Giải thưởng sách Việt Nam 2009: Hướng tới tính chuyên nghiệp
 |
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh được chọn trao giải Vàng sách Việt Nam 2009. Ảnh: Đàm Duy
|
Tăng mạnh đề cử giải vòng sơ khảo
Mặc
dù số lượng nhà xuất bản (NXB) góp mặt vẫn "đều đều" như mọi năm: 34
đơn vị (đạt 65% tổng số NXB có đủ điều kiện tham dự) với tổng số hơn
300 cuốn, nhưng số sách đề cử giải tại vòng sơ khảo lại tăng cao nhất
từ trước tới nay: 96 giải cho cả sách hay và sách đẹp.
Trong
đó, phần trội lên chủ yếu nằm ở đề cử giải bạc. Điều này cho thấy chất
lượng của sách ở tất cả các mảng tương đối đồng đều. Những sách đề cử
giải vàng sách hay vượt về tầm vóc và nội dung đề cập, trong đó có bộ
"Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long" đồ sộ (4 tập). Đây chính là bộ
sách "làm tốn giấy mực" và cả thời gian làm việc nhất của Tiểu ban Sách
văn hóa - nghệ thuật cũng như hội đồng sơ và chung khảo.
Phần
sách đẹp năm nay có những điểm đáng mừng, nhiều bộ sách công phu không
chỉ thể hiện sự quan trọng của hình thức ấn phẩm mà còn khẳng định dần
phong cách trình bày chuyên nghiệp trong hoạt động xuất bản của Việt
Nam. Có thể kể đến "Những chuyện hay dành cho trẻ mầm non" (NXB Giáo dục); "Tủ sách danh nhân Việt
Nam" (NXB Kim Đồng); "Kho tàng truyện cổ tích Việt
Nam"
(NXB Trẻ). Phía sau các NXB, một đội ngũ công ty in cũng góp phần làm
thay đổi diện mạo công nghệ in tại nước ta như các công ty in và văn
hóa phẩm; Công đoàn Việt
Nam, Trần Phú, Fahasa… Đề cử sách đẹp có lẽ vì vậy cũng tăng 3 giải so với năm trước.
Mặc
dù đề cử tăng mạnh, nhưng hội đồng chung khảo đã cân nhắc kỹ và chọn
được 74 tác phẩm thực sự xuất sắc để trao 38 giải cho sách hay và 36
giải cho sách đẹp.
"10 nghìn trang khổ lớn" và "200 trang khổ nhỏ"
Giải thưởng Sách Việt Nam 2009 (74 giải) sẽ trao vào 8h30 ngày 20-12 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội
Sách hay:
-
1 Giải thưởng đặc biệt: "Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long" (GS-VS
Đặng Vũ Khiêu và cố GS-VS Vũ Tuyên Hoàng - đồng Chủ tịch Hội đồng Biên
soạn; NXB VHTT).
-
2 giải vàng: "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" (Nguyễn Nhật Ánh, NXB
Trẻ); "Bệnh học tim mạch" tập 1 và 2 (Phạm Nguyễn Vinh, NXB Y học).
- Ngoài ra còn có 9 giải bạc, 15 giải đồng và 11 giải khuyến khích.
Sách đẹp:
- 3 giải vàng: "Nghệ sĩ tạo hình Việt
Nam
được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh" (NXB Mỹ thuật); "Ca dao tục ngữ bằng
tranh" (3 tập) (NXB Kim Đồng); "Truyện cổ Grim" (Hữu Ngọc, NXB Phương
Đông).
- Ngoài ra còn có 7 giải bạc, 10 giải đồng, 11 giải khuyến khích và 5 giải bìa đẹp.
|
Đó
là hình dung cơ bản về hai cuốn sách đề cử giải "Sách hay" gây chú ý
trong quá trình phản biện. Hơn "10 nghìn trang khổ lớn" là bộ "Tổng tập
nghìn năm văn hiến Thăng Long" do GS-VS Đặng Vũ Khiêu và cố GS-VS Vũ
Tuyên Hoàng đồng Chủ tịch Hội đồng Biên soạn với sự góp sức của đội ngũ
tác giả, cộng tác viên khổng lồ 1.200 người. Để đọc thấu đáo, Tiểu ban
Văn hóa - Nghệ thuật đã "làm chậm" một tháng kế hoạch chấm của cả vòng
sơ khảo.
