Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 28/12/2009 03:21
Hội nghị quốc tế tìm giải pháp xuất khẩu sách Việt
Diễn ra trong 6 ngày với 300 đại biểu đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN, bắt đầu từ 5/1, được coi là "sự kiện tiếp thị" lớn, "phát quang" con đường ra thế giới cho sách Việt.

Với quy mô và tầm vóc đó, hội nghị xứng đáng là nơi để giới văn chương kỳ vọng. Nhưng để văn học VN rộng đường ra thế giới, ngoài những mong đợi dành cho một hội nghị, các nhà văn, dịch giả còn chia sẻ nhiều giải pháp khác.

'Hội nghị đến tôi không mong đợi gì'

Dịch giả Ngô Tự Lập. Ảnh: st.

Tại buổi họp báo diễn ra ngày 15/12, Hội nhà văn công bố 6 mục tiêu lớn của hội nghị. Tất cả đều xoay quanh việc giới thiệu văn học VN, tạo lập mối quan hệ, tìm giải pháp cho việc quảng bá văn học Việt ra nước ngoài. Nhưng liệu những mục tiêu đó có đạt được hiệu quả mong muốn hay chỉ tồn tại trên giấy? Trò chuyện với VnExpress.net, dịch giả Ngô Tự Lập cho biết: "Các hội nghị ở ta phần lớn đều nặng tính hình thức hơn là hiệu quả. Kỳ vọng lớn nhất của tôi là được gặp những dịch giả, những người bạn nước ngoài tôi đã có dịp quen biết, nói chuyện với họ và nhìn thấy nụ cười của họ ở VN". Bắt chước một câu hát quen thuộc, anh nói vui: "Hội nghị đến tôi không mong đợi nhiều, hội nghị đi tôi cũng... hơi nuối tiếc".

Không dám kỳ vọng nhiều, nhà phê bình, dịch giả Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: "Tôi muốn coi đây như một hội nghị tiếp thị văn học VN. Hy vọng sự kiện này sẽ giúp thiết lập được một kênh giao tiếp giữa Hội Nhà văn - nhà xuất bản trong nước - nhà xuất bản nước ngoài để duy trì mối quan hệ đều đặn".

Nhưng với nội dung chương trình đã được công bố, hội nghị dường như nghiêng về phần "hội" hơn là phần "nghị". Sau ngày đầu tiên dành cho lễ khai mạc với các nghi thức chào hỏi, đại biểu có gần 4 ngày tham quan, dự chiêu đãi và thưởng thức các chương trình văn hóa nghệ thuật. 4 chuyên đề thảo luận được hoàn tất chỉ trong một ngày. Nội dung được trông đợi nhất - giao lưu, tạo lập quan hệ giữa các nhà xuất bản trong và ngoài nước - diễn ra vỏn vẹn trong một buổi sáng với lễ ký kết văn bản ghi nhớ giữa Hội nhà văn và các đối tác nước ngoài.

'Không thể dịch văn học theo kiểu nhờ cậy, quen biết'

Dịch giả Đoàn Tử Huyến. Ảnh: st.

