Thông điệp 2010 và kỳ vọng vào người đứng đầu Chính phủ
Bên cạnh đó, có những
cuộc điện thoại, những gặp gỡ của nhiều trí thức ở trong và ngoài nước
quan tâm, đồng cảm với Thủ tướng qua thông điệp 2010. VietNamNet sẽ
giới thiệu bài viết của một số chuyên gia trong những ngày tới.
Tiến bộ trong tư duy và điều hành của Chính phủ
Lê Hoàng Minh
(Biên Hòa, Đồng Nai): Nếu tôi nhớ không lầm thì các đời thủ tướng trước
chưa từng có thông điệp đầu năm. Rõ ràng thấy có sự tiến bộ trong tư
duy và điều hành của Chính phủ. Tái cấu trúc nền kinh tế, cắt giảm thủ
tục hành chính, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, công khai minh
bạch thông tin đều là những hướng đi rất đúng đắn. Nếu những giải pháp
này được triển khai trong thực tiễn cuộc sống một cách quyết liệt, tôi
tin đất nước sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, cao hơn trước,
đáp ứng được khát khao và kỳ vọng của người dân và toàn xã hội.
Đoàn Mạnh Hà
(Định Công, Hà Nội): Thủ tướng đã gửi đến nhân dân một thông điệp rất ý
nghĩa và có trách nhiệm. Thủ tướng nhấn mạnh tới vấn đề phát triển kinh
tế vĩ mô, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội của đất nước. Thủ tướng
cần chú trọng và quyết liệt hơn về vấn đề tài nguyên môi trường, an
toàn thực phẩm để đảm bảo cho vấn đề an sinh xã hội của nhân dân.Thủ
tướng cần chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các vấn đề quyết liệt từ cấp
xã, phường,quận, huyện, tỉnh, thành phố đến trung ương để hoàn thành
mục tiêu to lớn của đất nước. Rất mong các cấp thực hiện quyết liệt, có
trách nhiệm với Thủ tướng, với Chính phủ và nhân dân.
Đỗ Mạnh Hưng (Hà Nội): Tôi, một thanh niên trẻ rất vui mừng và đồng tình, ủng hộ sự đúng đắn, sát sao thực tế của Đảng và Nhà nước.
 |
Ảnh: Trần Dũng |
Ý kiến của các công dân
Lê Hoàng Minh, Đoàn Mạnh Hà, Đỗ Mạnh Hưng cho thấy, người dân luôn luôn
đứng bên cạnh Chính phủ, ủng hộ những quyết sách của Chính phủ. Những
vấn đề mà các công dân nhấn mạnh trong ý kiến của mình cũng chính là
những vấn đề lâu nay chúng ta chưa thực làm tốt. Một vấn đề tồn đọng
lâu nay mà trong những năm tới chúng ta phải giải quyết được để các
chính sách của Chính phủ trở thành hiện thực. Đó là: Chính sách của Nhà
nước là đúng đắn, nhân dân đồng thuận và quyết tâm, nhưng các cấp thực
hiện đã không hoàn thành sứ mệnh của mình. Thậm chí, các cấp thực hiện
còn làm sai, gây thiệt hại nhiều mặt cho đất nước và có những nơi còn
làm mất lòng tin của nhân dân.
Trông chờ hành động quyết liệt trong thực tế
Hoàng Trà (Đà Nẵng) : Cảm ơn thông điệp
của Thủ tướng! Là người dân, tôi hy vọng Thủ tướng và những cộng sự của
mình sẽ làm rạng danh đất nước. Tôi tin vào Đảng và con đường mà Đảng
đã lựa chọn. Nhưng nếu nhìn một bộ phận không nhỏ những người là đảng
viên - cán bộ lãnh đạo hiện nay, nếu Thủ tướng không cương quyết, đất
nước sẽ đối mặt với lũ giặc "nội xâm" khó lòng đánh bại...
