Những “mảnh ghép” tình yêu Hà Nội
Tên sách gợi nhớ tới một câu thành ngữ "Hà Nội 36 phố phường", nhưng "Hà Nội 36 tạp văn" không chỉ là hoài niệm bàng bạc về một Thăng Long xưa, mà còn chất chứa những trăn trở, suy tư của nhiều trí thức về một Hà Nội những ngày đang sống. Ta sẽ gặp tiến sĩ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái rưng rưng trong tùy bút "Áo bông chần ấm áp mùa đông". Đó là một ánh nhìn xa vời hun hút về chút "se se lạnh cuối thu đầu đông Hà Nội, về ngày còn thơ ấu, được mặc chiếc áo ấm mùa đông, áo bông mẹ khâu tay cho chị em tôi và áo bông chần bà tôi hay mặc khi đưa chúng tôi về quê nội mùa Tết Nguyên đán"…
Ta sẽ thấy lòng mình chợt quay quắt, xót xa trước tùy bút "Gió vẫn thổi qua ô cửa trống" của Nguyễn Tham Thiện Kế: "Hà Nội của những phố cổ, của những làng nghề thanh sạch, điềm tĩnh. Và những khu phố mang dáng dấp của
Paris thu nhỏ ở Đông Dương. Nét đặc sắc duy nhất chỉ có ở Hà Nội, trong tất cả các đô thị người Pháp xây dựng ở hải ngoại. Một trong vô số nét
Paris, ấy là ngôi biệt thự cổ mang kiến trúc đặc trưng miền nam Pháp nằm giữa vườn cây; biệt thự "hỏa xa" của ông trẻ tôi, vốn là kỹ sư đường sắt". Một đời người tưởng để lại một dấu ấn nào đó, nhưng rồi, khi người ông trẻ ra đi, tất cả thành hư vô. Một góc ký ức của đứa cháu đã bị khuyết thiếu và một phần Hà Nội cũng không còn nguyên vẹn. Trường hơi trong những câu văn dài, xoáy sâu vào cảm xúc, cộn cạo từ ruột gan mà cho ra những con chữ. Cái mất mát của Nguyễn Tham Thiện Kế cũng sẽ khoét sâu vào bất cứ ai đọc tạp bút này.
Ở đây thấy một nhà văn Nguyễn Quang Lập đa đoan đa sự nên cứ da diết "Thương nhớ vỉa hè": "Hà Nội có cây xanh, có hồ ao, có vỉa hè, thiếu ba thứ đó không ra Hà Nội. Cái chất quê nghìn năm xứ Việt tụ cả lại nơi đây, tạo nên vẻ đẹp thuần Việt mê hồn". Độc giả sẽ được cùng nhà văn Trần Mạnh Hảo đứng bên ô cửa máy bay mà nhìn "Sông Hồng bay": "Tôi nhìn thấy sông Hồng mùa xuân này đang căng buồm lịch sử. Sông Hồng bế Hà Nội lên bay vào thiên niên kỷ mới như sông từng bế cả nghìn xưa bồi đắp cho thịnh vượng hôm nay".
Mỗi người viết, dù đang từng ngày sống ở Hà Nội như Trần Chiến, Phan Quế, Mai Thục, Phạm Thanh Hà, Đỗ Bích Thúy… hay ở xa đất này như Phan Triều Hải, Lê Thiếu Nhơn, Lê Minh Hà, Trần Nguyễn Anh... qua tạp văn đều chân thành tỏ bày tình yêu của mình với Thủ đô và ước mong Hà Nội dù có được mở rộng đến đâu vẫn giữ được những vẻ đẹp bí ẩn khiến người ta phải nhớ.
Chọn con số 36, người làm sách như ngầm định đó là con số gắn với Hà Nội. Vì vậy, đọc hết 36 bài viết, bạn đọc sẽ càng có thêm những trải nghiệm, nhận thêm những "mảnh ghép yêu thương" ấy vào tâm hồn mình để khơi gợi và làm đầy thêm tình yêu của mỗi người với mảnh đất Thăng Long đang bước vào tuổi 1000.
(Theo Hanoimoi.com.vn)