Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 19/12/2009 08:48
Sinh viên đánh giá, giảng viên hoang mang
Triển khai việc đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên thông qua ý kiến sinh viên khiến nhiều trường lo ngại, nhiều giảng viên không đồng tình.

Các đại biểu tại Hội nghị Sơ kết triển khai công tác sinh viên đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ngày 18/12 đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này.

Ý kiến phản hồi của SV đối với GV phần nào giúp GV hoàn thiện bản thân. Ảnh buổi học của SV Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn.
Ý kiến phản hồi của SV đối với GV phần nào giúp GV hoàn thiện bản thân. Ảnh buổi học của SV Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn.
Tên gọi gây hoang mang
 

Nếu dùng chữ "đánh giá" khi cho SV đưa ra ý kiến về hoạt động giảng dạy của giảng viên dễ dẫn tới tâm lý hoang mang cho giảng viên. Ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ nhận định như vậy và cho rằng đừng nên quan trọng hóa vấn đề sinh viên (SV) đưa ra ý kiến về hoạt động giảng dạy của giảng viên (GV).

 

Ông Xê cũng lo ngại nếu đặt nặng vấn đề này sẽ khiến GV có tâm lý đối phó với ý kiến của SV. Phiếu đánh giá cũng nên thay bằng cái tên nhẹ nhàng hơn là phiếu nhận xét giảng viên.
 
Việc SV đánh giá hoạt động của giảng viên được coi là tế nhị nên cách dùng từ được đặc biệt chú ý. Đại diện Trường ĐH Công Đoàn cũng cho rằng nên chọn tên “mềm” hơn. Có thể gọi là Ý kiến phản hồi của người học về hoạt động của giảng viên.
Không chỉ là cái tên
 
Ông Lê Đình, đại diện Trường ĐH Sư phạm Huế nhận xét việc đánh giá GV có thể ảnh hưởng đến quan hệ thân thiện giữa thầy và trò. Vì thế, nếu dùng nó để thi đua, tăng lương cho GV thì phải có đánh giá thực tế và có phiếu hỏi. Phiếu này nhất thiết phải được thiết kế một cách khoa học. Câu hỏi phải được đánh giá trước khi làm đại trà.
 
Theo đó, ông Nguyễn Đình Hảo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt cho rằng nếu xử lý GV khi có trên 30% SV đánh giá thì nên xem lại. Nếu qua 3 lần đánh giá mà GV vẫn bị đánh giá như thế mới bị xử lý. “Nếu chỉ qua 2 lần mà đưa ra xử lý e rằng không tốt và chưa chính xác” - ông Hảo nói.
 
Đại diện Trường ĐH Đồng Tháp cũng lưu ý đến khâu nhận thức của SV, bởi nếu SV không hiểu rõ sẽ dẫn đến những đánh giá được gọi là “lung tung”, không chính xác, không nghiêm túc từ SV gây thiệt thòi cho GV.
 
Bằng hành động cụ thể, khi triển khai việc này, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật có một điều khá đặc biệt. Giảng viên có quyền đưa ra ý kiến phản hồi của mình và phải nêu ra các minh chứng cần thiết cho trưởng khoa khi chưa thực sự đồng ý với mức ý kiến phản hồi của người học.
 
Bên cạnh đó, các giảng viên có trách nhiệm thảo luận và đăng ký với trưởng khoa về kế hoạch khắc phục các ý kiến phản hồi ở mức chưa tốt, yếu và kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy của mình ở các mức ý kiến phản hồi bình thường, khá và tốt.
SV điểm kém có thể “chê” GV
 
Trong hội nghị, thời điểm đánh giá được coi cũng là một yếu tố quan trọng quyết định tính chính xác của những phiếu hỏi dành cho SV. Hầu hết đại biểu cho rằng thời điểm phát phiếu cho SV tốt nhất nên là thời điểm kết thúc học kì hoặc năm học để SV không bị áp lực thi cử.
 
Tuy nhiên, đại diện Trường ĐH Nha Trang cho rằng nếu chờ đến khi có điểm thi mới phát phiếu, trường hợp SV đạt điểm kém, có thể đánh giá không tốt về GV, SV đạt điểm cao có thể đánh giá GV đó tốt. Vì vậy, để phiếu hỏi được chính xác, thời điểm phát cho SV nên ngay khi kết thúc học phần.
 
Ngoài ra, ông Huỳnh Cẩm Thanh, CĐ Đồng Tháp đề nghị thay vì dùng phiếu khảo sát nên thiết kế chương trình trên máy tính và cho SV thực hiện ngay trên máy. Ông Thanh băn khoăn, đợt khảo sát vừa qua của trường chỉ thực hiện ở 40 môn học đã tốn 4.000 tờ giấy. Năm nay, thực hiện ở 90 môn học thì không biết sẽ tốn hết số lượng giấy là bao nhiêu.
 
Đại diện Trường ĐH Công Đoàn nói rằng bảng hỏi phải rõ, gọn để người học cung cấp thông tin. Thay vì hỏi: GV có đảm bảo đúng quy chế không? Thì dùng những câu hỏi đơn giản như: GV có giảng đủ học phần không? GV có dạy đúng giờ không...
Hiện nay, đã có 37 cơ sở giáo dục ĐH gởi báo cáo về Bộ GD - ĐT báo cáo tình hình triển khai hoạt động này. Trong đó, có 10 trường có quyết định chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo “việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên”, 8 trường có chương trình kế hoạch cụ thể cho việc triển khai hoạt động này.

PGS-TS Phạm Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết dự kiến tháng 1/2010, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư quy định về việc này và có chủ trương chỉ đạo các trường thực hiện theo hướng mở, nhưng thống nhất trên nguyên tắc phải đảm bảo truyền thống tôn sư trọng đạo.

 
 
(Theo Vietnamnet.vn) 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)