Giáo dục 2009 - chưa ra khỏi “vùng trũng tư duy”
Tấm màn thanh thiên của năm 2009 sắp khép lại
Ngành giáo dục đã tự chọn 10 sự kiện
nổi bật xoay quanh hai chủ đề: Đổi mới cơ chế tài chính và đổi mới quản
lý, nâng cao chất lượng GD. Nói theo khái niệm của kiểm định chất
lượng, đó là hoạt động "đánh giá trong" (tự đánh giá). Nhưng vẫn còn
một cách đánh giá khác- "đánh giá ngoài" của xã hội, cũng dựa trên
những đặc thù năm học, và những chủ trương lớn nhất của GD. Có thế,
diện mạo GD mới tỏ tường.
Năm 2009 khá thuận lợi với ngành, bởi
có 3 sự trợ lực lớn: Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận, chỉ đạo phương
hướng phát triển GD đến năm 2020; Quốc hội thông qua chủ trương định
hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD; và Luật sửa đổi bổ sung
một số điều của Luật GD.
Sự trợ lực mạnh mẽ đó, cả hướng đạo
tinh thần lẫn nguồn lực tài chính to lớn, liệu có làm mạnh mẽ hơn nội
lực của ngành sau quá nhiều bất ổn?
GD phổ thông: Diện mạo lỗi thời không mấy đổi thay
Công
bằng mà nói, đây cũng là năm GD và ĐT nói chung, trong đó GD phổ thông
nói riêng có nhiều nỗ lực mong muốn xoay chuyển tình thế. Cứ nhìn trên
đầu việc, và con số thống kê sự kiện nổi bật của năm thì rõ. Nhưng cho
dù có sự cố gắng của thầy trò các nhà trường, sự vượt khó và tận tụy
của hàng trăm, hàng ngàn thầy và trò những vùng khó khăn của Tổ quốc,
diện mạo cùng chất lượng GD năm 2009 không mấy đổi thay. Vì sao?
Vì bản chất tổ chức và hoạt động dạy-
học của nền GD vẫn ở trạng thái lỗi thời, lạc hậu mang tính truyền thụ
một chiều: Thầy đọc- trò chép. Cho dù mới đây ngành có một động thái
tích cực: Tổng kết chương trình cấp THPT, rà soát CT, SGK các cấp học
khác để chuẩn bị đổi mới CT, SGK năm 2015.
Vì cơ chế vận hành và quản lý GD vẫn là
cơ chế quản lý tập trung, ban phát xin- cho. Các trường không có quyền
tự chủ về cả nhân sự, tổ chức và tài chính.
Vì hoạt động đánh giá, thi cử của
ngành, trừ bậc tiểu học bước đầu có sự thay đổi. Một số môn học đánh
giá học sinh bằng nhận xét quá trình (định tính) thay cho cách đánh giá
theo định lượng (điểm số) trước đây- một chủ trương đúng đắn, phù hợp
tâm lý lứa tuổi học đường. Còn lại hoạt động đánh giá, thi cử, thi đua
của ngành phổ biến vẫn theo kiểu cũ, chỉ có tác dụng kích thích các địa
phương chạy theo chất lượng một cách hình thức.
Chính vì vậy, cuộc vận động "Hai không"
chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD, trừ năm đầu
tiên, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông khá sát với chất lượng (hơn
65%), ngay năm sau, và cho đến năm 2009 này, kết quả tốt nghiệp của cả
nước lại tiếp tục tăng cao vọt (hơn 80%), trong khi các điều kiện bảo
đảm chất lượng không cải thiện đáng kể. Tâm lý quá nặng thành tích của
ngành đã tự "vô hiệu hóa" ý nghĩa và hiệu quả của cuộc vận động.
Mang trong mình những nhược điểm lớn cố
hữu nhưng nếu chỉ chạy theo sửa chữa chắp vá kiểu "sai đâu sửa đó", như
hội thảo "Triển khai đổi mới phương pháp dạy học 4 môn: Ngữ văn, Lịch
sử, Địa lý và Giáo dục công dân", cũng được lựa chọn là 1 trong 10 sự
kiện nổi bật nhất của năm, chắc chắn ngành GD không thể thay đổi được
tình thế, không thể chữa khỏi căn bệnh lỗi thời mãn tính hiện nay.