Tuy chưa nhiều, nhưng đã có những tác phẩm văn học VN, có những tác giả trong nước được dịch ra nước ngoài. Phần lớn, con đường xuất ngoại đó đều là hệ quả của những nỗ lực tự thân của tác giả, dựa vào các mối quan hệ quen biết, nhỏ lẻ. Sách Việt ít trường hợp ra nước ngoài nhờ "hữu xạ tự nhiên hương". Theo dịch giả Ngô Tự Lập, khó có thể phủ nhận một thực tế, rằng văn hóa, văn học Việt chưa trở thành mối quan tâm của thế giới, một phần vì VN chưa phải là một cường quốc kinh tế lớn. Ông nói: "Muốn văn học được giới thiệu ở nước ngoài, VN cần trở thành cường quốc. Có kính trọng chúng ta, người ta mới kính trọng văn hóa, văn học của chúng ta. Không thể tách riêng đời sống tinh thần với điều kiện kinh tế. Chỉ khi VN mạnh lên, VN mới khiến cho những học giả xuất chúng ở nước khác phải học tiếng Việt, tìm hiểu và dịch văn học". Ông lấy ví dụ, Hàn Quốc đã tiến sát đến giải Nobel văn chương, bởi họ đang trở thành một cường quốc hàng đầu. Theo ông, đó mới là cái gốc. Còn về phương pháp, việc giới thiệu văn học đang được chúng ta tiến hành rất manh mún, bằng sự quen biết, nhờ sự hảo tâm, đó là chưa nói còn có cả sự ghen tỵ, cánh hẩu xen vào công việc lựa chọn”.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến lại cho rằng, trong khi chờ đợi thế giới tìm đến với VN, VN cũng có thể chủ động giới thiệu bản thân một cách thuyết phục thông qua những dự án dịch thuật có hệ thống. Theo ông, nhà nước nên tài trợ "xuất khẩu văn học" từ việc tổ chức tuyển chọn, dịch cho đến in ấn, phát hành. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến khâu tuyển chọn và dịch thuật. "Việc chuyển ngữ tác phẩm tiếng Việt ra tiếng nước ngoài theo tôi phải do các dịch giả nước ngoài thực hiện. Có như thế mới đảm bảo giá trị và hiệu quả tiếp nhận cho tác phẩm. Hơn nữa, chúng ta phải biết mình có những gì và hay ở chỗ nào. Không phải mọi thứ chúng ta muốn dịch đều được thế giới thích", ông nói. Hiện tại, Trung tâm Văn hóa, Ngôn ngữ Đông Tây - nơi ông Huyến làm chủ tịch - đang tổ chức dịch sang tiếng Thụy Điển tuyển tập Thơ VN hiện đại. Trong số các nhà thơ được lựa chọn, Đông Tây giới thiệu nhiều tác giả thuộc loại "cây đa, cây đề" của nền văn học chống Mỹ. Nhưng phía Thụy Điển dường như lại thích những tác giả trẻ như Phan Huyền Thư, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương… hơn. "Có lẽ bởi những tác giả trẻ này có tư duy hiện đại, gần với người châu Âu", ông Huyến giải thích. Vì vậy, việc tìm hiểu thị hiếu của độc giả cũng đáng được coi là khâu quan trọng trong việc đưa văn học VN ra nước ngoài.

Dịch giả Phạm Xuân Nguyên. Ảnh: Hà Linh.

Trong khi chờ đợi VN giàu mạnh về kinh tế, chờ nhà nước chịu đầu tư kinh phí vào dịch thuật, sách Việt vẫn có thể len lỏi ra nước ngoài bằng con đường ngoại giao, bằng quan hệ qua lại lâu dài giữa các nhà xuất bản. Nhưng dịch giả Phạm Xuân Nguyên băn khoăn: "Những năm gần đây, rất nhiều sứ quán nước ngoài kết hợp với các tổ chức VN đưa tác giả, tác phẩm của họ sang giao lưu ở VN. Nhưng tôi chưa thấy một sứ quán VN nào ở nước ngoài làm được điều tương tự cho các tác giả trong nước. Các nhà xuất bản trong nước cũng đã làm rất tốt việc đưa văn học thế giới vào VN, nhưng dường như lại chưa thật ý thức trong việc đưa văn học VN ra thế giới".

Tuy nhiên, trên mọi giải pháp, ông Nguyên cho rằng: "Dịch giả, nhà xuất bản muốn dịch cần phải có tác phẩm. Vì vậy, vấn đề quan trọng là bản thân các nhà văn phải trau dồi hơn nữa, tạo ra những tác phẩm thực sự xuất sắc, thực sự thu hút được độc giả thế giới".





(Theo Evan.vnexpress.net)

 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)