Nguyễn Mạnh Hùng (P9,
Q5, TP.HCM): Thông điệp của Thủ tướng đã nói rõ những thành tựu đạt
được của năm 2009. Đây là sự cố gắng và phát huy sự năng động của Chính
phủ trong năm 2009... Chúng tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và
Nhà nước. Tuy nhiên, căn bệnh tham nhũng, cửa quyền vẫn tồn tại. Chúng
tôi coi đây là món nợ của Thủ tướng và Chính phủ đối với nhân dân. Kính
chúc Thủ tướng và Chính phủ mạnh khỏe, sáng suốt vượt qua mọi gian nan
thử thách năm 2010, đưa đất nước ta ngày càng vững mạnh.
Nguyễn Anh Tuấn
(Nha Trang): Tôi rất ủng hộ phát biểu của Thủ tướng. Kính mong Thủ
tướng dẫn dắt dân nhân tiến lên, đất nước phát triển, xã hội công bằng,
văn minh. Đặc biệt là bằng những phương cách tốt nhất bảo vệ chủ quyền
đất nước và toàn vẹn lãnh thổ trước những xâm phạm và đe dọa từ bên
ngoài. Kính chúc Thủ tướng nhiều sức khỏe để dẫn dắt đất nước.
Một bạn trẻ từ TP.HCM, email jell.namrom…@gmail.com có những dòng thư rất tâm huyết:
Bác làm Thủ tướng của
một nước, phải bao quát rất nhiều công việc, tất nhiên là sẽ rất vất vả
khó khăn, không thể đi từng cơ quan đơn vị để thanh tra, nhắc nhở, xử
lí. Nhưng với quyền lực mà nhân dân đặt vào tay bác, mong bác hãy có
nhiều hành động cụ thể, thiết thực hơn để người dân an lòng.
Chúng cháu rất tự hào vì
nước mình có một vị Thủ tướng vừa tài giỏi, vừa phong độ, đĩnh đạc. Bác
hãy nghĩ ra và thực hiện nhiều biện pháp cụ thể - quyết liệt hơn để
chống tham nhũng, giảm tiêu cực, hạn chế khuyết điểm, để thế hệ trẻ
chúng cháu có lòng tin vào Đảng và Nhà nước như ông bà, bố mẹ chúng
cháu đã tin.
Một vấn đề vô cùng hệ trọng đối với đất nước mà những công dân như
Hoàng Trà, Nguyễn Mạnh Hùng… đưa ra là vấn đề “nội xâm”. Có một đặc
điểm trong lịch sử dân tộc chúng ta là khi đất nước bị ngoại xâm đe dọa
thì mọi người dân kết thành một khối đoàn kết vô địch, nhưng trong thời
bình thì “nội xâm” lại trở thành kẻ thù của sự phát triển đất nước.
“Nội xâm” chính là sự mất đoàn kết nội bộ, lề lối làm việc vô trách
nhiệm và nạn tham nhũng.
Nếu không giảm được tham nhũng thì chúng ta không có cơ hội để sánh kịp
các nước trong khu vực và sau đó sánh kịp các cường quốc trên thế giới.
Chúng ta không có một “Hội nghị Diên Hồng” như trước kia trong lịch sử
của dân tộc khi quyết định những vấn đề sống còn của dân tộc
mình. Những góp ý, những phản ánh đầy trách nhiệm và đầy tính cấp bách
của nhân dân cho thấy hiện thực của những nguy cơ cản trở sự phát triển
xã hội hiện nay. Khi nạn tham nhũng còn hoành hành thì chiến lược phát
triển đất nước của Chính phủ cho dù đúng đến đâu cũng khó thực hiện
được. Mất đoàn kết nội bộ và tham nhũng là những kẻ thù nguy hiểm nhất
của đất nước lúc này.
