 |
Người dân đi lại trên cầu đường sắt Cự Đà. Ảnh: Tiến Dũng. |
Nằm cách trung tâm Hà Nội không xa nhưng từ 6-7 năm qua, người dân xã Hữu Hòa và Tả Thanh Oai (Thanh Trì) nằm hai bên bờ sông Nhuệ vẫn phải ngày ngày qua sông đi làm, đi học trên thanh ray cầu đường sắt Cự Đà như một nghệ sĩ xiếc, nếu không muốn đi vòng thêm 4 km nữa để sang được đầu cầu bên kia.
Trên cây cầu độc nhất vô nhị này, ở mỗi chiều, lối đi của người đi bộ, xe đạp chỉ là thanh bê tông rộng 50 cm còn lối đi của xe máy là thanh tà vẹt rộng chừng 10 cm, cạnh đó lởm chởm đinh vít. Do được thiết kế dành cho tàu hỏa nên sàn cầu trống hoác, phía dưới là dòng sông đen thui bốc mùi nồng nặc.
 |
Ngày ngày, hàng trăm học sinh của hai xã phải tới trường theo cách này. Ảnh: Tiến Dũng. |
Theo người dân nơi đây, cầu Cự Đà được xây dựng vào những năm 1980 nhằm nối thông tuyến đường sắt Hà Nội Yên Bái, Lào Cai... Trước đây, nằm kế cầu Cự Đà là cây cầu tạm để người dân qua lại và có thu phí. Nhưng 6-7 năm qua, cầu tạm này được dỡ bỏ, người dân đành chọn giải pháp đi chung với tàu hỏa.
Đoạn sông Nhuệ qua địa phận xã Hữu Hòa và Tả Thanh Oai có chiều dài hơn 10 km nhưng hiện chỉ có một cây cầu Hữu Hòa - nằm cách cầu Cự Đà chừng 2 km. Do đó, để qua bên kia cầu Cự Đà, người dân hai xã này đành chọn giải pháp "liều" khi đi chung với tàu hỏa, thay vì phải đi vòng thêm 4 km. Đáng chú ý, đường dân sinh giao cắt với đường sắt ở hai đầu cầu không hề có barie.
 |
Khi tàu chuẩn bị đi qua, hệ thống báo động sẽ đổ chuông, nhưng hằng ngày người dân nơi đây vẫn phải vài lần chứng kiến những cảnh này. Nhiều tai nạn đã xảy ra. Ảnh: Tiến Dũng. |
Sáng 12/12, theo quan sát của VnExpress.net, chỉ trong vòng 30 phút đã có hàng chục người và xe qua cầu Cự Đà. Càng về trưa, lưu lượng qua lại càng lớn. Vào giờ tan học, cả trăm học sinh đi bộ hoặc phóng xe đạp, xe máy trên đường ray để qua cầu. Nhiều học sinh tiểu học phải rất vất vả mới có thể nhấc xe qua được khe hở giữa mố cầu và mặt đường.
Đối với người dân nơi đây, phải qua lại thường xuyên nên họ điều khiển xe máy đi trên một thanh sắt thuần thục như một nghệ sĩ xiếc. "Chỉ cần đặt một chân cố định vào thanh ray, giữ vững tay lái và tăng ga là xe đi ngon lành. Em chỉ mất 10 giây là qua được bên kia cầu", một thanh niên đi xe Wave vừa hướng dẫn vừa trình diễn.
Tuy nhiên, đối với những người qua cầu lần đầu, cảm giác quả là vô cùng sợ hãi. Vừa khua khua hai chân để đẩy chiếc xe nhích đi từng centimet, anh Thanh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa run rẩy: "Biết thế này thì thà đi xa thêm vài cây số còn hơn. Nguy hiểm quá, không biết bao giờ thì tàu chạy qua".
(Theo Vnexpress.net)