉ cảm
thấy mình thật sự đang viết khi tôi gõ vào máy đánh chữ. Tôi có một
chiếc máy đánh chữ Adler rất đẹp và tôi yêu cách mà những con chữ in
hằn dấu vết trên trang giấy, nhìn chúng thân thuộc hơn so với chữ trên
máy vi tính.
(Theo Evan.vnexpress.net)