Hiến kế cho Thủ tướng
Trong hàng trăm ý kiến, nhiều người dân cũng đưa ra những kế sách để
khắc phục những sai sót, khó khăn và vượt qua thách thức trong mọi lĩnh
vực của đất nước.
 |
Ảnh: Trần Dũng |
Những ý kiến chân thành cho thấy người dân ủng hộ Chính phủ với một
tinh thần rất cao. Đồng thời, Chính phủ sẽ nhận ra sức mạnh của một thể
chế khi mỗi người dân tự nguyện làm một người lính dũng cảm nhất trong
chiến tranh vệ quốc và làm việc như một nhà tư vấn trong công cuộc xây
dựng đất nước.
Trần Anh (Mỹ): Tôi đã đọc kỹ Thông điệp
2010 của Thủ tướng và thấy rất mạch lạc. Thông điệp nêu bật một số ý
quan trọng. Nhưng trong đó, tôi thấy 5 chính sách sau có thể thúc đẩy
thành công:
1. Trong năm 2010 cần
chuyển mục tiêu kích cầu sang ổn định vĩ mô: Trong thời gian qua ta đã
sử dụng rất nhiều nguồn lực để kích cầu chống suy thoái. Việc này cần
thiết nhưng sẽ dẫn đến tác hại lâu dài là thâm hụt ngân sách, trả nợ,
in tiền, lạm phát. Nhiều chương trình kích cầu có thể bị lợi dụng cho
tham nhũng.
Năm 2010 khi không còn
nguy cơ suy thoái, cần lập tức chuyển mục tiêu kinh tế vĩ mô từ kích
cầu sang ổn định. Nghĩa làm giảm chi tiêu chính phủ, giảm hỗ trợ lãi
suất, giảm thâm hụt ngân sách và vay nợ.
2. Ký nhiều hiệp định
mậu dịch tự do: Đây là chính sách quan trọng để hội nhập quốc tế, làm
thị trường Việt Nam hấp dẫn và an toàn hơn cho các nhà đầu tư. Tuy
nhiên sẽ có những lực lượng trong nước lobby để cản trở những hiệp định
kiểu này, vì còn muốn được bảo hộ. Báo chí rất cần ủng hộ Chính phủ để
nâng cao quyết tâm ký kết các hiệp định thương mại tự do.
3. Giảm thủ tục hành
chính: Đây là chính sách mạnh nhất để cải thiện môi trường đầu tư trong
nước, giảm gánh nặng cho cả dân lẫn doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn vào
đây là rất đúng, tuy nhiên nói giảm 30% thì khá mơ hồ. Nhiều cơ quan
nhà nước sẽ chỉ giảm thủ tục trên giấy tờ. Báo chí cần yêu cầu Chính
phủ theo dõi việc cắt giảm thủ tục thông qua việc đánh giá của chính
người dân và doanh nghiệp.
4. Phát triển nông thôn,
giảm tải đô thị: Một trong những sai lầm lớn trong phát triển trong
thời gian qua là ưu tiên thành thị. Điều này dẫn đến là các đô thị thì
quá tải. Nông thôn thì nghèo đói. Khoảng cách thu thập vùng miền ngày
càng tăng.
Thông điệp 2010 đã nêu được vấn đề này. Tuy nhiên, để giải quyết, không phải là chuyện một sớm một chiều.
Theo tôi, chúng ta có
thể tham khảo mô hình phát triển của Mỹ. Phát triển của họ khá cân bằng
giữa các vùng. Nguyên nhân chính là các bang được chủ động về chính
sách kinh tế, cạnh tranh nhau để khuyến khích đầu tư. Để Việt Nam có
thể phát triển cân bằng, không có cách gì khác là phải phân cấp chính
sách kinh tế tối đa cho các tỉnh. Để các tỉnh chủ động hơn nữa trong
việc cạnh tranh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của mình. hay cho
chính sách xin - cho giữa TƯ và các tỉnh hiện nay.