Đại học: "Đổi mới cơ chế quản lý" bằng tư duy...cũ
Với ngành ĐH, năm 2009, "Đổi mới cơ chế
quản lý GD" được coi là chủ trương lớn nhất mang tính đột phá, hy vọng
cải thiện sự bất cập và yếu kém của chất lượng đào tạo.
Bản chất của chủ trương này mang 2 nội
dung cơ bản gắn bó hữu cơ: 1)Tăng quyền tự chủ, gắn với trách nhiệm xã
hội của các trường. 2) Xóa bỏ cơ chế xin- cho của Bộ chủ quản.
Tuy nhiên muốn tự chủ tốt, các trường
phải có một thiết chế quản lý phù hợp đồng bộ với mục tiêu đổi mới- đó
là hội đồng trường- tổ chức quyền lực cao nhất trong nhà trường, đại
diện cho lợi ích cộng đồng, giúp các trường thực hiện tự chủ, và chịu
trách nhiệm xã hội một cách công khai, minh bạch, đúng luật định.
Với thiết chế hội đồng trường, bản thân
hiệu trưởng các trường chỉ là một thành viên. Với việc xóa bỏ cơ chế
xin- cho, quản lý của Bộ GD phải "căn" đúng chức năng quản lý nhà nước,
kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, định hướng,
không còn quyền lợi ban phát, ân huệ kiểu "con khóc, bố cho ti".
Phải chăng, vì thiết chế đó thực chất
đã đụng chạm tới lợi ích cục bộ của cả hai phía- quản lý các trường và
Bộ chủ quản, mà hội đồng trường, một nội dung cơ bản của đổi mới cơ chế
quản lý, rất phổ biến ở GD ĐH các nước nhưng ở ta, lại rơi vào trạng
thái "lý thuyết màu xám, và cây đời cũng xám luôn"?
Đến nay, vẫn chỉ vỏn vẹn trên dưới chục
trường/ 120 trường ĐH có hội đồng trường. Nhiều hội đồng trường "ngắc
ngoải", không có sức mạnh của cơ quan quyền lực đúng nghĩa. Điều đó có
nghĩa, sự tự chủ gắn với trách nhiệm xã hội của các trường còn lâu mới
minh bạch được, cho dù ngành chủ trương sẽ "3 công khai"(công khai tài
chính, công khai điều kiện đào tạo và công khai chất lượng).
Đổi mới cơ chế quản lý GD cũng không có
nghĩa là "buông lỏng" cho các trường tự tung tự tác. Tiếc thay, năm
2009, thực trạng này đã xảy ra khá phổ biến và rất khó hiểu, ở lĩnh vực
đáng phải quản lý chặt chẽ nhất- loại hình trường tư thục.
Chưa bao giờ, các trường ĐH tư thục nở
như nấm sau mưa. Báo cáo tổng kết của Bộ GD (tháng 8/2009) phải thừa
nhận: "Quy mô đào tạo ĐH, CĐ tăng đáng kể trong 10 năm qua, đặc biệt số
lượng trường tư thục phát triển nhanh chóng, nhưng năng lực quản lý,
chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số trường còn hạn chế, chưa đáp ứng
yêu cầu đổi mới và hội nhập...".
Cũng báo cáo này cho biết: "Năm 1987 cả
nước có 101 trường ĐH, CĐ (63 trường ĐH, 38 trường CĐ), đến năm 2009,
có 376 trường ĐH, CĐ, tăng gấp 3,7 lần (150 trường ĐH, gấp 2,4 lần; và
226 trường CĐ, gấp 6 lần). Tổng số sinh viên tăng từ 133.136 lên
1.179.499 (gấp gần 13 lần). Số giảng viên tăng từ 20.212 lến 61.190
(gấp 3 lần)... Trong khi đó, phương pháp quản lý của Bộ GD đối với các
trường không thay đổi: Quản lý tập trung...khả năng kiểm soát, đánh giá
chất lượng đào tạo... ngày càng khó khăn..."
