Hoa nở trên xác “pháo đài bay”

Xác pháo đài bay trong vườn nhà họa sỹ Lê Thanh.
|
Kỷ vật quý trong lòng phố...
Đã 37 năm qua, xác "pháo đài bay" B52 của đế quốc Mỹ tan tành trên bầu trời Hà Nội mùa đông năm 1972, gồm mấy mảnh đuyara, hai động cơ máy bay vẫn nằm vẹn nguyên trong góc vườn nhà họa sỹ Lê Thanh. Cũng từng ấy tháng năm, trong ông cứ đau đáu một nỗi niềm: "Không biết người phi công lái chiếc máy bay B52 này còn sống hay không?". Ông hy vọng anh ta còn sống để một ngày nào đó về thăm lại chốn cũ, cùng ông nói chuyện để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Nếu có buổi hội ngộ ấy, họa sỹ Lê Thanh và người phi công đó sẽ chỉ nói về văn hóa, về hội họa, về tất cả những gì họ đã trải nghiệm được trong cuộc đời qua từng ấy tháng năm.
Trở lại câu chuyện của họa sỹ Lê Thanh. Đêm 23 tháng Chạp năm 1972 là một trong những đêm khốc liệt nhất trong cuộc chiến của quân dân Hà Nội đánh trả máy bay B52 của địch. Cái đêm ấy, cả Hà Nội không ngủ. Ai cũng hân hoan, phấn khích lao lên nóc hầm tránh bom chứng kiến những "rồng lửa Thăng Long" giáng những đòn chí mạng vào lũ "thần Sấm", "con ma", "pháo đài bay"… Cũng như bao người con Hà Nội, lúc ấy họa sỹ Lê Thanh còn đang trực chiến tại số 7 Trần Phú. Khoảng 22h, một người phóng xe đạp qua hỏi: "Ở đây có ai là Lê Thanh không? Anh về nhà ngay, máy bay B52 rơi vào nhà anh rồi!". Họa sỹ vội về nhà, đến đầu làng Ngọc Hà, nhìn qua hồ thấy lửa cháy rừng rực. Ngôi nhà làm bằng gạch ba banh và giấy dầu bén lửa cháy rụi. Sáng hôm sau, trên đống tro tàn đổ nát là một phần của chiếc máy bay B52. Và họa sỹ đã gìn giữ kỷ vật đau thương này chừng ấy năm qua với ước muốn rất thiện như đã nói ở trên.
Là một trong hàng triệu tấm lòng nhân ái, vị tha của người Hà Nội, cũng như họa sỹ Lê Thanh, trong những ngày này, trở về phố Khâm Thiên, dưới chân tượng đài người mẹ bồng xác con thơ tiêu biểu cho ý chí quật cường của "Hà Nội căm thù và chiến thắng", đâu đâu cũng thấy những tấm lòng bao dung, cùng khép lại quá khứ để mở rộng tương lai. Tôi đã lắng nghe và cảm nhận được suy nghĩ của biết bao người con Khâm Thiên khi trở về thắp một nén nhang cho những người thân đã ngã xuống vì bom đạn thù ngay trên quê hương mình.
… và nỗi lòng một vị tướng
Trung tướng Trần Nhẫn, nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn Phòng không Hà Nội, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không hiện nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh là một độc giả thân của báo Hànộimới. Năm nào cũng vậy, cứ những ngày tháng 12 lịch sử, ông lại dõi về Thủ đô bằng những lời tâm sự gửi gắm về những năm tháng không quên mùa Đông năm 1972. Với ông, báo Hànộimới đã trở thành nhịp cầu nối thân thương để trái tim ông luôn gần gũi với Thủ đô, nhớ về kỷ niệm một thời oanh liệt.
Năm nay, trong bức thư gửi báo Hànộimới, Trung tướng Trần Nhẫn kể lại một trong những trận đánh ác liệt, mưu trí nhất của bộ đội ta vào đêm 22 tháng 12 năm 1972. Trận đánh đúng ngày kỷ niệm thành lập QĐND Việt Nam do ông là người trực tiếp chỉ huy một mũi tác chiến, giáng những đòn sấm sét vào đầu lũ giặc trời.
3 giờ 37 phút sáng 22-12, sau nhiều ngày đêm đánh phá ác liệt, máy bay Mỹ lại mò vào vùng trời Thủ đô. Đúng như Bộ Chỉ huy nhận định, địch tập kích vào giờ này chắc nghĩ rằng bộ đội ta đã mệt mỏi sau ba đêm thức trắng, sẽ mất cảnh giác. Nhưng chúng đã lầm. Chiến thắng của những trận mở màn cổ vũ bộ đội ta thừa thắng giành thêm một trận thắng nữa cũng đặc biệt xuất sắc, chỉ trong vòng 4 phút bắn rơi tại chỗ 3 "siêu pháo đài bay" B52. 3 giờ 42 phút, Tiểu đoàn 57 bắn rơi một chiếc ở chợ Bến (Hòa Bình), Tiểu đoàn 78 bắn rơi một chiếc ở Thanh Miện (Hải Hưng). 3 giờ 46 phút, Tiểu đoàn 93 bắn rơi một chiếc ở Quỳnh Côi (Thái Bình). Tính ra trong trận này, chúng ta đã diệt được một phần tám lực lượng B52 địch huy động trong một trận đánh, đạt tỷ lệ 13%. Một tỷ lệ mà sau này chỉ huy không quân chiến lược Mỹ phải thú nhận "không thể nào chịu nổi". Đó là trận thắng xuất sắc của Bộ đội Phòng không Hà Nội chúc mừng ngày truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam Anh hùng.
Trung tướng Trần Nhẫn kể tiếp, ngay chiều cùng ngày, tại trận địa Chèm, nơi Tiểu đoàn 77 liên tiếp bắn rơi tại chỗ 3 B52 của giặc Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đến tận nơi động viên những chiến sĩ dũng cảm, thông minh thân yêu của Thủ đô vừa giáng cho không quân chiến lược Mỹ một bài học nhớ đời. Giữa trận địa còn khét mùi bom đạn, Đại tướng Tổng Tư lệnh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ nhiệt liệt biểu dương chiến công xuất sắc của Tiểu đoàn. Rất thân tình và cởi mở, Đại tướng siết chặt tay từng người trong kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 77, gồm Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn, sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức, các trắc thủ Lưu Văn Mộc, Đỗ Đình Tân, Phạm Hồng Hà chăm chú lắng nghe anh em kể lại những tình tiết thú vị của trận đánh...
Cùng với Trung tướng Trần Nhẫn, họa sỹ Lê Thanh và những người con ưu tú của Hà Nội thân yêu đã cùng nhau làm nên một "Điện Biên Phủ trên không" không thể nào quên. 37 năm sau, quá khứ đã khép lại bằng tấm lòng độ lượng, bao dung để hoa bốn mùa mãi nở thắm trên xác “pháo đài bay”.
(Theo Hanoimoi.com.vn)