Lo ngại đang hiện hữu với nhiều ngành công nghiệp
Điểm
lại sự phát triển của công nghiệp nước ta kể từ sau khi gia nhập WTO có
thể thấy, một số ngành đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Cụ
thể: ngành ôtô sau 15 năm được Nhà nước dành cho khá nhiều chính sách
ưu tiên nhưng đến thời điểm này cũng mới chỉ có một số dây chuyền lắp
ráp khá đơn giản. Ngoại trừ một số lĩnh vực sản xuất xe tải, xe khách,
xe chuyên dụng... đang bắt đầu có những bước tiến, thì xét về tổng thể,
nước ta vẫn chưa có công nghiệp sản xuất ôtô đúng nghĩa. Ngành công
nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất ôtô hầu như chưa có gì. Công nghiệp
đóng tàu - một trong những ngành được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi
nhưng giá trị gia tăng cũng chỉ đạt khoảng 30%. Nhiều dự án đóng tàu đã
bị ngừng trệ. Rất nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các dự án
đóng tàu nhưng ngành sửa chữa tàu thủy lại quá ít, dẫn đến sự phát
triển thiếu cân đối... Ngành thép dù đã có công nghệ sản xuất thép từ
nguyên liệu nguồn nhưng đến nay lượng phôi thép sản xuất trong nước chỉ
đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Trong khi đó, đầu ra cho thép thành phẩm có
nguy cơ bị thu hẹp khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư xây
dựng các khu liên hợp luyện kim có thể dẫn tới dư thừa công suất. Trong
khi đó, giới chuyên gia cũng không khỏi băn khoăn về kinh nghiệm, năng
lực và nguồn vốn thực hiện các dự án thép của các nhà đầu tư nước ngoài
và nguy cơ lớn về nhập khẩu công nghệ cũ sẽ gây tổn hại cho môi trường.
Ngành công nghiệp điện tử cũng đã từng có những thương hiệu thuần túy
Việt Nam khá nổi tiếng nhưng đến nay những thương hiệu này cũng gần như
vắng bóng trên thị trường nội địa do không đủ sức cạnh tranh với các
sản phẩm điện tử của nước ngoài. Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng
cũng đang bộc lộ những bất hợp lý trong quy hoạch, dẫn đến tình trạng
dàn trải, chồng chéo và kém hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công thương
Vũ Huy Hoàng thừa nhận: Chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp
của nước ta đã bộc lộ những điểm bất hợp lý, không còn phù hợp với bối
cảnh hội nhập toàn diện của nền kinh tế. Điều này có trách nhiệm của Bộ
Công nghiệp trước đây và Bộ Công thương hiện nay. Riêng đối với ngành
công nghiệp điện tử, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, các chính sách ưu
đãi hiện nay chưa đủ sức khuyến khích doanh nghiệp trong nước chuyển
đổi công nghệ để phát triển ngành công nghiệp điện tử. Bên cạnh đó,
nguồn nhân lực kỹ thuật cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của
ngành.
Để nâng cao sức cạnh tranh, tạo sức bật cho các ngành
công nghiệp nội địa thì về lâu dài, cần lựa chọn các ngành công nghiệp
mũi nhọn và các lĩnh vực trọng điểm. Chỉ nên lựa chọn những ngành có
giá trị gia tăng cao, giải quyết được nhu cầu lao động và những ngành
sử dụng nguyên vật liệu sẵn có trong nước. Những lĩnh vực đã có lợi thế
như dệt may, da giày, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ... cần được tập
trung đầu tư nhiều hơn theo hướng sản xuất tinh và xây dựng thương hiệu
riêng của Việt Nam. Cần mở rộng đầu tư vào những ngành sử dụng công
nghệ cao như sản xuất linh kiện điện, điện tử, máy tính... Đối với
những ngành công nghiệp mà doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực
thì không nên tiếp tục đầu tư để tránh lãng phí nguồn lực. Đặc biệt,
cần có chính sách thúc đẩy sự phát triển công nghiệp phụ trợ, vì chỉ
khi chủ động được nguyên phụ liệu thì các doanh nghiệp mới có thể tiến
xa hơn.
Theo báo kinh tế & đô thị