Đỉnh cao của sự lỏng lẻo trong quản lý
là "hiện tượng" Trường ĐH tư thục Phan Thiết, thiếu quá nhiều các điều
kiện vật chất, đội ngũ...bảo đảm chất lượng, nhưng lại tuyển sinh quá
chỉ tiêu... khiến dư luận xã hội cực kỳ bức xúc. Những nhà giáo có
lương tri không thể không bất bình.
GS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên đại biểu
Quốc hội phải đặt câu hỏi: "Quản lý ĐH rơi "tự do" đến bao giờ"? GS
Hoàng Tụy gay gắt: "Tôi xin được nói thẳng, GD sa sút không phải vì
thiếu tiền mà vì quản lý kém"...v.v...và .v..v
Mong muốn đổi mới cơ chế quản lý, nhưng
tư duy quản lý xơ cứng lại luôn "ám" mỗi chủ trương. Như việc phân cấp
quản lý mới đây cho các sở GD và ĐT tham gia giám sát chất lượng các
trường ĐH, một kiểu quản lý "cháo" chấm "cơm". Không thể kiểm soát nổi
thì thay thế cho một cơ chế xin- cho cấp cao hơn bằng một cơ chế xin-
cho cấp trung gian, thấp hơn.
Mong muốn đổi mới để lấy lại chữ "tín"
với xã hội, nhưng năm 2009 GD chưa ra khỏi "vùng trũng của tư duy". Nó
là hệ lụy tất yếu của cơ chế quản lý xã hội nhiều khuyết tật; của một
nền GD thiếu hẳn sự định hướng, định vị của lý luận nghiên cứu khoa học
GD; và thiếu cả tính minh triết - GD chỉ vì lợi ích tiến thân của người
làm GD.
Tiềm năng trí tuệ Việt
Cho
dù thế, trí tuệ Việt vẫn là một điều đáng tự hào và nhiều kỳ vọng. Năm
2009, học sinh giỏi VN vẫn giữ được độ đồng đều về chất lượng khi dự
thi các Olimpic quốc tế.
Và năm 2009 cũng là năm trí tuệ Việt,
gốc Việt nở bừng trên trường quốc tế. Một GS trẻ tuổi Ngô Bảo Châu,
được Tạp chí Time xếp công trình chứng minh Bổ đề cơ bản chương trình
Langlands là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu nhất năm 2009,
ứng viên sáng giá cho giải thưởng toán học danh giá nhất trên thế giới
- giải thưởng Fields.
Một Philip Roesler, 36 tuổi, người Đức
gốc Việt, được chọn làm Bộ trưởng Y tế Đức, cũng là bộ trưởng trẻ nhất
của nước Đức từ trước đến nay. Hay một GS Vicky Thảo D. Nguyễn, người
Mỹ gốc Việt duy nhất trong danh sách 100 nhà khoa học trẻ được nhận
giải thưởng của Tổng thống Mỹ B. Obama trong năm 2009. Một Yến Lê
Espiritu, nữ GS- TS Xã hội học người Việt của ĐH UC San Diego (Mỹ) được
trao tặng giải thưởng giảng dạy cao học xuất sắc. Một Trần Nguyên Phan,
sinh viên xuất sắc ở Nga, được chọn gặp tổng thống Nga...
Rõ ràng trí tuệ Việt là một tiềm năng
không nhỏ. Nếu biết khai thác, tiềm năng ấy sẽ biến thành sức mạnh lớn
cho sự thăng tiến của dân tộc.
Nhưng muốn thế, cơ chế quản lý xã hội phải biết tự "sửa mình", làm sạch ung nhọt với nền tảng pháp luật công bằng, minh bạch.
GD phải đổi thay quyết liệt, bằng một cuộc cải cách cơ bản, triệt để.
Và tính minh triết của GD phải thật sự
rõ ràng: Chỉ lợi ích của trẻ em là tối thượng. Và cũng chỉ điều đó, mới
mang đến cho GD sự vinh danh sang trọng:"Nghề cao quý".
(Theo Vietnamnet.vn)