Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 09/12/2009 08:42
Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu: Khi thế giới đối mặt với thảm họa lớn
Đó là thông điệp mở đầu sự kiện được Thủ tướng nước chủ nhà Đan Mạch, Laxơ Lốccơ Raxmútxen cho là "cơ hội không thể bỏ qua" nhằm cứu trái đất thoát khỏi những thảm họa khôn lường do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.

Tình trạng tan băng và hạn hán do biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng cuộc sống nhân loại.

Thủ đô Côpenhagen của Đan Mạch trong những giờ qua đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới khi Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 15 khai mạc (ngày 7-12) với sự tham dự của 15.000 quan chức cấp cao và chuyên gia từ 191 nước trên khắp hành tinh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tới Côpenhaghen vào tuần tới tham dự phiên thảo luận quan trọng nhất của hội nghị này.

Đây là hội nghị lớn nhất trong lịch sử Liên hợp quốc (LHQ) và được đánh giá là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi thế giới đang phải chạy đua với thời gian để chống lại tình trạng trái đất đang ấm lên từng ngày. Chương trình nghị sự nổi bật nhất tại hội nghị kéo dài gần 2 tuần (kết thúc vào ngày 18-12) là để các nước cùng thảo luận về một thỏa thuận khung liên quan đến lượng cắt giảm khí thải cácbon điôxít (CO2) gây hiệu ứng nhà kính nhằm thay thế cho Nghị định thư Kiôtô sẽ hết hạn vào năm 2012. Trong đó đề cập đến mức cam kết hỗ trợ tài chính và công nghệ của các nước phát triển dành cho những quốc gia đang phát triển vốn bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng biến đổi khí hậu.

Hiện tại, quan điểm giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển có khác biệt rất lớn trong hai vấn đề chủ chốt trên. Mục đích cốt lõi của hội nghị này là các nước cố gắng đạt được sự nhất trí về thời điểm cắt giảm khí thải. Bên cạnh đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn giữ lập luận rằng họ sẽ chịu phần lớn gánh nặng tài chính; nhưng với tỷ lệ tăng trưởng nhanh, các nước đang phát triển, nhất là những nền kinh tế mới nổi cũng đang và sẽ "đóng góp" đáng kể khí thải CO2 vào bầu khí quyển nên cũng phải chia sẻ trách nhiệm. Tuy nhiên, các nước đang phát triển chưa đồng tình với quan điểm này, vì cho rằng phương Tây mới là "thủ phạm" chính của khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khoảng 200 năm qua, kể từ khi cuộc Cách mạng công nghiệp nổ ra ở châu Âu vào thế kỷ XVIII.

Sự nóng lên đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường của trái đất. Trong 15 năm qua, mực nước biển đã tăng 5cm và lượng thải khí CO2 cao hơn 40% so với mức năm 1990. Nhiều nhà khoa học cảnh báo nếu không có các biện pháp mạnh và hiệu quả, con người sẽ phải đối mặt với các thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất trong lịch sử. Mỗi năm, thế giới đã không chỉ mất hàng trăm nghìn sinh mạng do hạn hán, lũ lụt, giông bão... mà còn phải hứng chịu những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng nhất khi vài thập niên gần đây GDP toàn cầu được dự báo sẽ giảm 20% do biến đổi khí hậu. Mức thiệt hại này lớn hơn tổn thất do hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc khủng hoảng Đại suy thoái (1930) gây nên.

Tuy nhiên, cũng như nhiều cuộc đàm phán toàn cầu khác trong thời gian qua, cuộc thương thuyết về biến đổi khí hậu đã có nhiều thay đổi tích cực vào thời điểm cuối. Ngay trước thềm hội nghị Côpenhagen, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc - ba "cường quốc" phát thải lượng khí CO2 lớn nhất thế giới - cuối cùng đã công bố mục tiêu cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Theo đó, đến năm 2020, Mỹ sẽ giảm lượng khí thải xuống 17% so với mức năm 2005, chỉ giảm gần 3% lượng khí thải so với năm 1990. Đây là dấu hiệu tích cực vì phục hồi kinh tế hiện là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Barắc Ôbama. Trung Quốc dường như muốn tỏ ra có trách nhiệm hơn khi tuyên bố vào năm 2020 sẽ cắt giảm từ 40% đến 45% lượng khí thải CO2 so với năm 2005. Trong khi đó, Ấn Độ với 1,2 tỷ dân cũng cam kết cắt giảm từ 20-25% lượng khí thải so với mức của năm 2005. Các nước đang phát triển có tiềm năng kinh tế lớn như Braxin, Inđônêxia, Mêhicô... cũng đã đưa ra cam kết cắt giảm khí thải sau EU, Nhật Bản và nhiều nước khác.

Mặc dù biến đổi khí hậu và tình trạng tăng nhiệt toàn cầu là các vấn đề môi trường, nhưng các giải pháp lại thuộc về kinh tế do liên quan tới việc sử dụng năng lượng, cũng như tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghiệp. Trong khi đó, một thỏa thuận mang tính pháp lý toàn cầu lại mang nhiều yếu tố chính trị. Do vậy, sự tham gia của hơn 100 lãnh đạo các quốc gia và vùng lãnh thổ vào phiên họp cuối cùng của hội nghị, trong đó có Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã khiến dư luận thế giới tin tưởng vào một thỏa thuận "có sức nặng" sẽ được các nước thông qua tại hội nghị lịch sử này.



(Theo Hanoimoi.com.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)