Lễ hội trong khu phố cổ: Để sống lại giá trị văn hóa truyền thống
 |
Lễ hội trong khu phố cổ được tổ chức thường niên. Ảnh: Khánh Nguyên |
Đề án tập trung trí tuệ của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và những đơn vị quản lý văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với 15 chuyên đề và nhiều tham luận. Theo đó, 14 lễ hội tiêu biểu sẽ phục dựng tại 10 phường và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Trong đó 9 lễ hội truyền thống được tiến hành bảo tồn và nâng cấp là những lễ hội rất cổ đến nay một số vẫn được tổ chức nhưng chỉ có phần lễ mà thiếu phần hội. Bổ sung hai lễ hội mới là lễ hội truyền thống Liên khu I và Vua Lê đăng quang. Ba lễ hội sẽ phục dựng là: Trung thu phố cổ, nghề kim hoàn và đông y - dược cổ truyền.
Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội nhấn mạnh, việc khôi phục các lễ hội truyền thống cần bảo đảm cả phần lễ và phần hội, căn cứ vào truyền thống, nghi thức xưa trên cơ sở xem xét kỹ lịch sử của di tích, danh nhân và lịch sử lễ hội để có sự điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh sống của người dân, khuôn viên di tích và các điều kiện chung của khu phố cổ hiện tại. Đại diện phường Hàng Trống đưa ra đề xuất để tổ chức lễ hội sao cho khoa học, tiết kiệm và ý nghĩa, trong đó có việc lựa chọn kịch bản, xác định quy mô, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị, các hội ngành nghề, các dòng họ, cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp nhằm “xã hội hóa”...
Tuy nhiên, không ít người lo âu, với đề án đồ sộ như vậy mà kinh phí tổ chức lễ hội còn bị bỏ ngỏ. Có lẽ vì vậy mà lễ hội truyền thống Liên khu I với ý nghĩa ghi nhận chiến công của quân và dân cùng Trung đoàn Thủ đô trong những ngày Toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946, đặc biệt là tưởng nhớ các liệt sĩ đã chiến đấu bảo vệ Thủ đô, dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 12 nhưng chưa được thực hiện. Năm 2004, dự án “Hà Nội 2010: Di sản và đặc trưng văn hóa” do phía Pháp giúp xây dựng, đặt ra những mục tiêu, chương trình rõ ràng, tỉ mỉ và đồng bộ giữa tất cả các khâu, từ cơ sở hạ tầng cho đến các vấn đề liên quan đến đời sống của người dân trong khu phố cổ, trong đó có việc tìm hiểu và tổ chức một festival văn hóa trong khu phố cổ nhưng rốt cục vẫn không thể thực hiện được. Vấn đề quan trọng là làm sao thu hút người dân trong khu vực phố cổ tham gia vào các hoạt động trong lễ hội, nhất là trong điều kiện đa phần dân cư đều bận rộn với các hoạt động kinh doanh, buôn bán cả ngày lẫn đêm. Rồi chuẩn bị các sản phẩm ra sao... Dù đề án đang nằm trên giấy nhưng Tuần liên hoan Trung thu phố cổ Hà Nội được tổ chức thường niên từ năm 2004 đến nay với nhiều nội dung và hình thức phong phú, thiết thực khiến những người tâm huyết với phố cổ Hà Nội thêm phấn chấn để tiếp tục triển khai đề án, nhất là nhiều chuyên đề được đánh giá cao về khả năng xã hội hóa với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, thương nhân…
Hội thảo nói trên đã đặt ra vấn đề khôi phục các lễ hội gắn liền với tu bổ, tôn tạo di tích. Trong khi đó, theo con số thống kê chưa đầy đủ, tại quận Hoàn Kiếm, có khoảng 500 hộ dân, với gần 2.000 nhân khẩu đang sinh sống trong các di tích. Chỉ riêng nhà số 50 phố Hàng Bạc nguyên là đình Trương Thị (xây dựng năm 1811) có đến 20 hộ dân sinh sống và bây giờ đã thành nhà riêng. Theo báo cáo, quận Hoàn Kiếm đang khẩn trương tiến hành tu bổ hoàn thiện các di tích như đền Bạch Mã, đình Yên Thái, đình Nam Hương, tượng đài Vua Lê, đình Kim Ngân… Đình Kim Ngân đã được giải phóng mặt bằng, di chuyển 23 hộ dân và đang được tu bổ tổng thể. Đình Nam Hương đã mở rộng khuôn viên và đầu tư nâng cấp nhiều hạng mục.
Lễ hội là một trong những giá trị văn hóa phi vật thể có vị trí đặc biệt góp phần tạo nên hồn vía cho phố cổ Hà Nội và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Hà Nội từ nhiều năm nay. Khi đề án này được triển khai, không chỉ du khách mà người Hà Nội có dịp được sống với các nghi thức cúng, tế lễ, đặc biệt là lễ hội trong các di tích thờ thiên thần, nhiên thần và nhân thần ở khu vực này. Hy vọng, nét linh thiêng và hào hoa của Hà Nội càng có dịp được tôn vinh, để không chỉ khách phương xa ấm lòng mà người Hà Nội đi hội sẽ tự hào, hồ hởi, chứ không phải chịu cảnh chen chúc gửi xe cách xa phố cổ hàng cây số với giá “cắt cổ” nhưng đến nơi chỉ nhìn thấy người, tắc đường và hàng hóa Trung Quốc bày la liệt...
TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, để lễ hội thành công phải chuẩn bị công phu và đầu tư nhiều mặt. “Nhiều khi, người ta tái hiện lịch sử trong các lễ hội nhưng lại hiểu lịch sử chưa thấu đáo. Tổ chức lễ hội là cả một vấn đề về khoa học quản lý văn hóa. Dù ai đứng ra tổ chức thì cũng cần phải đầu tư, nghiên cứu công phu mới thành công và phải tiến hành từng bước thận trọng mới có thể làm sống lại các giá trị truyền thống của văn hóa lễ hội”.
(Theo Hanoimoi.com.vn)