Tính đồ sộ chưa từng có trong lịch sử xuất bản Việt
Nam
cũng như tính khoa học trong tổng thể nội dung lớn về Thăng Long - Hà
Nội khiến các nhà khoa học, chuyên gia không thể không cẩn trọng. Bài
phản biện dài 8 trang A4 của GS Phan Văn Các gửi Hội đồng Chung khảo
cho thấy "mặc dù còn một số lỗi, nhưng nhìn chung Tổng tập vẫn là một
công trình xuất sắc cung cấp cho người đọc một cái nhìn toàn diện, cơ
bản, chính xác về nghìn năm văn hiến Thăng Long".
Ghi
nhận những giá trị tích cực của Tổng tập, nhưng đồng thời hướng tới
tính chuyên nghiệp của giải thưởng, Hội đồng Chung khảo quyết định trao
cho "Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long" Giải thưởng đặc biệt, thay
vì Giải vàng.
Một
cuốn sách nhỏ hơn, trên 200 trang khổ nhỏ, "Cho tôi xin một vé đi tuổi
thơ" của Nguyễn Nhật Ánh cũng khiến Tiểu ban Sách thiếu nhi "họp đi họp
lại" và Hội đồng Chung khảo trăn trở. Bên cạnh lối viết hấp dẫn và góc
nhìn mới mẻ, "Cho tôi một vé đi tuổi thơ" cũng khiến những ai quen đọc
sách giáo dục thiếu nhi kiểu mẫu mực băn khoăn về sự miêu tả hồn nhiên
và tự nhiên tâm tính trẻ thơ trong tác phẩm này. Tuy nhiên, theo quan
điểm của người viết: Nếu nhìn trẻ em như sự sinh động vốn có của nó, để
chia sẻ và lớn lên cùng trẻ thì cuốn sách này thực sự hấp dẫn.
Tiểu
ban Sách thiếu nhi do nhà văn Vũ Tú Nam làm trưởng ban nhận định: "Nên
quan niệm đây là một cuốn sách đặc biệt, không phải tiểu thuyết, truyện
hay ký…; viết về tâm lý trẻ em, gợi cho người đọc sự thông cảm, chia sẻ
với tình cảm tuổi thơ, trân trọng tuổi thơ". Cuốn sách đã được Hội đồng
Chung khảo chọn trao Giải vàng Sách Việt Nam 2009.
Sẽ có đề án Giải thưởng Sách quốc gia 2011-2020
Đề án Giải thưởng Sách Việt
Nam
hàng năm giai đoạn 2005-2010 sắp bước vào năm cuối cùng. 5 năm qua như
một chặng "làm quen" và rút kinh nghiệm cho một giải thưởng xuất bản
khá đa dạng và hướng tới tính chuyên nghiệp.
Tuy
nhiên, một trong những điểm dễ nhận thấy là cuộc sinh hoạt nghề nghiệp
ý nghĩa này với nhiều người trong cuộc vẫn chưa phải là cần thiết. Ngay
trong năm thứ 5, một lực lượng (chừng 25% tổng số NXB cả nước) không
tham dự, trong đó có những đơn vị lâu năm như Thanh niên, Lao động, Văn
hóa dân tộc, Giao thông - Vận tải, Thống kê, Xây dựng, Từ điển bách
khoa… Điều này dẫn đến cơ cấu sách trong các mảng dự giải chưa hợp lý,
ảnh hưởng trực tiếp đến tính chuyên nghiệp của một giải thưởng chính
thống về xuất bản. Câu trả lời hoặc là không tự tin về ấn phẩm hoặc thờ
ơ với giải thưởng. Cả hai khả năng này đều cần được cải thiện. Trong
đó, ngoài trách nhiệm của các NXB, vai trò chủ động của Hội Xuất bản là
rất quan trọng.
Sau
khi chặng 2005-2010 kết thúc, Hội Xuất bản sẽ chuẩn bị cho đề án Giải
thưởng Sách quốc gia 2011-2020 với tiêu chí cao hơn, phạm vi rộng hơn,
xét tới các loại sách, trong đó cả mảng sách đang chiếm lĩnh thị trường
hiện nay là sách dịch của tác giả nước ngoài.
Thiết
nghĩ, còn một yếu tố cũng không nên bỏ sót đó là quảng bá, nâng cao uy
tín của giải thưởng đối với công chúng - đích đến của bất kỳ một cuốn
sách hay và đẹp nào.
(Theo Hanoimoi.com.vn)