2009 và quốc phòng Việt Nam
Sách Trắng Quốc phòng 2009
Quân đội Nhân dân Việt Nam có lực
lượng thường trực gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương với tổng quân
số khoảng 450.000 người và lực lượng quân dự bị khoảng 5 triệu người. |
Công bố Sách Trắng Quốc phòng 2009,
lần đầu tiên, Việt Nam công khai ngân sách quốc phòng, năm 2008 khoảng
27.000 tỉ đồng, chiếm 1,8% ngân sách quốc gia. Sách Trắng nêu chủ
trương của Việt Nam duy trì và phát triển quốc phòng đủ mạnh, kiên trì
chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ mà trọng tâm là
xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Việt Nam xây dựng quân đội có tổ chức
chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng
dự bị hùng hậu, được huấn luyện và trang bị các loại vũ khí ngày càng
hiện đại, đủ khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ, các lợi ích quốc gia và chế độ dân chủ nhân dân.
Sách Trắng 2009 cũng chính thức nêu
quan ngại của quốc phòng Việt Nam về tình hình tranh chấp chủ quyền
trên Biển Đông. Nêu rõ đối với các tranh chấp chủ quyền trên biển, mặc
dù có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền
không thể tranh cãi đối với các vùng biển, đảo của Việt Nam trên Biển
Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Sách Trắng cho
hay Việt Nam vẫn sẵn sàng đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh
chấp dựa trên các quy định của Công ước 1982 về Luật Biển của Liên Hợp
Quốc.
 |
Ảnh: Trường Sơn |
Việt Nam cũng mở rộng hợp tác với các
nước khác để đảm bảo an ninh trên biển. Hải quân Việt Nam đã lập đường
dây nóng và tiến hành tuần tra chung với hải quân một số nước như
Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu quả phối
hợp bảo vệ an ninh trên các vùng chồng lấn và khu vực giáp ranh trên
biển.
Tham gia giải quyết an ninh toàn cầu
Hợp tác quốc phòng đa phương và song
phương diễn ra sôi nổi. Trong thời gian là ủy viên không thường trực
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tham khảo ý kiến của các
nước không liên kết, phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên Hội đồng
Bảo an để đưa ra các quyết định về các vấn đề an ninh quốc tế phù hợp
với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Về hợp tác song phương, Bộ trưởng
Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa
Pháp thảo luận triển khai các thỏa thuận hợp tác quốc phòng, trong đó
có việc xúc tiến thành lập ủy ban hỗn hợp cấp cao, có nhiệm vụ triển
khai các chương trình chiến lược và hợp tác quân sự Việt - Pháp.
Việt Nam cũng đã tham dự các hội
nghị, diễn đàn như Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng
ASEAN, Hội nghị đối thoại an ninh châu Á ở Singapore...
Hợp tác quốc phòng được nhấn mạnh như
một trong những yếu tố quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định trong
khu vực và trên thế giới đồng thời cũng là một yếu tố quan trọng để
thực hiện các mục tiêu quốc phòng của Việt Nam.
Trong một thế giới ngày càng phụ
thuộc lẫn nhau, an ninh của Việt Nam không thể tách rời an ninh khu vực
nói riêng và an ninh của thế giới nói chung. Việt Nam chú trọng phát
triển quan hệ quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc
lập, chủ quyền của nhau, cùng có lợi.
Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng
chính thức với 65 nước trong đó có các cường quốc trên thế giới, đã
thiết lập tùy viên quốc phòng tại 31 nước. 42 nước đã thiết lập tùy
viên quốc phòng tại Việt Nam.
Lần đầu tiên, tàu Hải quân TQ thăm và giao lưu với Hải quân VN
Hai tàu Hải quân Trung Quốc số hiệu
755 và 756 cùng 124 sĩ quan, thủy thủ thăm cảng Hải Phòng, đánh dấu lần
thứ ba tàu Hải quân Trung Quốc tới thăm Việt Nam và là lần đầu tiên đến
thăm, giao lưu với Hải quân Việt Nam trong khuôn khổ hoạt động tuần tra
chung, nhằm tăng cường sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau.
Đây cũng là hoạt động thúc đẩy mối
quan hệ hữu nghị giữa hai nước nói chung, quân đội và hải quân hai nước
nói riêng, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trên vịnh Bắc bộ.
 |
Ảnh: Nhandan.com.vn |
Trong năm nay, Hải quân Việt Nam cũng
ghé thăm Trung Quốc. Cuối tháng 6/2009, hai tàu hải quân và hơn 100 sỹ
quan, thủy thủ Việt Nam đã thăm cảng Trạm Giang, Trung Quốc.
Năm 2009, tiếp tục các hoạt động hợp
tác an ninh quốc phòng, hàng loạt tàu hải quân nước ngoài đã cập cảng
thăm Việt Nam. Hai tàu hải quân Ấn Độ mở đầu với chuyến thăm cảng Hải
Phòng. Tàu Singapore, Brazil, tàu hải quân Thái Lan đã thăm TP.HCM, tàu
hải quân Pháp, Nga, tàu Heezen của Mỹ đã ghé thăm cảng Đà Nẵng.