5. Minh bạch thông tin: Điều này vô cùng quan trọng cho phát triển, thiết nghĩ không cần phải nói thêm về chủ đề này.
Hoàng Phương
(Cần Thơ): Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư để kích thích tăng trưởng,
điều này tốt, nhưng với điều kiện đầu tư đó phải "trúng". Nói cách
khác, với một nước nghèo như Việt Nam, đồng vốn được sử dụng phải "đáng
đồng tiền bát gạo". Phải chọn lĩnh vực, chọn địa phương để đầu tư, chứ
đừng rót vốn kiểu rải mành mành mỗi nơi một tí, cào bằng thì làm sao mà
hiệu quả được. Nhà nước cũng không nên "ôm" hết, mà nên để cho tư nhân
tham gia vào những lĩnh vực họ hoàn toàn có khả năng làm tốt, như cơ sở
hạ tầng. Viễn thông là một điển hình thành công khi được Nhà nước "cởi
trói". Thủ tướng cũng nhận định phải tập trung nguồn lực cho các công
trình hoàn thành trong năm 2010 này được thực hiện nghiêm ngặt. Tôi rất
đồng tình với ý kiến chuyên gia nói rằng phải linh động trong việc bố
trí vốn để xử lý dứt điểm từng dự án đầu tư, chấp nhận tình trạng là có
những nơi được bố trí vốn trước, hoàn thành công trình trước, có những
nơi chịu đựng khó khăn sau một thời gian.
Huỳnh Dũng
(Đồng Nai): Thủ tướng chỉ đạo "phải sâu sát thực tế, chỉ đạo và hành
động quyết liệt, dám chịu trách nhiệm". Tìm được người như thế thời
buổi này khó lắm Thủ tướng ơi. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
để rồi mất chức, "ghế" lại rơi vào tay những kẻ chẳng cần làm gì nên
chẳng bao giờ sai và chẳng bao giờ phải chịu trách nhiệm ư? Nói vậy,
nhưng tôi tin người tốt, người tâm huyết, người có tài trong xã hội còn
nhiều lắm. Chỉ cần có cơ chế thực quyền cho cán bộ lãnh đạo. Làm tốt,
họ được khen thưởng xứng đáng. Làm sai thì bị bãi chức hay từ chức chứ
không thể để sai phạm tày đình nhưng rồi lại được về hưu an toàn.
Lương Vân Anh (Thái
Bình): Là một giáo viên từng giảng dạy nhiều năm ở nông thôn, tôi phấn
khởi khi nghe Thủ tướng nói phải chỉ đạo làm sao để đẩy mạnh sản xuất
nông nghiệp, tăng sức mua và nâng cao đời sống của người nông dân. Tôi
nghĩ đây chính là chìa khóa để tăng trưởng của Việt Nam được bền vững.
Không cần nói chuyện đao to búa lớn, Chính phủ hãy tập trung hành động
để mọi đứa trẻ khi sinh ra ở nông thôn đều được chăm sóc sức khỏe tốt
như ở thành phố, lớn lên thì không phải bỏ học chỉ vì bố mẹ chúng quá
nghèo, bố mẹ chúng không bỏ chúng ở nhà cho ông bà vì phải đi kiếm ăn ở
tận thành phố, ông bà chúng khi đau ốm không phải lặn lội ra tận bệnh
viện trung ương mới mong khỏi bệnh. Làm sao để khoảng cách giàu nghèo
được thu lại.
Nguyên Đăng
(Hà Nội): Thủ tướng nói "hoàn thiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các
doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp này tiếp cận
tốt hơn với các nguồn lực phát triển". Vấn đề với các doanh nghiệp vừa
và nhỏ như chúng tôi, là luôn bị các ngân hàng coi bảo lãnh như một
khoản tín dụng, họ mặc nhiên coi đó là một khoản cho vay, nên chúng tôi
phải có tài sản thế chấp, thẩm định... như với vốn vay và điều này sẽ
không bao giờ thay đổi được, vì các ngân hàng phải bảo vệ lợi ích của
họ.
Theo tôi, giải pháp ở
đây để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với nguồn vốn là Nhà nước hỗ
trợ lập quỹ bảo lãnh, bất kỳ ai là thành viên hiệp hội doanh nghiệp vừa
và nhỏ đều được bảo lãnh tín dụng.
(Theo Vietnamnet.vn)