Việt - Mỹ công khai quan hệ quốc phòng
Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh lần đầu tiên thăm hữu nghị chính thức Mỹ
(10 - 15/12) trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và là Bộ
trưởng Quốc phòng Việt Nam thứ hai thăm chính thức Mỹ sau chiến tranh
và bình thường hóa quan hệ.
Trong bối cảnh hai nước đang không
ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng lên một bước mới, chuyến thăm
đạt kết quả quan trọng khi lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước xác định đặt
mối quan hệ hợp tác trong mối quan hệ chung của hai bên, công khai
và không ảnh hưởng đến nước thứ ba.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Mỹ
của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh góp phần hiện thực hóa việc bình thường
hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ theo tinh thần tuyên bố chung giữa lãnh đạo
cấp cao hai nước, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế của đất nước cũng như
của quân đội Việt Nam trên trường quốc tế và góp phần thúc đẩy hợp tác
về kinh tế giữa hai nước.
 |
Ảnh: TTXVN |
Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng
song phương, hai bên cũng đặc biệt quan tâm giải quyết những vấn đề hậu
chiến tranh như rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại trong chiến
tranh, tìm kiếm quân nhân mất tích, tẩy rửa chất độc da cam, cung cấp
cho Việt Nam những thông tin liên quan đến những vị trí tàng trữ, phun
rải chất độc.
Việt Nam trao trả 894 bộ hài cốt quân
nhân Mỹ và trao cho phía Mỹ 13 điểm sẽ tổ chức khai quật hỗn hợp nhằm
rút ngắn thời gian để sớm kết thúc việc tìm kiếm người Mỹ mất tích tại
Việt Nam. Để đẩy nhanh tiến độ, năm 2009, Việt Nam cho phép tàu Mỹ vào
lãnh hải tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA).
Việt Nam mua tàu ngầm của Nga
Trong chuyến thăm làm việc tại Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (14-15/12), Việt Nam đã thoả thuận mua tàu ngầm, máy bay và thiết bị kỹ thuật quân sự
với sự trợ giúp phù hợp của Nga. Là nước bạn truyền thống của Việt Nam,
các hệ thống trang bị vũ khí của Nga từ lâu đã quen thuộc với Việt Nam.
Thỏa thuận mới là bước hợp tác tiếp theo của quốc phòng Việt Nam và
Liên bang Nga trên cơ sở quan hệ truyền thống và mang tính lâu dài,
cũng như góp phần củng cố và hiện đại hóa quân đội Việt Nam.
Trung trướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng: "Nga
là một đối tác quan trọng của Việt Nam song Việt Nam cũng tìm hiểu để
mua sắm trang thiết bị vũ khí hiện đại, tùy theo điều kiện kinh tế, sự
phát triển khoa học kỹ thuật của mình. Việt Nam chủ trương hợp tác với
tất cả các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như các nhu cầu của
Việt Nam".
Hợp tác quốc phòng với ASEAN
Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc phòng
với các nước ASEAN trong khuôn khổ chương trình xây dựng Cộng đồng
Chính trị - An ninh ASEAN và phù hợp quan hệ song phương với từng nước
theo hướng mở rộng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hợp tác
đào tạo, huấn luyện, phối hợp xử lý các vấn đề an ninh mà các bên cùng
quan tâm. Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch Bộ trưởng Quốc phòng chính
thức năm 2010.
 |
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. Ảnh: VOV News |
Kiện toàn lực lượng dân quân tự vệ
Với Luật Dân quân tự vệ
được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6, quốc phòng Việt Nam
tổ chức kiện toàn lực lượng dân quân tự vệ, một trong ba thành phần của
lực lượng vũ trang nhân dân.
Dân quân tự vệ được tổ chức là một
trong các lực lượng chủ yếu ở địa phương, cơ sở có chức năng bảo vệ
Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài
sản của Nhà nước; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng khu vực
phòng thủ; phòng, chống âm mưu và hành động chống phá sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; làm nòng cốt cùng
toàn dân đánh giặc khi có chiến tranh ở địa phương, cơ sở.
Thay đổi trang phục quân đội lớn nhất từ trước đến nay
Đúng ngày 22/12/2009, toàn quân thống
nhất mặc trang phục sĩ quan mới kiểu K-08 với màu chủ đạo là xanh ô
liu. Đây là lần thay đổi trang phục quân đội lớn nhất từ trước đến nay.
Trước yêu cầu đặc thù của các hoạt
động quân sự và xây dựng quân đội trong giai đoạn cách mạng mới, từng
bước hiện đại và hội nhập quốc tế, Bộ Quốc phòng đã đưa ra chủ trương
cải tiến quân phục cho phù hợp.
(Theo Vietnamnet.vn)